1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Lê Vi: Trả nợ 10 năm hi sinh của chồng

“Tôi đánh đổi 10 năm của chồng tôi ở Việt Nam, để vật vã với nghề của mình. 10 năm đó tôi phải chịu cái giá là chồng mình gần như hoàn toàn tay trắng khi trở về Pháp…”, nữ nghệ sĩ múa Lê Vi tâm sự.


Lê Vi: Trả nợ 10 năm hi sinh của chồng - 1

Nghệ sĩ Lê Vi và các con
 

 

"Tôi đã chọn cách chia tay từ từ..."

 

Cuộc sống hiện tại của chị thế nào, khi không còn múa, không còn nghệ thuật và ánh đèn sân khấu?

 

Thực ra quyết định dứt bỏ múa với tôi không đến nỗi khó khăn như mọi người tưởng, bởi có những thời điểm mình cần biết thuận theo hoàn cảnh của mình. Hai cháu đầu của tôi cách nhau chín năm và ai cũng thắc mắc sao tôi sinh thưa như vậy. Chính là vì nghề và cũng vì nhận được sự đồng thuận của chồng. Rồi cũng tới lúc tôi thấy thỏa mãn và muốn ổn định cuộc sống.

 

Cuộc sống của vợ chồng tôi ở Việt Nam trước đây hết sức bấp bênh. Nếu chỉ sống bằng nghệ thuật, bằng nghề không thì tương đối vất vả, dù so với nhiều đồng nghiệp khác tôi vẫn có thể sống đàng hoàng với nghề của mình. Đó là may mắn cho riêng bản thân tôi. Nhưng nếu nhìn xa trông rộng, vì tương lai của các con thì mình không thể "mải chơi" với nghề mãi như vậy được.

 

Tôi vẫn quan niệm, với nghề, giống như một cuộc vui chơi có thưởng. Làm bất cứ nghề gì nếu không cảm thấy vui với nó, không cảm thấy yêu thích nó thì rất khó theo và đến một chừng mực nào đó mình phải biết dừng. Sau một thời gian dài sống ở Việt Nam, chồng tôi quay trở lại Pháp. Cũng phải nói thực là vì tôi mà anh ấy phải ở Việt Nam và lãng phí khoảng thời gian cả chục năm.

 

Làm nghệ thuật ở Việt Nam rất khó khăn, anh ấy mở gallery và làm nhiều công việc khác nhưng không phải lúc nào cũng thuận lợi vì cuộc sống ở Việt Nam hoàn toàn khác Pháp, đặc biệt kinh doanh tranh rất khó. Nên tôi thấy đã đến lúc mình phải dừng lại để cho anh ấy có cơ hội tạo dựng cuộc sống ổn định.

 

Đấy là những phép tính. Nhưng đâu là cái phanh?

 

Thời điểm đó, năm 2003, tôi cũng quyết định sinh thêm cháu thứ hai. Lúc ấy tôi không có ý nghĩ là mình sẽ đi hẳn, chỉ là chuyến đi tạm thời vì chưa bao giờ tôi muốn xa Việt Nam. Chỉ nghĩ mơ hồ là tạm thời mình sẽ sang Pháp, sẽ sinh con và rồi trở về tiếp tục nghề khi mình vẫn chưa đến 40 tuổi. Sau khi mãn hạn visa, tôi quay về Việt Nam cùng bé thứ hai. Để trở lại với nghề, phải luyện tập trở lại. Điều đó với tôi không phải là điều qúa khó khăn.

 

Nhưng rồi tôi nghĩ, về lâu dài sẽ không thể ở đây được, vẫn sẽ chỉ là cuộc chơi. Có làm thêm vài năm nữa vẫn trụ được nhưng rồi cũng phải dừng lại vì làm nghệ thuật cũng chỉ có thời điểm mà thôi. Nếu mình biết trước tương lai sẽ phải dừng lại và phải ra đi thì sao lại không dừng luôn. Tôi quyết định chia tay với múa rất từ từ, diễn vài suất nếu cần và xin nhà hát cho đi làm phim.

 

Chị chọn cách chia tay từ từ ấy để tránh cho mình một cú sốc đột ngột?

 

Tôi cũng không chuẩn bị cho cái sự sốc hay không bởi trong cuộc sống tôi luôn tỉnh táo để xác định trước cho mình những hướng đi. Khi đã xác định trước, mọi thứ đều đến rất bình thường. Quan niệm về cách sống của tôi rất đơn giản và khi đã chuẩn bị trước tinh thần thì mọi việc hoàn toàn theo ý mình, không bị động và cũng không bị sốc. Tôi cảm thấy mọi suy nghĩ, mọi quyết định của mình là đúng nên tôi đón nhận mọi thứ xảy đến với mình hết sức bình thản, không dằn vặt đau khổ.

 

Chỉ có đôi lúc tôi thấy nhớ đồng nghiệp, một vài người mình rất yêu quý trong nghề, nhớ những tình cảm chân thật của những người bạn thực sự yêu quý mình. Với nghệ thuật, tôi không hề nuối tiếc, còn với nghề thì mình đã tự dứt ở trong lòng rồi.

 

Dứt, có đến mức, không bao giờ múa nữa, dù chỉ để được là "mẹ múa, con khen"?

 

Dù không còn theo nghề nữa nhưng múa dường như đã ngấm vào máu, không bao giờ tôi có thể quên hay chán được nó. Đến nỗi, chỉ cần nghe một bản nhạc hay, tôi đã muốn được múa trên nền nhạc ấy và thả hồn mình vào đó. Tầng hai căn nhà bên Pháp của vợ chồng tôi rất rộng. Dù là phòng làm việc của chồng tôi nhưng nếu dùng nó làm phòng múa sẽ hết sức lý tưởng và sàn bằng gỗ và có tay vịn cạnh tường.

 

Nhà tôi còn có một chiếc piano điện với những bản nhạc từng làm nền cho những bài múa đầu tiên tôi học trong trường. Mỗi sáng tôi vẫn hay bật những bản nhạc đó lên để tập cơ bản, vừa là cách rèn luyện sức khỏe, cũng vừa được trở về với múa trong thoáng chốc cho vợi bớt phần nào nỗi nhớ nghề. Tôi rất hay múa cho các con xem vì hai đứa con sau này của tôi được sinh ra khi tôi đã rời xa múa. Những lúc ấy, chính các con là khán giả của tôi và mỗi lần tôi múa, cả nhà rất hưởng ứng, có lúc chồng tôi còn quên cả làm việc.
 
 
Lê Vi: Trả nợ 10 năm hi sinh của chồng - 2
Chồng và 3 con của nghệ sĩ múa Lê Vi

 

Trả nợ 10 năm hy sinh của chồng

 

Đúng là chẳng dễ gì quên, sau 20 năm trời gắn bó với múa...Dễ gì có thể dằn lòng...

 

Phải xác định những vương vấn ấy chỉ là sự lãng mạn trong nghề, còn thì vẫn phải sống với thực tế hàng ngày. Tôi đã xác định mục đích cho mình, khi mình đánh đổi cái này thì mình sẽ được cái khác. Tôi đánh đổi 10 năm của chồng tôi ở Việt Nam, để vật vã với nghề của mình. 10 năm đó tôi phải chịu cái giá là chồng mình gần như hoàn toàn tay trắng khi trở về Pháp.

 

Nếu không có điều kiện sống tốt, sự hỗ trợ của gia đình ở Việt Nam chắc tôi cũng đã phải ra đi từ lâu lắm rồi. Chính bởi chồng tôi đã hy sinh quá nhiều như vậy cho mình nên mình cũng không thể đòi hỏi thêm nữa cho bản thân.

 

 

Tức là chị quyết định từ bỏ mọi thứ ở Việt Nam, quay về Pháp như một sự trả nợ cho chồng, bù đắp 10 năm anh ấy đã hy sinh vì chị?

 

Cũng như một sự trả nợ, một sự đánh đổi. Nếu người ta đã sống vì mình thì chẳng có lý do gì mình không sống vì người ta cả. Dù đó thực sự là một thử thách. Khi đã hiểu ra điều ấy thì mọi thứ rất đơn giản, không có gì phải suy nghĩ nữa. Sau một năm sang Pháp, chồng tôi khuyên tôi trở về Việt Nam, về tới một năm, để tôi thỏa nỗi nhớ nghề và để tôi tự quyết định tất cả. Tôi ngầm hiểu như thế.

 

Thời gian đó, anh ấy cũng lo xây dựng nhà cho chúng tôi tại Pháp. Sau một năm quay lại Việt Nam, tôi nhận thấy không có gì níu kéo mình bằng gia đình cả. Chỉ có gia đình gọi mình, buộc mình phải hướng theo chứ không phải những ham muốn cá nhân. Tôi quyết định về hưu non để không còn bị ràng buộc vì nghề. Trở thành người tự do cảm giác cũng hạnh phúc lắm, không có gì phải lo lắng nữa. Giờ đây tôi được toàn tâm toàn ý lo cho gia đình và sống đúng nghĩa là một người phụ nữ của gia đình.

 

Thực sự, không bao giờ chị cảm thấy thiếu hụt sao? Có lúc nào đó, dù chỉ một thoáng, chị bỗng muốn nổi loạn, trên cái nhịp sống đều đều yên ả quá đỗi ấy của mình?

 

Đã tròn 15 năm tôi làm "gái theo chồng". Cuộc sống của chúng tôi cũng nhiều lúc sóng gió, không phải về tinh thần mà về mặt kinh tế. Không thể nói không có những lúc khó khăn nhưng rất may khi ở Việt Nam thì có sự giúp đỡ của bố mẹ tôi, còn khi sang Pháp lại có sự nâng đỡ của bố mẹ chồng tôi nên không bao giờ chúng tôi rơi vào hoàn cảnh quá bi đát.

 

Để đến được ngày hôm nay bằng chính khả năng của mình, duy trì 15 năm hạnh phúc bên nhau với tôi là điều quý giá. Không phải tôi quá tự mãn với cuộc sống của mình mà vì tôi hiểu giá trị của hạnh phúc, từ những ngày đầu chúng tôi đến với nhau tới lúc này, khi chúng tôi đã có với nhau ba mặt con.

 

Có nghĩa là 15 năm qua, chị chưa bao giờ nói hai chữ "Giá như..."?

 

Thực sự là không. Chưa khi nào tôi cảm thấy nuối tiếc vì bất cứ điều gì. Không phải tiền bạc mà sự hài lòng mới làm nên hạnh phúc. Giờ tôi có một gia đình êm ấm, một người chồng lý tưởng và những đứa con xinh xắn. Điều đó ngoài sự mong đợi của tôi. Cuộc sống của tôi đang dần ổn định ở đất khách quê người và Pháp đang dần trở thành một quê hương nữa của tôi.

 

So với hai người chị Lê Vân, Lê Khanh, chị dường như có phần kém nổi tiếng hơn, một phần hẳn cũng vì thái độ "an phận thủ thường" ấy? Trong khi đó, Lê Vân xem ra lại có máu "nổi loạn" hơn hẳn, trong "Sống và Yêu"? Chỉ duy nhất Lê Khanh là biết dung hòa giữa gia đình và sự nghiệp?

 

Sự nổi tiếng của mỗi người do tính chất nghề nghiệp quyết định. Tôi chỉ có thể nói mỗi chúng tôi đều khẳng định được mình trong lĩnh vực của mình. Chỉ là vì so với những nghề khác thì múa có vẻ ít được quan tâm hơn. Tôi không so bì với hai chị vì mỗi người hoạt động trong một lĩnh vực khác nhau, không nghề nào được đặt thấp hơn nghề nào.

 

Còn chuyện an phận hay không tôi nghĩ là do số phận quyết định. Nổi loạn không có nghĩa là không an phận. Con người ta không biết bao nhiêu là đủ cả. Với tôi, hạnh phúc là được tận hưởng từng giây từng phút yên vui bên chồng con mà không phải lo nghĩ gì.

 

Cảm giác của chị khi đọc "Sống và Yêu"? Một người an phận hẳn rất dễ sốc trước nó?

 

Cuốn tự truyện ấy, tôi nghĩ là không nên nhắc đến nữa vì chuyện đã qua rồi. Điều quan tâm lúc này là chúng tôi đối xử với nhau như thế nào. Lần này trở về Việt Nam, tôi sống cùng chị Vân, ở trong nhà chị. Ba chị em cũng có dịp quây quần lại và tôi nghĩ đó là điều hạnh phúc nhất. Bé út Lucie vừa tròn một tuổi cũng được vợ chồng tôi đặt tên tiếng Việt là Khanh Vân Vi, ghép tên ba chị em...
Lê Vi: Trả nợ 10 năm hi sinh của chồng - 3

"Khi tôi muốn sinh cháu thứ ba, tôi cũng không hề nghĩ mình sẽ được một cô con gái..."

Chăm con, dọn nhà cửa, làm vườn...

 

Bây giờ mỗi ngày của chị ở Pháp thế nào?

 

Thích lắm (cười)! Tôi ở một thành phố du lịch cách Paris 200km, cực kỳ đẹp và rất văn hóa. Một số người bạn sang đó lúc đầu cảm thấy thương cho tôi vì thấy cuộc sống của Lê Vi bên Pháp khác hoàn toàn với khi tôi ở Việt Nam. Họ hiểu đặc trưng nghề nghiệp của tôi là luôn phải có công chúng nhưng giờ nó lại quá tĩnh lặng. Họ tiếc nuối vì tôi đã dứt áo với nghệ thuật qúa sớm và vẫn mong tôi sẽ trở lại.

 

Nhưng tự tôi, tôi thấy cuộc sống hiện tại quá mỹ mãn. Tôi không có gì phải nuối tiếc cả bởi bao nhiêu người phải vật lộn với cuộc sống chỉ để có một gia đình như của tôi bây giờ thì tại sao, khi đang có hạnh phúc trong tay, mình lại phải đi tìm một cái gì khác nữa. Lúc này tôi cảm thấy thỏa mãn với tất cả mọi thứ. Về nghề, mình được làm đến tận cùng. Còn cuộc sống hiện tại quá thanh bình, tôi hạnh phúc từng giây bên các con trong căn nhà của mình.

 

Môi trường sống và khí hậu ở thành phố Amboise nơi tôi ở rất tốt, mặt bằng về văn hóa không kém gì Paris và đặc biệt an toàn tuyệt đối cho các cháu. Cuộc sống trôi qua êm đềm, thanh bình và gần như không có điều gì khiến tôi phải lo lắng, thắc thỏm...

 

Vậy một ngày hẳn là ngắn lắm?

 

Đúng rồi, một ngày của tôi trôi qua rất nhanh với những công việc chăm sóc gia đình. Tôi tìm thấy niềm vui trong việc chăm con, dọn dẹp nhà cửa, cố gắng không để thời gian trống mỗi ngày. Hoàn toàn không có điều gì bức xúc, hay nhàm chán bởi gia đình luôn giữ được không khí vui vẻ mà tôi chắc có người cả đời đi tìm cũng không có. Ngoài chăm lo cho các con, làm việc nhà, tôi còn có căn vườn xinh xắn để trồng cây, trồng hoa.

 

Về Việt Nam lần này tôi cũng cảm thấy nhớ khu vườn đó, dù nó rất nhỏ, chỉ có 70m thôi. Tôi thấy cuộc sống của mình bên Pháp giờ đã có rễ rồi. Mục tiêu của tôi bây giờ là làm sao nuôi dạy được các cháu thật tốt và không cảm thấy day dứt về nghề một chút nào cả.

 

Cảm giác của chị ở lần trở về này thế nào?

 

Thanh thản lắm! Được quây quần với những người thân trong gia đình rất hạnh phúc. Mục đích của lần trở lại này là tôi muốn cho các cháu gần gũi với con của chị Lê Vân, Lê Khanh bởi nếu để các cháu cách xa lâu quá thì tình cảm sẽ nhạt đi. Tôi cũng muốn hai tháng ở Việt Nam để các cháu sẽ được học thêm tiếng Việt. Vợ chồng tôi luôn cố gắng nói tiếng Việt thật nhiều và cố giữ tiếng mẹ đẻ cho các con.

 

Cháu thứ hai mặc dù sinh tại Pháp nhưng lại biết nói tiếng Việt trước. Tôi cũng mua rất nhiều sách vở để dạy tiếng Việt cho các cháu hàng ngày để các cháu có thể sử dụng tiếng Việt thành thạo.

 

Cuối cùng, sau tất cả, chị có tin vào số phận?

 

Có! Tôi nghĩ tất cả những gì đã xảy ra với cuộc đời mình đều là sự sắp đặt của số phận dù ta không chuẩn bị cho nó. Nhiều điều diễn ra hết sức ngẫu nhiên, việc tôi gặp chồng tôi là ngẫu nhiên, và tôi đến với nghề cũng là ngẫu nhiên. Nhất là khi tôi muốn sinh cháu thứ ba, tôi cũng không hề nghĩ mình sẽ được một cô con gái...

 

Theo Đẹp