1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Người hát ca trù dưới chân núi Hồng

(Dân trí) - Bà Phan Thị Mơn (85 tuổi) ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã đứng ra thành lập câu lạc bộ ca trù duy nhất ở Hà Tĩnh với hi vọng truyền lửa các làn điệu ca trù cho thế hệ trẻ. Bà từng góp mặt trong bộ phim "Ngã ba Đồng Lộc" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh.

Đóng phim ở tuổi “thất bát”

 

Theo sử sách ghi lại, tại xã Cổ Đạm nói riêng và vùng đất Nghệ Tĩnh nói chung, dòng họ Phan vốn nổi tiếng về hát ca trù đã chục thế kỷ qua. Bà Mơn cũng là con cháu dòng họ Phan nên cũng kế thừa ít nhiều tài năng của dòng họ này.

 

Bà nhớ lại những ngày tháng xưa: “Năm 13, tui theo các chị và các bạn đến học ca trù anh kép Phan Đình Hưng - người trong làng (thâm niên trên 30 năm đi biểu diễn ca trù ở cung đình Huế)”.

 

Năm 17 tuổi, đào Mơn đã thuộc làu hơn 30 làn điệu ca trù và theo gánh hát anh kép Hưng đưa ca trù đi biểu diễn khắp các tỉnh Trung Kỳ lúc ấy với vai trò ca chính của gánh hát.

 

Năm 1944, cô đào Mơn đã kết tóc xe duyên cùng người thầy dạy học chữ Hán trong làng. Bà kể lại cho chúng tôi nghe: “Kháng chiến nổ ra gánh hát ca trù tan vỡ. Sau những năm 1975, mặc dù Điện xứ ca trù Cổ Đạm không còn hưng thịnh nữa như những ngày đầu, nhưng vào những ngày giỗ chạp, lễ tết, các ca nương, anh kép một thời xông pha lại ngồi hát với nhau. Giờ ca trù dần dần bình phục lại được rồi”.  

 

Khi nói về chuyện đi đóng phim Ngã ba Đồng Lộc (của đạo diễn Lưu Trọng Ninh), bà Mơn xúc động nhớ lại: “Vào một buổi chiều cuối năm 1992, anh Ninh tìm đến nhà mời tui đi đóng phim và đưa 10.000 đồng để tui ăn uống bồi dưỡng thêm sức khoẻ. Tui không ngờ mình lại đóng được phim. Hơn 2 tháng tập luyện trong vai mẹ của một liệt sĩ lưng còng”.

 

Ấm áp như tình mẫu tử từ lớp học ca trù

 

Những ngày “giao thoa” chuyển mùa giữa cái nắng và cái rét dần qua, chúng tôi tìm về ngôi nhà nhỏ đơn sơ của bà Phan Thị Mơn nằm khép mình bên chân núi Hồng Lĩnh, cũng vừa lúc các anh, chị, em học sinh lần lượt đến sinh hoạt, học ca trù. Trong ngôi nhà rộng khoảng 15m2, làn điệu ca trù bắt đầu vang lên: nhịp phách, tiếng đàn đáy... Nhưng căn nhà nhỏ của bà Mơn quá chật nên các ca nương phải xếp ghế ra ngoài sân. 

 

Xa xa nghe tiếng ca của bà Mơn thì cứ tưởng một đào nương (người hát ca trù) tuổi 30 với giọng hát âm vang truyền cảm, sâu lắng, chứ ít ai biết rằng đó là giọng ca của bà lão tuổi ngoài bát tuần.

 

“Cổ Đạm là cái nôi di sản ca trù nổi tiếng từ Bắc vào Nam, một thời tôi là đào nương đi hát ca trù khắp xứ Trung Kỳ. Nhưng giờ về già, thấy thế hệ con cháu thường hát những loại nhạc mới trên thị trường, nghĩ về ca trù mà thấy buồn lòng”, bà Mơn buồn bã nói.

 

Quyết không để di sản ca trù mai một, những đêm trăng thanh gió mát bà Mơn cùng những người bạn già ngồi ngâm ca những làn điệu ca trù. Vào những ngày lễ, tết, mừng thọ các bà lại có dịp biểu diễn những làn điệu ca trù cho lớp trẻ.

 

Năm 2000, người ta thấy bà Mơn-lưng còng chống gậy đến từng gia đình vận động các bạn trẻ học hát ca trù. Lúc đầu là các em học sinh, tiếp đó là các chị trong làng đều đến xin được học hát ca trù. Được sự khuyến khích của chính quyền địa phương, CLB ca trù Cổ Đạm 1 do bà Mơn làm chủ nhiệm, kiêm dạy ca trù miễn phí đã ra đời từ đó.  

 

Từ một CLB ca trù khoảng vài chục nay trên địa bàn xã Cổ Đạm đã hình thành thêm hai câu lạc bộ ca trù với gần 70 thành viên tham gia luyện tập hằng ngày.

 

Tại Liên hoan ca trù toàn quốc 2005 lần thứ nhất tổ chức tại khu di tích Nguyễn Du vào giữa năm 2005, CLB ca trù Cổ Đạm 1 do bà Mơn làm chủ nhiệm đã đoạt 3 huy chương vàng. Trong đó, bà và người bạn hát Phan Thị Nga đều nhận huy chương bạc ở cái tuổi ngoài 80!

 

Cách đây mấy tháng, Viện âm nhạc Việt Nam mời Câu lạc bộ ca trù Cổ Đạm 1 vào cung đình Huế biểu diễn nghệ thuật ca trù, tham gia làm phim giới thiệu về môn nghệ thuật đặc sắc. Chính quyền địa phương đang đề nghị cấp trên tặng danh hiệu “Nghệ nhân dân gian di sản ca trù” cho bà Mơn. Trong năm nay, nhiều khả năng, ca trù ở Cổ Đạm sẽ được thế giới công nhận là di sản văn hoá về tinh thần đầu tiên của Hà Tĩnh.

 

Nguyễn Duy