“NewOpenWorld hưởng gần 50% phí gửi tin nhắn bầu chọn”
(Dân trí) - Trước luồng ý kiến trái chiều, những nghi vấn có chuyện kinh doanh xung quanh việc bầu chọn 7 Kỳ quan thiên nhiên mới, ông Trần Nhất Hoàng - Giám đốc Trung tâm xúc tiến VHTTDL - Cục Hợp tác quốc tế đã có cuộc trao đổi thắng thắn với PV Dân trí.
Ông nghĩ sao khi có ý kiến cho rằng, việc bầu chọn Vịnh Hạ Long trở thành Kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới là cuộc bầu chọn tốn kém tiền của và công sức mà kết quả lại không có nhiều giá trị?
Trước hết, tôi khẳng định việc tham gia chiến dịch này được tiếp cận theo mục tiêu quảng bá và chúng ta đã đạt được hiệu quả ấy. Cuộc bình chọn là cơ hội quảng bá điểm đến của quốc gia, để những ai chưa biết đến Vịnh Hạ Long dù 2 lần được UNESCO công nhận sẽ biết đến Vịnh Hạ Long, để khi nói đến Vịnh Hạ Long người ta liên tưởng đến Việt Nam và ngược lại. Cũng như nói đến Tháp Eiffel là liên tưởng đến nước Pháp, Quảng trường Đỏ là nước Nga, Kim Tự Tháp là Ai Cập. Người ta dùng nhiều kênh để quảng bá xây dựng thương hiệu điểm đến quốc gia, đây là một 1 trong số đó.
Chưa nói đến thế giới, kinh nghiệm quảng bá 4 năm qua của chúng tôi cho thấy không ít sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng thậm chí không biết Vịnh Hạ Long nằm ở tỉnh Quảng Ninh và không biết đã 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, càng không biết 2 lần công nhận là công nhận gì, giờ đây bạn có tin là mọi chuyện được cải thiện đáng kể không?
Cuộc vận động này đóng góp cả ý nghĩa quảng bá ngay trong nước chúng ta. Đây cũng là cách để thanh niên Việt Nam góp tiếng nói trên các diễn đàn mạng thế giới, chúng ta hòa nhập đầy đủ với thế giới trong cuộc chơi này. Có nhiều cuộc tranh luận gay gắt giữa thanh niên nước ta với thế giới mà tôi theo dõi, họ nói Việt Nam không đủ phổ cập internet để thắng lợi, thực tế cho thấy là họ nhầm... nếu không thì đã có rất nhiều người dân các nước đã bầu chọn cho Vịnh Hạ Long của Việt Nam.
Bạn nên nhớ danh sách 10 địa danh có số phiều bầu chọn nhiều nhất được công bố 15 ngày trước khi kết thúc, và 1 nửa số này đã bị ra ngoài trong 7 ngày cuối cùng của cuộc bầu chọn, Việt Nam thì luôn ở tỷ lệ tăng phiếu cao và trụ đến cùng.
Các bạn sinh viên của chúng ta ngày đầu nhập cuộc nói là họ chỉ biết Amazon, nay thì họ nói có cơ hội họ sẽ đi Jeju thử xem sao, các ngôi sao vận động cho Jeju đã làm được điều đó. Sẽ là tương tự như vậy ở bạn bè quốc tế đối với Vịnh Hạ Long của Việt Nam, sức ảnh hưởng của những trao đổi qua mạng của lớp trẻ lớn hơn những cách tiếp cận cũ rất nhiều. Bạn muốn đến du lịch 1 nơi có giá trị khoa học cao hay là đơn giản chỉ là một nơi bạn nghe người ta nói rất nhiều, được thấy rất nhiều ảnh đẹp và bạn bè bàn tán xôn xao? Tôi nhắc lại là tôi đang tiếp cận vấn đề theo tư duy quảng bá.
Cũng trong 4 năm qua chúng tôi còn nhìn thấy việc bầu chọn Vịnh Hạ Long là một ý tưởng hay giúp mọi người xích lại gần nhau, mới thấy cảm kích sự đoàn kết, niềm tự hào và hãnh diện của người dân Việt Nam. Từ Bắc chí Nam, người Việt từ Mỹ, Pháp đến Nga hay Lào, Campuchia ai ai cũng muốn được góp 1 phiếu bầu chọn cho Vịnh Hạ Long và còn khoe đã vận động những đồng nghiệp nước ngoài ủng hộ cho Vịnh Hạ Long. Ngoài ra cuộc bầu chọn này có giá trị hối thúc to lớn mọi người bảo tồn và phát huy giá trị của Vịnh Hạ Long. Hưởng ứng, ủng hộ là bước đầu tiên để bảo vệ.
Thế hoạt động bầu chọn bằng tin nhắn thì sao, thưa ông?
Cho đến giai đoạn cuối cùng, khoảng thời gian còn lại là một tháng chúng ta mới lựa chọn phương thức bình chọn này. Để có quyết định vận động bầu chọn bằng tin nhắn, Bộ VHTT&DL cũng mất khoảng 5 tháng đàm phán với tổ chức New Open World Corporation (NOWC) làm sao đạt chi phí thấp nhất cho Việt Nam. Chọn tháng cuối cùng của cuộc bầu chọn là quyết định hợp lý vì đây là tháng cao điểm của mọi cuộc bầu chọn và cũng đỡ mất thời gian. Có thể nói, Bộ VHTT&DL đã tìm mọi cách để mức chi phí thấp nhất mà đạt hiệu quả quảng bá cao nhất.
Hiệu quả quảng bá cao nhất được thể hiện như thế nào?
Ngoài những giá trị quảng bá trong và ngoài nước như tôi trình bày ở trên về cái được của cuộc vận động bầu chọn. Ngoài ra, tôi xin ví dụ đơn giản nhất, đội TNV của chúng tôi trao đổi rất nhiều trên trang Facebook của New7Wonders, trang này có có 600 ngàn người tham gia (trang của UNESCO có 6 ngàn người - tất nhiên mục đích là khác nhau).
Ít nhất người dân của 28 địa danh vòng chung kết (riêng Châu Mỹ có 7 địa danh nằm trọn từ Bắc Mỹ đến Nam Mỹ) quan tâm và theo dõi. Mặt khác, khi có kết quả sơ bộ, nhiều trang tin quốc tế đã đưa tin, có bài và ảnh, ví dụ trang tin của CNN.
Trang MSNBC thuộc hệ thống kênh NBC (Mỹ) đưa tin về 7 Kỳ quan và còn làm một cuộc điều tra xem địa danh nào đã bị loại xứng đáng nằm trong danh sách, lập tức nhiều ngàn độc giả đã bỏ phiếu cho Grand Canyon của Mỹ có 59% phiếu.
Trang xã hội khác thì kêu gọi mọi người cùng đánh giá 7 địa danh có xứng đáng không, rất nhiều đã công nhận Amazon, Vịnh Hạ Long và thác nước Iguazu là xứng đáng, để quảng bá, chúng tôi đã khuyến khích các bạn lên mạng rèn luyện các kỹ năng, trong đó có tiếng Anh và tham gia diễn đàn mạng là miễn phí.
Với hơn 20 triệu tin nhắn bình chọn cho Vịnh Hạ Long, xin ông có thể cho biết, chính xác nguồn thu từ tin nhắn được chia như thế nào?
Có ý tưởng và vận hành được một cuộc chơi toàn cầu, nhà tổ chức cũng phải có chi phí và việc thu phí là điều dễ hiểu nếu nằm trong khả năng cho phép.
Bên cạnh những thắc mắc về việc tốn tiền của và công sức vào cuộc bầu chọn, ý kiến khác lại đặt ra vấn đề rằng việc bầu chọn theo cách đang làm là khích lệ ý thức dân tộc hẹp hòi. Nó không thừa nhận giá trị chung của nhân loại mà kích thích việc làm thế nào để công trình của nước mình được bầu chọn. Ông có thể nói gì về ý kiến này?
Bạn nên nhớ khi bầu chọn qua mạng internet, người bầu bắt buộc phải bầu cho 7 địa danh, nếu bạn “hẹp hòi” và thiên vị bạn thì bạn cũng vẫn phải bầu cho 6 địa danh còn lại bằng lý trí. Và nếu bạn không xứng đáng thì những cái hẹp hòi đó cũng không đi đến đâu cả vì thế giới ngoài kia lớn vô cùng. Bầu chọn toàn cầu là thử thách không đơn giản, sau một đêm, mọi thứ có thể rất khác. Bạn vào mạng bầu liên tục 5 phút chỉ được vài phiếu qua vài địa chỉ, nhưng bạn có giá trị, quảng bá, vận động tốt, 5 phút bạn có thể có vài triệu người.
Chúng tôi từng tự hào mà nói rằng có được bầu chọn hay không, Vịnh Hạ Long của chúng ta vẫn đẹp và vẫn xứng đáng là Kỳ quan theo bất cứ tiêu chí gì. Và chúng tôi cũng hiểu rằng giá trị khoa học, địa chất, địa mạo của Vịnh Hạ Long đã được UNESCO công nhận hai lần rồi, còn cuộc chơi này là cơ hội để chúng ta quảng bá tên tuổi của Vịnh Hạ Long càng rộng, càng xa càng tốt. Chúng tôi muốn xem khả năng chúng ta thuyết phục cộng đồng quốc tế, cách chúng ta truyền thông điệp hiệu quả thế nào. Trong nước thì vô cùng thành công. Chúng tôi huấn luyên cho TNV như vậy.
Với tất cả ý nghĩa tốt đẹp, mục đích quảng bá và hiệu quả cao như ông vừa nói, vậy tại sao cuộc bầu chọn không được phía UNESCO Việt Nam hưởng ứng, nhìn nhận theo khía cạnh tích cực? Thậm chí, ông Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đánh giá “đây là cuộc chơi dễ dãi kiểu NOWC”?
Tôi có thể nói như thế này, là người Việt Nam bạn sẽ vui khi địa danh của mình xứng đáng và được công nhận. Khi biết Vịnh Hạ Long chiến thắng ai cũng thấy tự hào, không ít thì nhiều.
Phải nhìn ra rằng mỗi cuộc chơi tiếp cận theo một vấn đề: UNESCO tiếp cận theo hướng khoa học…còn cách mà chúng ta vừa làm là tiếp cận theo hướng quảng bá sức lan tỏa và kêu gọi sự biết đến và ủng hộ của cộng đồng.
Có thể phía UNESCO không nhìn nhận 7 kỳ quan thiên nhiên mới và UNESCO đã không hợp tác với NOWC. Họ tiếp cận vấn đề khác nhau. Xin nói thêm, hãy thay đổi cách tiếp cận và nhìn hiệu quả của vấn đề... Chúng ta tôn trọng những gì UNESCO đang làm và chúng ta cũng cần chia sẻ những gì công tác quảng bá đang nỗ lực. Mỗi người hãy làm tốt nhất việc của mình, cộng lại sẽ ra thành quả lớn hơn. Đừng đi ngược là được.
Dưới quan điểm cá nhân, ông có thể chia sẻ điều gì trước những luồng dư luận trái chiều ngay trong nước xung quanh việc bầu chọn Vịnh Hạ Long?
Mỗi người có cách tiếp cận vấn đề khác nhau, cực đoan một chút là phủ nhận cách tiếp cận khác ngay, Bộ VHTT&DL tiếp cận cuộc chơi này với ý nghĩa quảng bá. Bao nhiêu triệu phiếu bầu cho Vịnh Hạ Long trong nước và quốc tế, cộng vài trăm ý kiến ngược chiều, thời đại thông tin bùng nổ là thế, không tránh được, cá nhân tôi, nếu ta đang làm điều có ích cho Vịnh Hạ Long, động cơ tốt và hiệu quả có thể đo đếm được thì ta cứ gắng sức mà làm. Nếu đặt giả thiết 4 năm qua không có cuộc bầu chọn này, tôi tin là những người có ý kiến trái chiều cũng không làm gì hơn được cho Vịnh Hạ Long, mà sẽ vẫn là những việc họ đang làm, nếu họ yêu Vịnh Hạ Long, có lẽ họ cần hiểu chúng tôi đang cùng họ làm tốt hơn cho Vịnh Hạ Long đấy chứ!
Xin cảm ơn ông!
Nguyễn Hằng