Nền văn hóa Nhật Bản qua "Ba nghìn thế giới thơm" của nhà văn Nhật Chiêu
(Dân trí) - Từ hình ảnh hoa anh đào đến cảnh vật mùa thu, từ nỗi buồn man mác đến niềm vui nhẹ nhàng, tất cả đều được tác giả Nhật Chiêu khai thác một cách tỉ mỉ và tinh tế.
Từ một tập sách soạn ra với mục đích làm tài liệu học tập cho sinh viên, Ba nghìn thế giới thơm của nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu, đã bước ra khỏi ngưỡng cửa trường học.
Đến nay, cuốn sách đã trở thành "sách gối đầu giường" của những người yêu thơ, những nhà thơ và các nhà nghiên cứu chuyên sâu về văn hóa và văn học Nhật Bản, khẳng định vị thế vững chắc trong lĩnh vực nghiên cứu và sáng tác thơ ca.
Tác phẩm gồm hai phần. Phần một mang tên Con đường thơ ca, khởi đi từ những huyền thoại về thơ ca, những biểu tượng, hình thể nguyên sơ xuất hiện trong thơ ca Nhật Bản và kết thúc bằng những bài thơ từ trái tim trần thơ dại của một trong những thi sĩ lớn nhất trong thế giới haiku: Kobayashi Issa.
Phần hai là Ba nghìn thế giới thơm, tổng cộng 27 chương với 9 chương mới được bổ sung trong lần tái bản này.
Cuốn sách mang đến một cái nhìn sâu sắc và phong phú về nền thi ca Nhật Bản, đặc biệt là thể thơ haiku.
Bằng việc phân tích những tác phẩm của các thi sĩ vĩ đại qua nhiều thời kỳ, tác giả Nhật Chiêu dẫn dắt độc giả khám phá nền văn hóa của đất nước mặt trời mọc, nơi mà thơ ca được xem là sở hữu "một năng lực linh thiêng".
Ba nghìn thế giới thơm tập trung giới thiệu và phân tích những tác phẩm thơ cổ điển và hiện đại của Nhật Bản, từ những thi tuyển thời Heian như Kokinshu (Cổ kim tập), Manyoshu (Vạn diệp tập) đến các nhà thơ bậc nhất như Matsuo Basho, Kobayashi Issa...
Nhà nghiên cứu Nhật Chiêu không chỉ dịch và giới thiệu thơ ca, mà còn lồng ghép những phân tích sâu sắc về lịch sử, văn hóa, cảm thức thiên nhiên, triết lý cũng như những lý tưởng thẩm mỹ của người Nhật.
Cuốn sách cũng đào sâu hơn các quy tắc và phong cách sáng tác của những thể loại thơ truyền thống như tanka, haiku và renga…
Điều này giúp người đọc hiểu rõ hơn về ngữ cảnh và ý nghĩa của từng bài thơ, sự phát triển và biến đổi của thơ ca Nhật Bản qua các thời kỳ khác nhau.
Từ hình ảnh hoa anh đào đến cảnh vật mùa thu, từ nỗi buồn man mác đến niềm vui nhẹ nhàng, tất cả đều được tác giả Nhật Chiêu khai thác một cách tỉ mỉ và tinh tế.
Bên cạnh đó, phong cách viết của ông không chỉ mang tính học thuật mà còn đậm chất thơ, biến mỗi trang sách trở thành một trải nghiệm thẩm mỹ quý giá và đầy ắp về tinh thần.
Hướng về chân không nhưng trái tim vẫn thuộc về thế gian này, đó là điều mà độc giả có thể nghiệm thấy ở Ba nghìn thế giới thơm.
Tác phẩm giúp người đọc hiểu thêm về thơ ca truyền thống, truyền tải những giá trị văn hóa và triết lý sống sâu sắc của người Nhật Bản.
Cuốn sách không chỉ làm phong phú thêm kiến thức mà còn gợi mở những cảm xúc và suy nghĩ sâu sắc, là một nguồn tài liệu tham khảo quý giá và một món quà tinh thần đáng trân trọng.
Trong buổi trò chuyện với độc giả ngày 3/8, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu bày tỏ niềm vui khi tác phẩm được đông đảo bạn đọc đón nhận và đã tái bản nhiều lần trong hơn 10 năm qua.
Ông khuyên độc giả nên đọc theo tuần tự từ đầu đến cuối, bởi mỗi chương được sắp xếp có ngụ ý, theo mức độ tiếp nhận từ dễ đến khó, càng về sau càng mở rộng cách hiểu về thơ Nhật Bản.
Dịch giả Quế Sơn cho biết Ba nghìn thế giới thơm cung cấp kiến thức sâu rộng về các thể thơ, đồng thời giúp người đọc cảm thụ nhiều bài thơ khác nhau.
"Những vấn đề tưởng như đã cũ, nhưng qua góc nhìn của Nhật Chiêu lại rất mới. Anh có một sự sáng tạo bền bỉ, tôi rất mến mộ và rất vui khi chúng ta được hưởng những thành quả sáng tạo của anh", dịch giả Quế Sơn chia sẻ.
Nhà văn, nhà nghiên cứu Nhật Chiêu sinh năm 1951 tại Sài Gòn, quê Vĩnh Long. Ông là tên tuổi lớn trong giới nghiên cứu văn chương nói chung và văn hóa Nhật Bản nói riêng.
Tác giả Nhật Chiêu có niềm say mê và đã viết nhiều tiểu luận, công trình nghiên cứu, phê bình văn chương một cách sâu sắc, tinh tế.
Trong số đó, Ba nghìn thế giới thơm đã để lại nhiều dấu ấn và tầm ảnh hưởng sâu sắc.