“Mảnh giấy bạc” - một tiểu thuyết mang tính đột phá

(Dân trí) - Trong lúc trào lưu “văn học thị trường” đang nở rộ, nhiều nhà văn chạy theo thị hiếu người tiêu dùng viết truyện sex, ma, trinh thám nhằm giật gân câu khách… thì tác giả “Mảnh giấy bạc” - Nguyễn Thị Thu Thủy lại chọn viết về cuộc đời người lính tình báo.

Lâu lắm rồi độc giả mới lại bắt gặp một tác phẩm văn học viết về chiến tranh tình báo! Tiểu thuyết Mảnh giấy bạc của cây bút trẻ Nguyễn thị Thu Thủy, phóng viên Báo Vĩnh Phúc trình làng đã gây không ít bất ngờ cho bạn đọc.

Mảnh giấy bạc viết về chiến công của một đơn vị tình báo quân đội nhân dân Việt Nam thời kỳ chống Mỹ cứu nước. Đề tài có vẻ cũ bởi trên văn đàn đã có quá nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh. Đã có rất nhiều chuyện tình báo nước ngoài và trong nước được dựng phim ăn khách một thời như: Bí mật bên bờ sông Enbơ, 17 khoảnh khắc của mùa xuân, X30 phá lưới…Vài năm trở lại đây, truyện về các nhà tình báo Việt Nam như : Vũ Ngọc Nhạ, Phạm Xuân Ẩn…được “hé lộ” khiến đọc giả càng tò mò về nghề tình báo. Chính vì thế, thêm một tác phẩm Mảnh giấy bạc, văn đàn sẽ là chuyện hết sức bình thường!
 
“Mảnh giấy bạc” - một tiểu thuyết mang tính đột phá - 1

Tác giả trẻ Nguyễn Thị Thu Thủy

Tuy nhiên, khi đọc tác phẩm Mảnh giấy bạc, bạn đọc sẽ giật mình vì những cây viết về các nhà tình báo trước đây đều có tên tuổi trên văn đàn, còn tác giả cuốn tiểu thuyết này vẫn rất trẻ: Nguyễn Thị Thu Thủy sinh năm 1981. Vì thế, bạn đọc sẽ đặt câu hỏi: Vì sao cô bé 8X này viết được tiểu thuyết tình báo? Liệu có quá sức không?

Mảnh giấy bạc kể về một màn kịch do cơ quan tình báo Quân đội nhân dân  dàn dựng. Nhân vật chính là 2 người: chàng lính trẻ Mạc Lâm và cô y tá Mary Hương. Mạc Lâm công tác tại bộ phận khai thác xét hỏi tù hàng binh còn Mary Hương là tình báo viên được quân đội Pháp cài lại. Họ gặp nhau tại thời điểm Đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đưa không quân ra bắn phá Miền Bắc XHCN hòng ngăn chặn công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước của dân tộc ta. Quân và dân miền Bắc đã bắn rơi nhiều máy bay Mỹ và bắt sống được nhiều phi công Mỹ. Những phi công bị bắt kia sẽ khai báo gì? Nhóm tình báo mà Mary Hương tham gia hướng tới là bộ phận khai thác xét hỏi tù hàng binh thuộc Cục quân Báo quân đội nhân dân Việt Nam…

Nguyến Thị Thu Thủy dẫn người đọc theo con đường ngoắt ngoéo của nghề tình báo. Tác giả không đưa bạn đọc đến kết cục thật của câu chuyện mà đã kể về lai lịch, quá trình trưởng thành của chiến sỹ Mạc Lâm và những chuyện liên quan tới  nhiều nhân vật lich sử. Trong đó, có những tướng lĩnh, sỹ quan cao cấp của cơ quan tình báo Quân đội nhân dân Việt nam xưa nay rất ít người được biết việc làm của họ.

Sẽ nhàm chán nếu chỉ coi “Mảnh giấy bạc” là một sản phẩm mang tính chất giải trí! Đối với những ai đã trải qua chiến tranh, nhất là đội ngũ cán bộ chiến sỹ đang trong quân đội thì Mảnh giấy bạc là một kho tư liệu có giá trị, thậm chí là rất quý!

Giá trị ở chỗ, đọc kỹ, bạn đọc sẽ thấy được quá trình lựa chọn, đào tạo một sỹ quan tình báo của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mạc Lâm với tư cách là một người đại diện cho những người được lựa chọn  vào ngành tình báo phải trải qua rất nhiều thử thách, có khả năng thích nghi với mọi hoàn cảnh và sẵn sàng nhận nhiệm vụ dù biết đó là nơi rất nguy hiểm đến tính mạng. Thông qua các chi tiết, sự việc, tác giả đã cho bạn đọc thấy quá trình trở thành tình báo viên của Đại tá Mạc Lâm. Ông trưởng thành không phải là do tự nhiên bẩm sinh mà là một quá trình được cả một tập thể từ gia đình đến tổ chức đơn vị dìu dắt, giúp đỡ.
 
“Mảnh giấy bạc” - một tiểu thuyết mang tính đột phá - 2

Bìa cuốn sách "Mảnh giấy bạc"

Đem cái “tôi” vào chuyện để tự sự nhằm đưa bạn đọc đến với tự nhiên, nhân vật trong tiểu thuyết đã tránh được “chủ nghĩa anh hùng cá nhân”. Trước những tình huống phức tạp nguy hiểm, tác giả đã để nhân vật “thuận theo tự nhiên” xử lý. Kịch tính được kể theo từng chương với những ý nghĩa khác nhau nhưng luôn hướng vào chủ đề chính là công tác tình báo. Nhất là những đọan đấu trí, đấu lý với tù binh Pháp và Mỹ cho thấy sự sắc sảo về nghiệp vụ của người chiến sỹ. Cao trào của câu chuyện là 12 ngày đêm chiến dịch “Điện biên phủ trên không” với chiến công bắn rơi chiếc máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội năm 1972 được nhân chứng sống kể lại làm tiểu thuyết trở nên sinh động, hấp dẫn. Lần đầu tiên người đọc được biết tới một số chuyện cơ mật trong “tổng hành dinh” của Quân đội nhân dân Việt Nam và giúp bạn đọc có thêm những câu trả lời: Vì sao Việt Nam đã đánh thắng Đế quốc Mỹ!

Tác giả Thu Thủy đã biết sưu tầm tài liệu, phác họa chân dung nhiều nhân vật lịch sử, những tướng lĩnh của Quân đội nhân dân Việt Nam như: Văn Tiến Dũng, Phùng Thế Tài, Cao Pha, Ba Hùng… Những câu chuyện trong tiểu thuyết đã giúp người đọc hiểu thêm về bản lĩnh chính trị và tài trí quyết thắng của họ trước những tình huống khó khăn nhất của chiến tranh. Và, nếu nghĩ xa hơn, chúng ta thấy được tài “dùng người” ở từng vị trí chiến đấu của lãnh tụ Hồ Chí Minh trước kẻ địch mạnh hơn chúng ta rất nhiều lần.

Mảnh giấy bạc là một tiểu thuyết tái hiện lịch sử, dồn nén nhiều kỷ niệm sâu sắc trong đời một người lính tình báo. Với phong cách diễn đạt không cầu kỳ, nhiều đoạn văn tác giả diễn tả còn giản đơn, mang đậm phong cách báo chí, một số sự kiện xếp đặt chưa khéo, khiến hạn chế trường liên tưởng của người đọc… Song, xét trên phương diện lịch sử cụ thể thì, trong lúc trào lưu “văn học thị trường” đang nở rộ, nhiều nhà văn chạy theo thị hiếu người tiêu dùng viết truyện sex, ma, trinh thám nhằm giật gân câu khách… thì tác giả Mảnh giấy bạc vẫn “uống nước nhớ nguồn” cần mẫn  phục dựng chân dung “Anh bộ đội Cụ Hồ” trong các cuộc chiến tranh nhân dân thần thánh của dân tộc. Sự lao động sáng tạo nghệ thuật này rất đáng trân trọng!

Tiểu thuyết ra đời nhân kỷ niệm ngày thành lập quân đội nhân dân Việt Nam (22/12) càng có ý nghĩa nhân văn. Đây cũng là món quà – một bông hoa thắm của lớp trẻ thời nay dâng tặng các chiến sỹ tình báo Quân đội Anh hùng!

Tác giả Nguyễn Thị Thu Thủy, sinh năm 1981, sinh ra ở xã Duy Phiên, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Là một cây bút trẻ, hiện Thủy đang là phóng viên báo Vĩnh Phúc.
Khác với nhiều cây viết trẻ tìm đến những chuyện “mỳ ăn liền”, tác giả tìm đến đề tài chiến tranh. Không những vậy mà đây là đề tài về công tác tình báo hoạt động ngay trên đất Bắc, tại Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Mặc dù Mảnh giấy bạc là tác phẩm đầu tay nhưng Nguyễn Thị Thu Thủy đã thể hiện sự lao động nghiêm túc, cho ra đời tác phẩm đầy đặn, chững chạc. Để ra mắt cuốn sách, cô đã dành tâm huyết 3 năm trời. Bằng bút pháp phổ thông, lối dẫn chuyện không cường điệu làm cho tính hư cấu của cuốn tiểu thuyết mờ nhạt. Các nút mâu thuẫn không theo lối mòn và cách giải quyết mâu thuẫn cũng “thuận theo tự nhiên” nên người đọc khó đoán kết cục câu chuyện…
 
 
Vũ Quang Đồng 
 
 (Nguyên phó tổng biên tập Báo Vĩnh Phúc)