1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

"Mùa len trâu": Khốc liệt, nhưng nghẹn chân tình

Tiếng dồn dập dai dẳng của mưa. Tiếng bì bụp mạn thuyền lắc lư trên sóng. Và thắc thỏm tiếng từng giọt nâu đen của xác người bó đệm treo lửng lơ trên mấy cọc gỗ... Một cảm xúc không thể vỡ òa mà nức nghẹn trong nhịp điệu của "Mùa len trâu", một câu chuyện truyền kiếp về cảnh đời của những người đàn ông ở một vùng nước nổi.

Chuyện bắt đầu từ đứa cháu nội trên cánh đồng nhà mình mùa cạn tròn xoe mắt, khi bắt gặp dưới đường cày mấy mẩu xương lặc lìa cột chặt vào một chiếc cối đá. Đó cũng chính là lúc hành trình của chàng trai trẻ tên Kìm xuất hiện, bằng một chuyến dẫn trâu đi tránh lũ. Chuyến đi đã thành một chuyến khám phá. Khám phá cái thế giới nghiệt ngã của cảnh trời, lẽ đời. Khám phá thế giới dữ dằn của những người đàn ông đã tạo ra thân phận mình. Khám phá cả nỗi khắc khoải của con người về mong ước phía sau cái chết.

Chuyến đi đem đến cho chàng trai mới lớn ấy nét thô ráp, với rượu, thuốc, cưỡng hiếp và đâm chém - những cách mà con người ta sinh tồn trong một thế giới nghiệt ngã. Rồi anh đã phát hiện ra bí ẩn làm nên thân phận mình. Cha anh, người đàn ông tưởng chỉ có thể neo đậu cuộc đời trong căn nhà trống huơ hoác và mảnh ruộng nghèo lam lũ ấy, lại đã từng là một đầu đảng len trâu. Kết quả của một lần cưỡng hiếp đứa em gái người bạn len trâu đã tạo tác ra anh. Còn anh, trong khát vọng thoát khỏi cảnh nghèo, quẩn quanh của nhà mình, lại đang tranh giành "sự nghiệp" với người cậu ruột, đang là thủ lĩnh của một băng nhóm kiếm sống bằng cách chiếm hữu thế độc quyền len trâu ở vùng nước lũ…

Mùa len trâu, với câu chuyện ấy, thật khác thường, đã không chỉ chinh phục người xem bằng những thước phim tuyệt vời về một vùng đất hoang dã. Mưa ấy, nước ấy, nhịp điệu ấy đã vượt ra khỏi sự mô tả thông thường của một câu chuyện kể. Cái lạ về cảnh sắc, tập quán đã nhường sức chinh phục cho cái đẹp khám phá cuộc sinh tồn của con người trước thiên nhiên và đồng loại. Mùa nước nổi, đất Bảy Núi, đàn trâu lội… chỉ như là những hình hài để cuộc sống "bảy chìm ba nổi" của "những người đàn ông không làm chủ được gì" có thể làm rung động sâu sắc, không chỉ những khán giả muốn thẫn thờ một chút Việt Nam trên màn bạc.

Có thể nói kịch bản của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, dù "lẩy" từ Hương rừng Cà Mau, một tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Sơn Nam, đã tạo được sức sáng tạo mới. Mùa len trâu không phải là khúc tự tình quê hương về một vùng đất nổi tiếng, mà là sự chinh phục về lẽ sinh tồn của con người trong trầm luân của cuộc đời và cảnh trời.

Phim là một bài thơ giàu hình ảnh về sức sống dẻo dai của lòng nhân hậu. Chính sức sống ấy đã đưa bước chàng trai giang hồ trở về trả ân nghĩa hai vợ chồng người dưng xa lạ. Ông bà lão ấy đem cả gia sản quý báu của mình là chiếc cối đá neo giữ thi hài cha anh dưới nước để tránh cảnh treo xác chim tha quạ rỉa, để rồi khi bà lão qua đời ông lão phải dốc ngược xác vợ trên cây. Từng giọt màu đen vỡ ra từ thân xác ấy cứ nhỏ xuống, trộn vào nước, khốc liệt nhưng lại nghẹn ngào chân tình, nức nở niềm hy vọng con người.

Thật khó có thể chỉ ngắm nhìn và ngạc nhiên về cảnh trí một vùng đất quen thuộc mà lạ lẫm của đất nước trong Mùa len trâu. Mặc dù chỉ chừng ấy thôi, ê kíp sáng tạo cùng với đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã có thể xứng đáng được ghi nhận bằng hai chữ đặc sắc.

Phim còn đủ sức bám riết người xem ngay cả sau khi vỗ tay nồng nhiệt kết thúc buổi ra mắt. Bởi, Mùa len trâu trong đời sống điện ảnh hiện đại là một phim hiếm có, khi xem xong người ta có thể khóc được trong lòng.

Phim Mùa len trâu được dự kiến chiếu rộng rãi tại Việt Nam vào tháng 8/05

Diễn viên chính: Lê Thế Lữ (Kìm), Kra Zan Sram (Det), Nguyễn Thị  Kiều Chinh (Ban), Nguyễn Hữu Thành (Định), Trương Văn Bé (Hai Tich), Nguyễn Anh Hoa (bà Hai)…

 

Kịch bản Mùa len trâu đoạt hai giải kịch bản năm 2000 của IFP/West Screenwriters Lab, Mỹ và của éQuinoxe Association, Pháp. Năm 2004, 2005 đoạt giải tại các LHP Locarno, Thuỵ Sĩ; Amiens, Pháp; Chicago, Mỹ; Amazonas, Brazil. Giải "Phim hợp tác với nước ngoài hiệu quả nhất" của Hội Điện ảnh VN.

 

 

                                                                 Theo Tâm Chánh
                                                                 Sài Gòn Tiếp Thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm