Nan giải quản lý ảnh “nude”
Trước “trào lưu” chụp ảnh khỏa thân của một số người mẫu và sau bộ ảnh “Áo dài khoe nét Xuân thì” của hoa hậu Mai Phương Thúy thì việc phải ra một Thông tư hướng dẫn hoạt động nhiếp ảnh đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.
Chính vì vậy, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Hà Nội phải tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan chức năng và báo chí để đưa ra chính thức quy chế hoạt động trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, để quản lý cũng như hoạt động nhiếp ảnh vừa bảo đảm tính pháp luật vừa bảo đảm tính nghệ thuật không phải dễ dàng trong hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, bất cập hiện nay.
Trào lưu… “nude”
Gần đây nhất phải kể đến bộ ảnh của Mai Hải Anh, người đẹp đoạt vương miện cuộc thi Người đẹp Khánh Hòa năm 2006. Với lý do bảo vệ biển, môi trường ở biển nên người đẹp này đã chụp ảnh “nude” ở biển. Không bàn về đúng – sai của mục đích, nhưng rõ ràng về nghệ thuật thì đây là bộ ảnh thất bại thảm hại. Và từ sự thất bại thảm hại đó, nó đã trở nên phản cảm và khiến dư luận “dậy sóng”, phản ứng dữ dội về mục đích mà người đẹp Hải Anh đã đưa ra khi thực hiện bộ ảnh “nude”. Người ta còn nói đây là trò PR đánh bóng tên tuổi, là ảnh khiêu dâm, phô trương thân thể… Ngay cả Cục trưởng Cục Biểu diễn Nghệ thuật Vương Duy Biên cũng có đánh giá tương tự.
Mỏng manh đến độ nhiếp ảnh gia cũng không đủ tinh tế để phân định trong khi chụp
Nhưng như đã nói, bài viết này sẽ không bàn đến đúng – sai của mục đích mà chỉ bàn đến nghệ thuật và đặc biệt việc công khai bộ ảnh trước công chúng. Người đẹp Mai Hải Anh khẳng định, mặc dù là “nhân vật chính” trong bộ ảnh, song cô lại không phải là tác giả của việc “rò rỉ” những “tác phẩm” này ra ngoài. Vậy ai? Đó là câu hỏi vẫn bỏ ngỏ mà cơ quan quản lý không thể tìm ra hay nói chính xác hơn, nếu tìm ra cũng không có quy chế để xử lý, hơn nữa nghệ thuật và phi nghệ thuật cũng là ranh giới rất mong manh để người ta có thể dựa vào đó thẩm định, lấy cơ sở xử lý bộ ảnh này. Cho nên cơ quan quản lý… bỏ qua!
Cùng thời điểm với Mai Hải Anh, “không hẹn mà gặp” hoa hậu Mai Phương Thúy “tự dưng” cũng bị tung ra một số ảnh mà cô đã thực hiện cách đây 4 năm trong bộ ảnh có tên gọi “Áo dài khoe nét Xuân thì”. Không phải kể thêm thì ai cũng biết bộ ảnh này đã gây tranh cãi thế nào. Nói một cách công bằng xem tổng thể tất cả những ảnh đã được công khai trên mạng thì mục đích của bộ ảnh không phải như nhiều người quy kết là “dâm hóa” áo dài, phô trương cơ thể… Mà nguyên nhân chính chính là tính nghệ thuật và phi nghệ thuật bị lẫn lộn mỏng manh đến độ nhiếp ảnh gia đã không đủ tinh tế để phân định trong khi chụp, đặc biệt đối với bức ảnh hoa hậu Mai Phương Thúy trong trang phục áo dài nằm ở tư thế khoe bộ ngực căng tràn của mình.
Nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng cũng chung một nhận định như vậy. Tuy nhiên, vấn đề chính cần phải đề cập ở đây chính là một số phóng viên đã chủ định xin tác giả thực hiện bộ ảnh những tác phẩm thiếu tinh tế này rồi “tung” lên mạng. Nhằm mục đích gì thì ai cũng rõ. “Vụ việc” đến nay vẫn không ngã ngũ nổi vì lấy cơ sở nào để xử lý? Chỉ có Mai Phương Thúy chịu thiệt vào thân phải lên tiếng xin lỗi về sự bất cẩn và “dại dột” của mình trước dư luận.
Người ta còn nói đây là trò PR đánh bóng tên tuổi, là ảnh khiêu dâm, phô trương thân thể...
Muôn vàn khó khăn
Tương tự, còn rất nhiều bộ ảnh “nude” của những người mẫu cả nam và nữ, người đẹp, hoa khôi… gây tranh cãi như vậy. Như của Nam vương Tiến Đoàn, người mẫu Ngọc Quyên, ca sĩ Thu Uyên (nguyên thành viên của nhóm Mắt Ngọc)… đều chịu chung số phận khi những ảnh nude của họ bị tung lên mạng.
Nhưng trước khi tìm hiểu vì sao không thể “phân giải” trong những tranh cãi ấy phải khẳng định chụp ảnh “nude” có xấu không? Xin khẳng định ngay là không. Ông Đặng Đình An – Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội cho biết: “Ảnh khỏa thân là một sáng tạo của hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh và sáng tạo này rất khó khăn đòi hỏi sự tinh tế, nghệ thuật rất cao của người chụp”.
Như vậy, dựa trên nhận định này cũng có thể hiểu “hồn cốt”, nghệ thuật và phi nghệ thuật của ảnh “nude” phụ thuộc chủ yếu vào người cầm máy. Tuy nhiên, hiện nay “sợi dây” liên hệ chặt chẽ giữa nhà quản lý với đối tượng này chưa chặt chẽ vì ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật – Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết: “Quy chế 29 về hoạt động Nhiếp ảnh ra đời cách đây đã hơn 10 năm nên quá lỗi thời, đặc biệt trong thời kỳ ảnh “nude” đã được đón nhận như là một nghệ thuật của nhiếp ảnh như hiện nay.
Ông Thành nói tiếp: “…Sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ thông tin và kỹ thuật nhiếp ảnh càng làm cho quy chế ấy khó áp dụng hơn trong hiện tại”. Như vậy chưa phải đã hết mà sau đó còn dằng dặc những khó khăn nối tiếp khó khăn như: chưa có chuẩn mực cụ thể cho ảnh “nude” nghệ thuật và phi nghệ thuật, mặc dù để rạch ròi điều này là rất khó khăn; Chưa có quy định chặt chẽ, cụ thể để xử lý những đối tượng tung ảnh “nude” lên các phương tiện truyền thông đại chúng; Chưa có một hội đồng thẩm định ảnh “nude” chính thống; Lúng túng trong việc xử lý “tiền kiểm” hay “hậu kiểm” đối với ảnh “nude” v.v…
Tóm lại còn rất nhiều khó khăn mà các nhà chức trách phải bàn để đi đến ngã ngũ trong công tác quản lý và đây cũng là nguyên nhân khiến các tranh cãi về ảnh “nude” chưa bao giờ “hạ hồi phân giải”. Nhiều ý kiến cho rằng, để đi đến ngã ngũ cũng còn gian nan lắm vì “9 người mười ý”, đặc biệt “định nghĩa” về nghệ thuật và phi nghệ thuật trong ảnh “nude” chưa đưa ra được thì việc xử lý, quản lý cũng khó làm người vi phạm “tâm phục khẩu phục”.
Túm người “có tóc”
Trước muôn vàn khó khăn như vậy, có hai giải pháp được coi là thuyết phục nhất và có thể trở thành Thông tư hướng dẫn là cần phải thành lập hội đồng thẩm định và thành viên của hội đồng này nhất định là người có uy tín, chuyên môn trong lĩnh vực nhiếp ảnh, có kinh nghiệm trong thẩm định ảnh.
Thứ hai, trong trường hợp ảnh “nude” phản cảm bị phát tán, người phải “sờ gáy” đầu tiên và phạt thật nặng là các trang báo đã đăng tải. Vì trước khi xác định mức độ vi phạm của người chụp, thậm chí là người được chụp, có thể thấy ngay sai phạm của các trang báo là tuyên truyền những bức ảnh phi nghệ thuật, phản cảm. Đúng như người đại diện của Tạp chí Nhiếp ảnh nói: “Việc tiền kiểm cũng như tham gia giao thông, vượt đèn đỏ thì không ai biết trước. Nhưng khi vượt rồi thì phải phạt thật nặng. Đối với những báo điện tử vi phạm điều này phải phạt thật nặng, nặng nhất là đình chỉ hoạt động của các trang mạng đó. Như vậy mới hy vọng trang mạng sẽ “sạch sẽ” và thực hiện đúng quy chế ngành văn hóa đề ra”.
Theo Xuân Bách
Petrotimes