MC Lưu Minh Vũ nhớ về cha…

(Dân trí) - “Tôi thấy mình là người không may mắn trong chuyện gia đình. Đã gần 20 năm trôi qua kể từ ngày bố tôi ra đi, tôi vẫn thấy mình hụt hẫng như bị rơi xuống một cái hố đen sâu hút và không thể nào thoát ra nổi, cho đến tận bây giờ”, MC Minh Vũ tâm sự.

Lần đầu tiên gặp anh, dáng người có phần “mập mạp” vừa đi ra khỏi cổng Đài truyền hình vừa lắc đầu nhìn tôi nói: “Phỏng vấn mình làm gì? Mình chẳng có gì để nói về bản thân cả! Nói chuyện với mình chán lắm!”. 

 

Song, cuối cùng thì anh cũng đã bắt đầu câu chuyện như thế này: “Tôi là một người giản dị, mọi thứ của tôi đều bình thường. Tôi có vợ và hai con. Cuộc sống của tôi đơn giản, hay nói cách khác là tôi luôn đơn giản hoá mọi thứ để dễ sống. Tôi trông như thế này thôi, nhưng tôi tốt tính lắm, nên có lẽ chẳng ai ghét tôi cả. Mọi người bảo tôi vui tính nữa là đằng khác. Còn công việc, ai chẳng cố gắng làm tốt? Tôi cũng vậy”. Có vẻ như, Lưu Minh Vũ có thói quen đơn giản hoá mọi việc đi thật. Đơn giản hoá cuộc sống, đơn giản hoá công việc, nhưng, có một chuyện, khi tôi hỏi đến, anh đã ngồi lặng lẽ…

 

MC Lưu Minh Vũ nhớ về cha… - 1

Lưu Minh Vũ ngày bé (trái) cùng cha Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh.

 

“Tôi là một người không may mắn về chuyện gia đình. Nhắc đến bố tôi (nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ) có nhiều chuyện buồn. Bạn bè thân thường bảo tôi: “Sao trông mày lúc nào cũng buồn buồn?”. Cái kiểu mặt tôi nó thế, không khác được, dù bản thân tôi cũng không muốn. Tôi không trách quá khứ. Tôi rất thích đọc thơ và những vở kịch của bố tôi. Trong thơ và kịch của ông, cuộc sống thật tươi đẹp. Tôi yêu sự tươi đẹp ấy. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, vậy hà cớ gì mà chúng ta không yêu thương và sống vui vẻ bên nhau? Con người ta cứ phải bon chen, ganh ghét nhau làm gì? Tôi chịu ảnh hưởng nhiều từ bố, chịu ảnh hưởng cả những tư duy ấy của bố. Mặc dù, có thể tư duy đó có vẻ “cổ”, không còn hợp với thời đại bây giờ. Tôi luôn tâm niệm, sẽ cố gắng sống để xứng đáng với bố. Chắc bố không mong tôi phải làm nên điều này, điều kia to tát, bố chỉ mong tôi sống tốt với mọi người. 

 

Về ngoại hình, tôi giống mẹ (nữ diễn viên Tố Uyên - nhân vật chính của bộ phim nổi tiếng Chim Vành khuyên) nhiều hơn. Tôi giống bố cái tính hiền lành. Bố hiền lành về tính cách nhưng sắc sảo trong mỗi tác phẩm, mỗi bài thơ, mỗi vở kịch. Còn tôi, có lẽ hiền lành trong mọi lĩnh vực! (cười). Bố là người ít nói. Còn tôi lại nói nhiều. Mọi người bảo tôi có dáng đi khòng khòng giống bố - dáng đi thể hiện số vất vả, khổ! 

 

Tôi có quá nhiều kỷ niệm với bố. Bố trong nỗi nhớ của tôi là một người đàn ông điềm đạm, hiền từ và luôn lao động một cách cật lực. Tôi nhớ, năm tôi 9 tuổi, tôi phải vào bệnh viện. Bố vừa thức trông tôi và vừa viết truyện ngắn. Viết xong, bố đọc cho tôi nghe, đó là truyện ngắn “Đêm của Giáo sư Tường”. Đã 26 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in khung cảnh bệnh viện như thế nào, hàng cây như thế nào, cửa sổ nhìn ra khuôn viên có ghế đá ra sao và dáng bố tôi ngồi đọc truyện cho tôi nghe, từng động thái của ông, từng cử chỉ của ông, tôi còn nhớ rõ, như câu chuyện mới xảy ra ngày hôm qua. Mãi về sau này, tôi còn đọc truyện ngắn “Đêm của Giáo sư Tường” đăng trên các báo. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là: “A, truyện ngắn này mình là người đầu tiên được bố đọc cho nghe!”, và trong đầu tôi, khung cảnh bệnh viện hôm ấy lại hiện ra, với hàng cây, ghế đá và dáng bố tôi ngồi…

 

MC Lưu Minh Vũ nhớ về cha… - 2
Lưu Minh Vũ (bây giờ) cùng mẹ và vợ con.

Đã gần hai mươi năm kể từ ngày bố tôi ra đi. Tôi nhớ năm đó tôi 18 tuổi (1988), khi nhận được tin về vụ tai nạn khủng khiếp ấy, tôi không tin. Tôi cảm giác như mình bị rơi xuống một cái hố đen sâu hút, không bao giờ có thể bước lên được nữa. Và cho đến tận bây giờ, tôi vẫn lặn lội một mình dưới cái hố đen ấy…

 

Hiện tại của tôi là những ngày bận rộn với công việc ở Đài truyền hình. Tôi đi tìm cho mình sự bình ổn. Lúc rảnh rỗi, tôi thích trồng cây và đưa cả nhà đi thăm họ hàng. Mẹ tôi vẫn sống một mình trong căn nhà ở phố Huế. Bà không nhận lời đóng phim nữa. Tôi vẫn thích xem lại bộ phim Chim Vành khuyên của mẹ (và không nhớ đã xem bao nhiêu lần)… Tôi thích bài thơ “Và anh tồn tại” của bố. Giữa bao la đường sá của con người. Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió. Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá. Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài… Nỗi buồn thường nhiều hơn niềm vui, nhưng cuộc sống luôn có những điều tốt đẹp, hãy nhìn vào những điều tốt đẹp để thấy cuộc đời ý nghĩa hơn!”.

 

Hiền Hương