1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi

Người Jrai gìn giữ kho báu cồng chiêng Tây Nguyên

Hiệp Nguyễn

(Dân trí) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh Gia Lai tích cực bảo tồn và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 gồm nhiều dự án và tiểu dự án thành phần. Trong đó có Dự án 6: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.

Dự án hướng tới mục tiêu hướng tới mục tiêu: Khôi phục, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ văn hóa; hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị văn hóa cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để nâng cao mức thụ hưởng về văn hóa cho đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch cộng đồng, trong đó ưu tiên các dân tộc thiểu số rất ít người.

Đã 13 năm nay, vào mỗi buổi tối, nhà riêng của nghệ nhân Siu Thưm (dân tộc Jrai, Pleiku Roh, TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) luôn rộn ràng nhịp điệu trầm bổng, âm vang của cồng chiêng.

Bởi cùng lúc, anh đang duy trì 3 lớp cồng chiêng miễn phí cho lứa tuổi trung niên, thanh niên và thiếu nhi, toàn bộ là người Jrai trong làng.

Nghệ nhân Siu Thưm cho biết, lý do mở lớp chiêng là vì thấy người trẻ hiện nay quan tâm nhiều tới mạng xã hội, nhạc trẻ, nhạc ngoại, mà ít người học cồng chiêng.

Lo lắng văn hóa của cha ông bị lãng quên, không còn người tiếp nối. Từ khi lớp học đi vào ổn định tới nay, 3 đội chiêng của anh đều tham gia đánh chiêng miễn phí cho các hộ dân trong làng, mỗi khi gia đình nào đón thành viên mới, thôi nôi, hiếu hỉ…

Người Jrai gìn giữ kho báu cồng chiêng Tây Nguyên - 1

Trong đời sống của người Tây Nguyên, cồng chiêng là "tài sản" văn hóa, tín ngưỡng quý giá, gần như không thể thay thế (Ảnh: T.N).

Một số học viên nhí đã được nghệ nhân đưa đi biểu diễn, giao lưu ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Được biểu diễn cồng chiêng đều đặn, thường xuyên, học viên trong lớp luôn phấn khởi và giữ ngọn lửa đam mê với văn hóa dân tộc.

Còn tại làng O, xã Ia O, ở huyện biên giới Ia Grai, già làng Siu Rên có lẽ là người "giàu có" nhất làng, bởi ông đang sở hữu 2 bộ cồng chiêng, mỗi bộ gần 20 chiếc, với tổng giá trị trên 400 triệu đồng.

Già làng cho biết, đối với cộng đồng Jai, nhà nào có nhiều cồng chiêng, luôn được coi là nhà "giàu" và được dân làng nể phục. Vì thế, mỗi nhà đều phấn đấu mua một bộ chiêng để sử dụng vào những dịp quan trọng của gia đình mình, mà không phải đi mượn hàng xóm.

Người Jrai gìn giữ kho báu cồng chiêng Tây Nguyên - 2

Già làng Siu Rên giới thiệu nét văn hóa độc đáo của người Tây Nguyên qua các bộ cồng chiêng (Ảnh: T.N).

Chỉ tay về mảng vách nhà đã treo kín chiêng, già làng Siu Rên khoe rằng, gia đình ông có 2 bộ, 1 bộ chiêng quý, chỉ sử dụng cho người già đánh trong những dịp quan trọng như đám ma, đâm trâu... của làng. Bộ nhỏ dành để trai tráng đánh trong những lễ mừng nhà mới hay thôi nôi cháu chắt trong gia đình.

Tỉnh Gia Lai hiện là địa bàn sinh sống của 11 dân tộc, quá nửa trong số này là 2 dân tộc bản địa là Jrai và Bahnar, cũng chính là chủ nhân của di sản văn hóa phi vật thể Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận.

Theo kết quả kiểm kê của ngành văn hóa Gia Lai vào năm 2020, hiện 2 nhóm dân tộc này còn lưu giữ trên 5.600 bộ cồng chiêng, trong đó có hơn 930 bộ chiêng quý hiếm. Toàn tỉnh có 948 làng/1.192 làng tương đương 79,5% làng dân tộc thiểu số còn cồng chiêng.

Trong nỗ lực bảo tồn cồng chiêng của tỉnh, hàng năm, ngành văn hóa của hầu hết các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đều tổ chức các cuộc thi diễn tấu cồng chiêng cấp cơ sở, tặng cồng chiêng cho các làng. Điều này không chỉ giúp tạo không gian biểu diễn cồng chiêng mà còn khích lệ phong trào bảo tồn cồng chiêng của bà con dân tộc thiểu số.

Ở quy mô cấp tỉnh, trong 15 năm qua, kể từ khi không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại, địa phương đã thực hiện nghiêm túc các cam kết, từ việc tổ chức những lễ hội cồng chiêng quy mô lớn, đến việc vinh danh nghệ nhân cồng chiêng, chuẩn bị đưa cồng chiêng vào dạy trong trường học, tổ chức các sự kiện lớn như Festival cồng chiêng Quốc tế (2009), festival cồng chiêng Tây Nguyên (2018),...

Đầu năm 2023, UBND tỉnh Gia Lai đã thông qua Quyết định số 09/ QĐ-UBND về "Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Gia Lai giai đoạn 2023-2025".

Qua đây, tỉnh xác định mục tiêu chung là bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trên địa bàn tỉnh, phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội, xu thế hội nhập quốc tế và gắn với phát triển du lịch địa phương. 

Đề án có 8 nội dung, dự án thành phần gồm: Điều tra, khảo sát về cồng chiêng và người thực hành cồng chiêng trên địa bàn toàn tỉnh; phục dựng một số nghi lễ, lễ hội có sử dụng cồng chiêng của dân tộc Bahnar và Jrai; tổ chức các lớp truyền dạy đánh chiêng, chỉnh chiêng cho người Bahnar, Jrai; mở lớp tập huấn công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản cho cán bộ cấp huyện, xã; tỉnh tổ chức liên hoan cồng chiêng khu vực và Festival Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai định kỳ 2 năm/lần.

Với những việc làm thiết thực, ý nghĩa, hệ thống chính quyền và các đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Gia Lai đang tích cực bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng hiệu quả. Đây cũng là nội dung quan trọng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Mục tiêu lâu dài của tỉnh vừa để bảo tồn văn hóa truyền thống, đồng thời đưa cồng chiêng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo tại địa phương. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm