1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Nét độc đáo trong tết thanh minh của người dân tộc Nùng

(Dân trí) - Hàng năm, cứ mỗi dịp tết thanh minh 3/3 âm lịch, người Nùng ở Lạng Sơn sắm sửa mâm cỗ, bánh trái đi tảo mộ để tưởng nhớ người thân đã mất với những nét văn hóa cổ truyền dân tộc độc đáo.

Tảo mộ ngày 3/3 âm lịch

Tết thanh minh mang nhiều ý nghĩa đã được nhắc trong các câu thơ, như Nguyễn Du đã viết “Thanh minh trong tiết tháng ba, lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”. Khác với người Kinh thường đi tảo mộ vào dịp Tết nguyên đán hoặc rằm tháng bảy, người Nùng ở Lạng Sơn lại chọn ngày mùng 3/3 âm lịch hàng năm làm lễ tảo mộ. Mọi gia đình sắm sửa cỗ xôi, gà trống thiến, và các món đặc sản như thịt lợn quay, sôi đỏ đen đi tảo mộ. Trước ngày tết thanh minh một ngày, con cháu trong cùng một dòng họ quây quần về một gia đình và cùng nhau mang cuốc, xẻng, dao, sơn… lên dọn dẹp, sơn lại khu mộ.

Sau khi rẫy sạch cỏ, người dân bày mâm cỗ ngay bên cạnh mộ (ảnh Quốc Đạt).
Sau khi rẫy sạch cỏ, người dân bày mâm cỗ ngay bên cạnh mộ (ảnh Quốc Đạt).

Mọi người thường ra mộ vào lúc sáng sớm, thắp hương xin phép thần thổ địa rồi dọn dẹp, phát cỏ, cây dại xung quanh khu mộ. Sau một năm, cây cỏ mọc cao và rậm rạp cần phải rẫy sạch cỏ và đắp nấm mồ cho đầy đặn.

Tết thanh minh của người Nùng có ý nghĩa đặc biệt, đó là ngày bày tỏ tấm lòng của thế hệ sau đối với nguồn cội mình đã sinh ra, đồng thời là ngày để con cháu các dòng họ gặp gỡ trò chuyện cùng nhau tưởng nhớ người thân đã mất.

Ông Liêm (Vạn Linh, Lạng Sơn) chia sẻ: “Năm nào tiết thanh minh, cả gia đình tôi đều về quê tảo mộ với anh em họ hàng. Tết thanh minh là dịp để những người đã khuất được về gặp mặt con cháu. Vào ngày này, quan hệ gia đình càng trở nên thắm thiết hơn, kể cho nhau nghe về những thành tựu tổ tiên đã gây dựng. Ngày để chúng tôi nhắc nhở con cái về lòng hiếu thảo, tưởng nhớ đến tổ tiên, ông bà đã khuất và gìn giữ nét cổ truyền của người Nùng”.

Mâm cỗ chính là món “khâu nủa đăm đeng”

Trong mâm cỗ cúng tổ tiên của người Nùng không có bánh trôi mà thay vào đó là các đặc sản địa phương như: thịt lợn quay mắc mật, thịt vịt quay, thị gà trống thiến, hoa quả bánh kẹo, tiền vàng, rượu. Trong đó món quan trọng nhất không thể thiếu trong lễ thanh minh là “khâu nủa đăm đeng” ( xôi nếp đỏ, đen). Đây là món xôi đa màu sắc làm từ các loại lá cây rừng.

Xôi nếp đỏ, đen là món không thể thiếu trong lễ tết thanh minh của người Nùng.
Xôi nếp đỏ, đen là món không thể thiếu trong lễ tết thanh minh của người Nùng.

Xôi nếp đỏ, đen được người Nùng làm rất cẩn trọng, lấy gạo nếp tự tay mình trồng được đem ngâm với nước cốt của lá cây cẩm đen và đỏ để qua một đêm, sau đó đem đồ thành xôi. Khi cúng tổ tiên, món xôi này được nặn khéo léo thành hình tròn và xếp cẩn thận vào đĩa hoặc giá.

Bà Nông Thị Bích, một già làng cho biết: “Xôi đỏ, đen người dân tộc chúng tôi thường gọi là “khâu nủa đăm đeng”. Món xôi này có rất nhiều màu sắc được làm từ nhiều loại lá cây rừng nhưng chủ yếu vẫn là màu đỏ và đen. Xôi đỏ, đen là tấm lòng cũng như những nỗi vất vả của người dân. Vào ngày này, dâng xôi đỏ, đen mong cho tổ tiên phù hộ mùa màng tươi tốt”.

Các mâm cỗ được bày bên cạnh mộ. Sau khi thắp hương, người dân rót rượu khấn mời vong linh những người đã khuất về ăn cùng con cháu và phù hộ sức khỏe, tài lộc, hạnh phúc.

Phương Dung