Lại Bắc Hải Đăng từng chịu nhiều sức ép
Ngay khi Lại Bắc Hải Đăng được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM, nhiều người lập tức liên hệ đến chuyện anh có bố là người nổi tiếng. Tuy nhiên, với những người trong nghề, nhìn theo một hướng khác thì điều này thực chất lại là sức ép không nhỏ với Lại Bắc Hải Đăng.
Sức ép là con người nổi tiếng
Ngay từ khi còn học ở Học viện Báo chí và tuyên truyền, đã sớm được biết đến vì là con của nhà báo Lại Văn Sâm, người khi đó rất nổi tiếng với chương trình SV96. Nhưng cũng chính vì điều đó mà Hải Đăng phải đối diện với nhiều sự soi xét, thậm chí là không thừa nhận học lực thực sự của anh ở trường. Trong những lần trả lời phỏng vấn báo chí, Lại Bắc Hài Đăng cũng thừa nhận sức ép có thật này. Anh không chối việc có bố là người nổi tiếng đã giúp anh được tham gia những chương trình lớn mà một người trẻ tuổi thường ít cơ hội được thử sức.
Hải Đăng từng tâm sự rằng: “Mối quan hệ thân mật với bố ở Đài Truyền hình Việt Nam cũng gây cho tôi rất nhiều áp lực. Tôi làm việc với những người nhiều tuổi hơn, có những người bằng tuổi cô chú, thậm chí bác tôi. Nhiều lúc, do yêu cầu công việc, tôi cần phải yêu cầu mọi người làm cái này, cái kia, những lúc đó tôi rất ngại vì sợ mọi người nghĩ rằng tôi cậy vào "bóng" của bố. Nên thay vì nói "cô chú làm cho cháu cái này, sửa lại cho cháu cái kia", tôi lại nói "liệu có thể thay thế được không ạ", "liệu có nên"… Những ngày đầu làm ở Đài, tôi luôn mang tâm trạng ngại ngùng đó, vì thế có một số chương trình không đạt được kết quả như tôi mong muốn. Nhưng sau đó tôi nghĩ lại, nếu còn ngại ngùng thì thôi không làm việc ở Đài nữa vì như thế công việc sẽ không tốt. Còn nếu ở lại làm thì phải bỏ qua áp lực đó. Và dần dần tôi đã vượt qua được, bây giờ thì "chai sạn" rồi".
Thế nên, việc Lại Bắc Hải Đăng được bổ nhiệm vào vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại TPHCM (kênh VTV9), những định kiến kiểu "con ông cháu cha" dành cho anh cũng không có gì lạ. Nhất là nó lại xảy ra trong bối cảnh mà sai sót của anh ở chương trình Điều ước thứ 7 vẫn chưa lắng xuống. Tại thời điểm đó, chương trình Điều ước thứ 7 phải tạm dừng phát sóng. Sau sự cố này, Hải Đăng được điều động về làm Trưởng phòng Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế và 6 tháng sau thì được bổ nhiệm vị trí như hiện nay khiến không ít người thấy bất ngờ.
Bị nghi ngờ cũng có cái lợi, nếu là người bản lĩnh
Nhưng với những ai từng tiếp xúc, làm việc với Hải Đăng thì lại cho rằng, vị trí này hoàn toàn xứng đáng với anh. Bởi dù có bố là người nổi tiếng, nhưng Hải Đăng được bố nuôi dạy rất nghiêm khắc và được đào tạo bài bản. Sau khi tốt nghiệp đại học, Hải Đăng làm việc ở Đài Truyền hình Việt Nam một thời gian rồi sang Úc du học 2 năm về chuyên ngành truyền hình. Trở về nước, Hải Đăng đã có dịp chứng tỏ khả năng của mình ở nhiều chương trình lớn trong vai trò đạo diễn, như: Giọng hát Việt Nhí, Đồ Rê Mí, Ai là triệu phú và ghi dấu ấn đậm nét nhất là ở chương trình Điều ước thứ 7.
Giữa lúc các chương trình truyền hình thực tế gần như bị bão hòa, lại phần lớn là mua format ở nước ngoài với giá vài trăm nghìn USD thì việc Hải Đăng tạo ra chương trình Điều ước thứ 7 hoàn toàn thuần Việt, lại phải cạnh tranh nhiều là điều không hề đơn giản. Hơn nữa, chương trình cũng được phát vào khung giờ không đẹp là vào ban ngày (thứ Bảy) nhưng cuối cùng, Điều ước thứ 7 đã tạo nên "cơn sốt" trong lòng khán giả.
Không dựa vào yếu tố giải trí, tên tuổi của các ngôi sao hay dựa vào những chiêu trò - điều kiện cần của truyền hình thực tế - Hải Đăng lựa chọn một hướng đi khó hơn nhưng bền vững và hữu ích hơn: Đó là tôn vinh sự tử tế để nhân rộng giá trị nhân văn trong cộng đồng. Và Lại Bắc Hải Đăng đã làm được. Việc này, theo một nhà sản xuất chương trình truyền hình thì sự thành công ấy được tạo ra không chỉ bằng cái tài mà phải có cái tâm lớn. Trên Facebook cá nhân, nhà báo Trần Trọng An - học cùng đại học với Hải Đăng - cũng nhìn nhận rằng, Lại Bắc Hải Đăng là người có cả tâm và tài, khá thông minh, giản dị, gần gũi với mọi người.
Ông Nguyễn Quang Minh- Giám đốc Công ty Cát Tiên Sa, đơn vị có nhiều phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất các chương trình truyền hình cho rằng: “Việc Lại Bắc Hải Đăng có người bố nổi tiếng chỉ mang tính hỗ trợ ban đầu, còn việc có “đi” được đường dài hay không thì phải phụ thuộc vào chính khả năng của anh. Hải Đăng đã có thời gian đủ dài để chứng tỏ mình qua hàng loạt các chương trình truyền hình và vị trí mới của anh cũng không phải được đặt vào để ngắm, mà là để thách thức năng lực cao hơn nữa. Làm truyền hình là công việc sáng tạo nên ai có khả năng thì công chúng cũng nhìn thấy rất dễ. Tuy là con của một người nổi tiếng, nhưng con đường để khẳng định bản thân là riêng rẽ. Nếu nhìn ở hướng khác thì việc xuất thân ấy nhiều khi lại là sức ép, vì mình làm gì cũng bị soi xét, so sánh. Công chúng cứ nhận xét, đánh giá, nhưng hãy cho người trẻ thời gian để khẳng định mình. Nếu là người có bản lĩnh, tự tin vào khả năng mình có thì những nghi ngờ của công chúng sẽ biến thành động lực để người trẻ phấn đấu nhiều hơn”.
NSƯT Kim Tiến - cựu BTV Đài Truyền hình Việt Nam cho rằng: “Hiện công chúng luôn có cái nhìn về người già - người trẻ khá định kiến. Hễ là người già thì cho là cổ hủ, trì trệ và người trẻ mới theo kịp thời đại. Cá nhân tôi không ủng hộ tuổi nào cả, miễn là họ đủ tư chất và có năng lực. Giới trẻ bây giờ có nhiều cơ hội để làm lãnh đạo hơn nhưng khi đã được trao trọng trách ấy thì cần phải đặt cả vấn đề đạo đức làm lựa chọn. Vấn đề đạo đức giống như bánh lái để con tàu được đi đúng hướng vậy. Thế nên với tôi, tuổi nào làm lãnh đạo không quan trọng mà là bằng việc họ có hội đủ các tố chất và đạo đức hay không”.
Theo Thanh Hà
Gia đình & Xã hội