Múa Việt Nam toả sáng trong Lễ hội múa đương đại quốc tế
(Dân trí) - Trải qua 3 ngày, lễ hội múa đương đại quốc tế Xposition’O’ (XPO) lần thứ 10 đã gây ấn tượng với khán giả và thu hút được sự quan tâm của đông đảo cộng đồng múa dù lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam.
Lễ hội múa đương đại quốc tế lần thứ 10 đã khép lại chuỗi hoạt động tại Việt Nam bằng đêm diễn các vở múa đương đại Việt Nam đặc sắc vào ngày 2/11 vừa qua.
Trong đêm diễn đầu tiên, vở diễn quốc tế “Start or Stop?” do đạo diễn nổi tiếng người Singapore Danny Tan biên đạo, với sự tham gia của 7 diễn viên múa đa quốc tịch, trong đó có 3 tài năng trẻ thuộc công ty múa SCBC Việt Nam: Đỗ Hải Anh, Hà Lộc và Như Ý.
Vốn là những cái tên không quá xa lạ trong làng múa Việt Nam, cả 3 đã thể hiện được thực lực, kỹ thuật xuất sắc và nhận được nhiều lời khen ngợi nhiệt liệt từ Tiến sĩ Danny Tan cũng như đông đảo khán giả.
Diễn viên múa Đỗ Hải Anh chia sẻ, trong quá trình tập luyện có rất nhiều khó khăn. Để có được sự ăn ý dù ở xa địa lý, 7 diễn viên phải có nhiều buổi tập online thông qua các cuộc gọi video, mỗi ngày từ 9 giờ sáng đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Tiến sĩ Danny Tan lại là một biên đạo múa đẳng cấp có bề dày kinh nghiệm nên cũng rất chi tiết và kỹ càng. Tuy nhiên, thành quả của những khó khăn đó mọi người có thể thấy được qua những tràn pháo tay của khán giả. Đặc biệt, phân đoạn trình diễn solo của Như Ý đã khiến ông Danny Tan lẫn mọi người phải khen ngợi. Ông còn đánh giá Đỗ Hải Anh là một “nhân tố bí ẩn” tại lễ hội lần này.
Đỗ Hải Anh trong vở múa đương đại quốc tế "Star or stop?", cô được Tiến sĩ Danny Tan đánh giá là "nhân tố bí ẩn" tại lễ hội lần này
Nói về việc mang vở diễn tâm huyết “Start or Stop?” đến sân khấu Việt Nam, ông Danny Tan cho biết, đây là lần đầu tiên một vở diễn của ông được miêu tả chân thực và sống động đến vậy, không có nhiều hiệu ứng hình ảnh, bối cảnh dàn dựng, tất cả chỉ có các động tác của các diễn viên múa, và vẫn có thể khiến khán giả không thể rời mắt.
Danny Tan chia sẻ: “7 diễn viên trong vở diễn đại diện cho 7 sắc cầu vồng, mỗi người đều có sự toả sáng riêng biệt, nhưng hơn hết có sự tương đồng về văn hoá châu Á, cùng tạo nên một vở múa đương đại đậm tính Á Đông”.
Trong đêm diễn thứ 2, là các màn trình diễn từ các đoàn múa nổi tiếng Việt Nam: Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM, và công ty SCBC Việt Nam.
Tác phẩm “Khát vọng sinh sôi” của Nhà hát ca múa nhạc dân tộc Bông Sen là phần trình diễn kết hợp âm nhạc dân tộc và nghệ thuật múa đương đại, được lấy cảm hứng từ văn hóa Phồn thực-tín ngưỡng, mang tính biểu tượng linh thiêng được thể hiện rõ nhất trong các lễ hội diễn ra vào mùa xuân.
Kéo dài hơn 30 phút, các động tác múa hiện đại được trình diễn trong bộ trang phục áo bà ba Việt Nam, tái hiện miền quê với các chất liệu quen thuộc như chiếc chày, cái cối. Vở diễn đương đại đậm đà bản sắc dân tộc trên nền nhạc dân ca, tiếng trống dân gian mang đến những cảm xúc gần gũi thân thuộc nhưng cũng không kém phần mới mẻ bởi các vũ đạo hiện đại. Tính “Việt Nam” được nhà hát Bông Sen truyền tải đặc sắc đến lễ hội quốc tế và gây ấn tượng mạnh đến khán giả cũng như các đoàn múa đến từ nước ngoài.
Nhà hát nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO) mang đến tác phẩm nổi tiếng “Café Sài Gòn”. Mượn bối cảnh quán cà phê đậm chất Sài Gòn để nói về tình yêu, vở múa đương đại dường như đem tất cả hơi thở của cuộc sống, những thăng trầm của dòng chảy cuộc đời vào tác phẩm.
“Café Sài Gòn” không phải là một vở mới, nhưng HBSO vẫn muốn tái hiện lại vở diễn này với mục đích giới thiệu nét văn hoá cà phê đặc trưng của Sài Gòn cho bạn bè quốc tế, và cũng tự tin mang đến sự mới mẻ khi chắt lọc những tinh tuý của vỡ diễn gốc, cắt gọn từ hơn 1 giờ thành vở ngắn 30 phút.
Tác phẩm "Café Sài Gòn" của nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM
“Café Sài Gòn” miêu tả lại tuổi trẻ, tình yêu và khát vọng sống với các động tác, bối cảnh đầy ắp hơi thở đương đại, và tiết tấu khác lạ, lúc dồn dập, sôi nổi, lúc dịu dàng, trầm tĩnh, hệt như cung bậc cảm xúc của những cặp tình nhân trên thế giới này.
Điểm nhấn đặc biệt chính là đoạn hát tiếng Mông giới thiệu về cảnh đẹp quê hương, có nhà trên núi, rừng tre, chim hót, mùa gió về do chính nghệ sĩ múa người Mông Sùng A Lùng viết.
Vở diễn “Balancé" đầy cảm xúc của SCBC Việt Nam cũng chính thức khép lại Lễ hội múa đương đại Xposition’O’ lần thứ 10.
Tiến sĩ Danny Tan - giám đốc ODT Singapore, nhà sáng lập ra lễ hội hơn 18 năm tuổi này đã liên tục dành lời khen ngợi đặc biệt tới các nghệ sĩ Việt Nam. Ông Danny Tan khẳng định: “Với những nét đặc trưng văn hoá được lồng ghép trong mỗi tác phẩm, sự có mặt của các vở diễn từ các nhà hát, múa Việt Nam đã góp phần thêm màu sắc cho lễ hội, đặt nền móng cho nhiều cơ hội giao lưu văn hoá với các đơn vị múa đương đại quốc tế trong tương lai”.
Băng Châu