Ngọc Trinh tiếp tục thách thức, chuyên gia: "Không thể muốn làm gì thì làm"

B.Phương

(Dân trí) - Chuyên gia xã hội học Phạm Thị Thúy cho rằng Ngọc Trinh có thể thoải mái theo đuổi sở thích cá nhân nhưng cần phải chịu trách nhiệm trước xã hội và tuân thủ nguyên tắc "không gây hại".

Gần đây, Ngọc Trinh gây xôn xao mạng xã hội khi đăng nhiều video lái mô tô phân khối lớn, trong đó có hình ảnh cô thả 2 tay, nằm, quỳ trên yên xe. Nữ diễn viên bị chỉ trích vì hành động gây nguy hiểm cho chính mình và có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến người dùng mạng.

Sau khi gặp tai nạn và vấp phải làn sóng phản đối, ngày 9/10, Ngọc Trinh vẫn tuyên bố sẽ tiếp tục theo đuổi đam mê "tốc độ". Điều này khiến nhiều người không khỏi ngao ngán, cho rằng cô bất chấp dư luận, chưa nhận ra lỗi sai của mình.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với bà Phạm Thị Thúy - Tiến sĩ ngành xã hội học, Thạc sĩ ngành tâm lý học, giảng viên trường Học viện Hành chính Quốc gia TPHCM - để tìm hiểu góc nhìn chuyên gia về sự việc.

Ngọc Trinh tiếp tục thách thức, chuyên gia: Không thể muốn làm gì thì làm - 1

Ngọc Trinh bị chỉ trích vì chia sẻ hàng loạt video điều khiển mô tô trong tư thế thả tay và tạo dáng nguy hiểm (Ảnh: Chụp màn hình).

Ngọc Trinh đang là nhân vật gây tranh cãi lớn. Chuyên gia nhận định ra sao về câu chuyện "người nổi tiếng và trách nhiệm xã hội"?

- Thứ nhất, mỗi người chúng ta đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình trong tương giao với người khác. Mối quan hệ của chúng ta với người khác đều có sự ảnh hưởng. Người bình thường cũng vậy chứ không riêng gì người nổi tiếng.

Người nổi tiếng càng cần phải hiểu rằng họ có sức ảnh hưởng đến số đông chứ không chỉ là số ít khán giả, đặc biệt là giới trẻ. Vậy nên, tôi phản đối những người nổi tiếng có hành vi bất chấp dư luận, bất chấp luật pháp.

Có một số ít ý kiến cho rằng Ngọc Trinh chỉ làm theo sở thích cá nhân và dân mạng không nên chỉ trích gay gắt. Chuyên gia nghĩ sao?

- Người nổi tiếng có quyền sống theo cách riêng của mình, nhưng hành vi đó không được gây hại. 

Như trường hợp của Ngọc Trinh, cô ấy đi xe phân khối lớn, buông tay ở tư thế mạo hiểm. Cô ấy còn gặp tai nạn chứ mọi chuyện không chỉ dừng lại ở việc cảnh báo. Lãnh hậu quả rồi nhưng Ngọc Trinh vẫn thách thức, tuyên bố tiếp tục lái xe.

Như vậy, đây là hành động gây hại, vô tình cổ vũ cho giới trẻ lái xe mô tô phân khối lớn thiếu an toàn. Ở đây, tai nạn không chỉ gây ra cho bản thân người lái xe, mà còn cho người đi đường.

Ngọc Trinh tiếp tục thách thức, chuyên gia: Không thể muốn làm gì thì làm - 2

Ngọc Trinh bị chấn thương sau lần lái xe mạo hiểm (Ảnh: Chụp màn hình).

Một người mẫu, diễn viên nổi tiếng có gần 7 triệu người theo dõi lại thoải mái thả dáng, "diễn xiếc" nguy hiểm trên xe phân khối lớn. Chuyên gia đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc ra sao?

- Theo tôi, đây là vấn đề nghiêm trọng, là câu chuyện về trách nhiệm xã hội và tầm ảnh hưởng. Người nổi tiếng cần ý thức được trách nhiệm xã hội của họ.

Họ không thể bảo là tôi không liên quan, tôi muốn làm gì thì làm! Nếu họ trả lời như vậy thì họ không nên là người nổi tiếng. Họ đã là người của công chúng, đã có sức ảnh hưởng đến người khác thì buộc phải chỉn chu trong hành động và nguyên tắc đạo đức "không gây hại".

Trước khi Ngọc Trinh gặp tai nạn và bị công an triệu tập, một số dân mạng bình luận cổ vũ, khen ngợi cô ấy vì "ngầu, đẹp". Phải chăng điều này góp phần khiến Ngọc Trinh thích thể hiện, "làm lố" về sở thích lái mô tô?

- Những bình luận đó hết sức bình thường, nhất là trên TikTok, nơi giới trẻ có nhiều quan điểm trái chiều. Họ thấy vui, họ thấy "ngầu", thấy đẹp, họ khen là chuyện bình thường, chúng ta không cấm được. 

Vấn đề ở đây là những bạn trẻ đó xem xong có bắt chước Ngọc Trinh hay không? Đó mới là trách nhiệm của họ đối với bản thân họ. Chính vì điều này, người nổi tiếng càng cần phải có ý thức. Họ có thể vô tình tạo xu hướng cho người khác bắt chước, làm theo.

Ngọc Trinh tiếp tục thách thức, chuyên gia: Không thể muốn làm gì thì làm - 3

Ngọc Trinh là nhân vật thường tạo thị phi, gây tranh cãi (Ảnh: Facebook nhân vật).

Chuyên gia nghĩ sao trước ý kiến cho rằng Ngọc Trinh chỉ là nhân vật giải trí, không phải nghệ sĩ, nên những hành động của cô ấy chỉ tạo sự chú ý, tò mò chứ không có tầm ảnh hưởng lớn đến khán giả?

- Ngọc Trinh có thể không phải nghệ sĩ, nhưng cô ấy là người nổi tiếng. Lượng theo dõi trang cá nhân của cô ấy lên tới mấy triệu người, đủ nói lên tầm ảnh hưởng nào đó đối với những người theo dõi cô ấy. 

Có những nhân vật giải trí không theo chuẩn mực xã hội nào, vô tình tạo trend (xu hướng - PV), tạo hiệu ứng, thì họ vẫn gây ra ảnh hưởng chứ không phải là không có. Mà những cái ảnh hưởng này còn nguy hiểm hơn bình thường.

Nghệ sĩ tạo ảnh hưởng tích cực, còn người nổi tiếng như Ngọc Trinh lại càng dễ gây ảnh hưởng theo hướng tiêu cực! 

Sau khi gặp tai nạn, Ngọc Trinh nói rằng cô đã lường trước hậu quả và chia sẻ: "Nói gì thì nói, tôi vẫn còn niềm đam mê cháy bỏng với mô tô". Khán giả cho rằng nữ diễn viên chưa nhận thức được lỗi sai của mình. Ở góc độ chuyên gia, hành vi này nên nhìn nhận theo hướng nào?

- Chúng ta phải lưu ý rằng cô ấy hoàn toàn có quyền làm điều đó. Không ai cấm Ngọc Trinh cả! Cô ấy mê lái xe phân khối lớn rồi gặp nạn sau cuộc đua là việc của cô ấy. Vấn đề là cô ấy lại quay video, đăng lên mạng xã hội để cho mọi người xem.

Ngọc Trinh đừng nhầm lẫn với nhu cầu cá nhân và việc bạn vô tình gây ảnh hưởng, gây hại đến người khác. Bạn thích, bạn cứ làm, nhưng đừng bao giờ đăng lên làm mọi người chú ý và vô tình tạo nội dung xấu đến người khác.

Sau ồn ào của Ngọc Trinh, chúng ta có thể nhìn rộng ra vấn đề về những nội dung gây "sốc", đi ngược văn hóa thường thức đang tràn lan, khó kiểm soát trên mạng xã hội. Chuyên gia nghĩ sao?

- Cá nhân tôi không dùng TikTok, nhưng nếu dùng thì tôi sẽ phải đặt ra kỷ luật, đặt ra giới hạn thời gian. Khi nền tảng này chưa kiểm soát hoàn toàn những nội dung độc hại, thì chúng ta chỉ nên theo dõi những trang có nội dung bổ ích, tìm kiếm thông tin tích cực phục vụ sở thích, học tập, nghiên cứu.

Các bậc cha mẹ làm thế nào để kiểm soát con cái sử dụng mạng xã hội, giúp con không chạy theo, bắt chước những hành vi độc hại hoặc vi phạm pháp luật?

- Đây là vấn đề đau đầu cho nhiều cha mẹ, thầy cô. Tuổi vị thành niên là tuổi tò mò, thích học hỏi điều mới, thích làm theo xu hướng mạng xã hội. Các bạn cũng chưa có "tấm khiên" đủ vững để bảo vệ bản thân, chưa vững về nhân cách và quan điểm sống để có khả năng phân biệt đúng sai, để ý thức về pháp luật, đạo đức.

Thế nhưng độ "hóng drama" (theo dõi những ồn ào, thị phi - PV) của các bạn lại rất lớn. Cho nên việc dễ bị ảnh hưởng xấu là tất yếu. Nếu cha mẹ, thầy cô không định hướng kịp, không trao cho các em "tấm khiên" này thì rất nguy hiểm. 

Các bạn trẻ có thể khen Ngọc Trinh đẹp, khen xe mô tô ngầu, không sao cả. Nhưng các bạn phải hiểu những hành vi lái xe đó có thể gây nguy hiểm tính mạng, không nên thử khi chưa đủ sức khỏe, bản lĩnh và điều kiện để dấn mình vào đam mê đó.

Đó là điều mà cha mẹ cần lưu ý cho con cái, điều gì nên làm, điều gì không nên bắt chước. Còn lại, tôi nghĩ cha mẹ không thể ngăn cấm con cái lên mạng xã hội được. Thay vào đó cần sớm định hướng cho giới trẻ bởi nếu chậm trễ, cái xấu, cái tiêu cực độc hại trên mạng sẽ tràn vào tâm hồn trẻ thơ.

Xin cảm ơn bà vì cuộc trò chuyện!

Liên quan đến ồn ào Ngọc Trinh lái mô tô tạo dáng nguy hiểm, hôm 9/10, Công an TP Thủ Đức (TPHCM) đã lập biên bản xử phạt người mẫu vì các lỗi như: Điều khiển phương tiện che lấp biển số, không có giấy đăng ký xe, không có giấy phép lái xe...