Mật mã Da Vinci: 5 điểm khác biệt giữa điện ảnh và tiểu thuyết
(Dân trí) - Chuyển thể từ tiểu thuyết trinh thám ăn khách của Dan Brown, Mật mã Da Vinci do Ron Howard đạo diễn, với sự góp mặt Tom Hanks hiện là bộ phim gây sự chú ý nhất.
Đặc biệt, vào trung tuần tháng 5 tới, bộ phim này sẽ được chọn trình chiếu mở màn cho LHP Cannes tại Paris. Tuy nhiên, so với tiểu thuyết, bộ phim sẽ có 5 điểm khác biệt:
Bức danh họa Mona Lisa thật sẽ không xuất hiện trên phim
Đoàn làm phim đã không thể tiếp cận tác phẩm Nàng Mona Lisa của danh họa Da Vinci vì ban quản lý bảo tàng Louvre tại Paris (Pháp) lo sợ ánh đèn quay phim có thể làm hỏng bức tranh. Vì thế khán giả sẽ bắt gặp một bản sao trong phim.
Mật mã Da Vinci suýt thành phim truyền hình
Hãng giải trí Ron Howard và Brain Grazer Image ban đầu muốn trả giá bản quyền cuốn sách chứ họ không có ý định mua bản quyền làm phim. Hãng Imagine, từng sản xuất seri phim truyền hình 24 rất thành công, đã có kế hoạch thực hiện một chương trình truyền hình về cuốn sách này. Dan Brown đã rất thích ý tưởng này nhưng khi hãng Sony mua được bản quyền làm phim với giá 6 triệu USD thì họ quyết định trao quyền làm phim cho những tên tuổi đảm bảo thành công.
Tổ chức Cơ Đốc bí mật Opus Dei mong sẽ không xuất hiện trên phim
Tổ chức Cơ Đốc bí mật Opus Dei, tâm điểm của cuốn tiểu thuyết và theo Dan Brown là có thực, đã gắng yêu cầu hãng Sony loại chi tiết này ra khỏi phim nhưng không thành công. Tuy nhiên, họ đang cố gắng tìm cách “đánh bóng” tên tuổi bằng việc tích cực phát động chiến dịch trên các phương tiện truyền thông như: thay đổi website, khuyến khích các thành viên trình bày ý kiến và phát triển trang nhật ký điện tử (blog) của một linh mục sống ở Rome.
Trailer của phim không được lòng các bệnh nhân bạch tạng
Theo tiểu thuyết, kẻ ám sát là một tu sỹ bị bạch tạng và đoàn làm phim quyết định giữ lại chi tiết này. Nhưng việc này đã khiến Tổ chức các bệnh nhân bạch tạng quốc gia (NOAH) lên tiếng phản đối. Theo họ, việc khắc họa hình ảnh nhân vật bạch tạng xấu xa này sẽ làm góp phần làm gia tăng sự kỳ thị với các bệnh nhân bạch tạng và làm “đầy” thêm danh sách các nhân vật phản diện bạch tạng trong các tác phẩm điện ảnh của Hollywood.
Tổng thống Pháp “can thiệp” vào việc phân bổ vai diễn
Có tin đồn tổng thống Pháp Jacques Chirac đã yêu cầu Ron Howard và Brain Grazer tăng cát-sê cho Jean Reno, diễn viên người Pháp vào vai thám tử Fache trong phim. Đồng thời, ông cũng đề nghị giao vai Sophie Neveu cho bạn thân nhất của con gái mình, nhưng đã thất bại. Vai diễn đó đã được giao cho nữ diễn viên người Pháp Audrey Tautou.
Mi Vân
Theo Askmen