Lê Lựu - Giai thoại và sự thật:

Kỳ 1: Đi nhậu vì thèm cái hơi thở của hàng quán

(Dân trí) - Trong văn đàn Việt Nam, hiếm có người nào nhiều giai thoại như nhà văn Lê Lựu. Người ta có thể kể hàng giờ, thậm chí nhiều giờ về đời sống “khác lạ” của anh với rất nhiều mục đích khác nhau.

Có thể để từ đó, hiểu thêm về thế giới tâm hồn của một thế hệ văn học, có thể để rút ra những bài học về đối nhân xử thế, về thế thái nhân tình nhưng cũng nhiều khi chỉ là để giải trí lúc trà dư, tửu hậu. Những câu chuyện dưới đây có thực, có hư. Vậy đâu là sự thật của những giai thoại?

 

Phi đậu phụ bất thành... Lê Lựu

 

Món Lê Lựu khoái khẩu nhất phải kể đến đậu phụ luộc hoặc lướt ván. Không hiểu từ đâu và từ bao giờ, trong giới anh em văn chương đã truyền nhau câu “thành ngữ”: “Phi đậu phụ bất thành... Lê Lựu”. Dù đi ăn ở bất cứ đâu, quán cơm bụi vỉa hè, khách sạn 5 sao hay nhà bè bạn, anh em, Lê Lựu thường chăm chắm vào đĩa đậu phụ. Anh khoái ăn đậu phụ đến mức khi nghi bị tiểu đường, bác sĩ khuyên ăn kiêng và nên ăn nhiều đậu phụ thì anh tủm tỉm: “Tưởng khuyên gì chứ khuyên ăn đậu phụ với tớ là thừa”.

 

Có lần tôi về quê anh, nơi có món đậu phụ phủ Khoái Châu khá nổi tiếng, anh gắp cho tôi đầy bát khiến tôi nhìn các món khác mà tiếc ngẩn tiếc ngơ. Tuy là người dễ ăn nhưng Lê Lựu không thích những món thuộc hàng cao lương mỹ vị. Đặc biệt là bơ sữa và các kiểu ăn Tây.

 

Một lần tháp tùng Chủ tịch phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam đi công tác, được bố trí ở khách sạn 5 sao, ăn ở mấy trăm USD/ngày, Lê Lựu rất chán và... tiếc: “Giá nó cứ cho mình ăn cơm canh cua, đậu phụ rồi... đưa cho ít tiền tiêu vặt thì có phải tốt không. Đằng này...”. Lần ấy về, anh gầy đi mấy ký. Và vừa về đến Hà Nội, anh đã gọi tôi đi ăn bún mắm tôm, đậu phụ. Anh ăn một cách miệt mài, cần mẫn và say mê. Ăn xong, buông bát, vớ tờ giấy lau xoẹt hai bên mép rồi ngửa mặt kêu lên: “Ngon, ngon thật. Sao bọn khách sạn nó không đưa món này vào thực đơn nhỉ?”.

 

Gần đây, khi đã là ông Tổng Giám đốc Trung tâm Văn hoá Doanh nhân. Nghĩa là đã có ô tô riêng, trụ sở riêng và cả đoàn người giúp việc, Lê Lựu vẫn không bỏ được cái cách ăn đã ngấm vào máu thịt. Một lần đến thăm anh, vẫn thấy trên mặt bàn vị Tổng Giám đốc bát thịt nấu lõm bõm, mầu sền sệt vàng nổi lều bều bên trên vài miếng mỡ. Và cạnh đó là một bát mắm tôm chấm dở vẫn còn vương vài sợi bún, mấy hạt chanh, dăm miếng ớt cùng với mấy chiếc lá kinh giới, tía tô.

 

Kỳ 1: Đi nhậu vì thèm cái hơi thở của hàng quán - 1

Lê Lựu vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa... a lô di động.

 

Bữa cơm mắm tép không thành       

 

Lê Lựu rất thích món mắm tép kho khế ớt. Có lần tôi được giao viết bài về người đẹp Thu Hương. Cái cô Hoa khôi đẹp nghi ngút, cặp đùi như hai chiếc ngà voi vắt nghiêng trên ghế làm nhà văn bị hút hồn. Để “trả công” cho những cái nhìn “đã mắt”, Lê Lựu quyết định mời người đẹp đi ăn cơm... mắm tép. Khổ, ông nhà văn ơi, người đẹp thế phải sữa bơ, pho mát chứ ai người ta ăn mắm tép mà mời. Quả nhiên, người đẹp Thu Hương từ chối. Thế mà khi ngồi ăn cơm mắm tép ở quán cơm bụi nghi bụi ngút ở sát đê La Thành, Lê Lựu cứ tức tưởi: “Cái con bé, mắm tép ngon thế mà lại từ chối”. Rồi ông trầm ngâm triết lý: “Đấy, bi kịch của cuộc đời là thế. Vẻ đẹp bên ngoài bao giờ cũng tỉ lệ nghịch với tri thức. Mắm tép ngon thế mà lại đi từ chối. Dốt. Dốt thật. Thế mà cũng là... hoa hậu?”.

 

Ăn tất cả các vật bốn chân chỉ trừ... bàn ghế           

 

Trong cuốn Chân dung và Đối thoại, nhà thơ Trần Đăng Khoa có đoạn tả về thói quen ăn đêm của Lê Lựu rằng trước khi viết, Lê Lựu thường tạt qua một hẻm phố nào đấy để “nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành”. Và trong các món ăn đêm ấy, Lê Lựu đặc biệt mê cái món phở “bốc mả”. Đó là những bát phở cuối cùng trong ngày, nước phở đậm, đặc ngầu những... cấn nồi.

 

Bà chủ quán xem ra đã quá quen với khẩu vị của Lê Lựu, có lẽ nghĩ anh là ông xế lô sau một ngày chở khách mệt nhọc bèn bốc cho anh một đống xương xẩu, cổ cánh đã hầm kỹ không tính tiền rồi đổ ào thùng nước rửa bát ra mặt đường. Lê Lựu tỏ ra rất khoan khoái, gương mặt nhôm nhoam những râu ria bừng bừng sung mãn như người trúng xổ số...

 

Theo tôi, những chi tiết này hoàn toàn có thể có thật. Nhiều lần đi quán cùng anh, tôi đã chứng kiến cảnh như vậy hoặc tương tự như vậy. Chỉ có điều, qua ngòi bút duyên dáng của Trần Đăng Khoa, sự việc sống động hơn, “thật” hơn.

 

Kỳ 1: Đi nhậu vì thèm cái hơi thở của hàng quán - 2
 

Có một nhà báo viết về Lê Lựu đã phán một câu xanh rờn: “Lê Lựu ăn được tất cả các vật có cánh chỉ trừ... máy bay và ăn tất cả các vật có chân, chỉ trừ... bàn ghế”. Nói thế có phần hơi quá nhưng quả thật, Lê Lựu là người rất xuề xoà trong ăn uống. Anh xơi được mọi thứ, bất kể đó là món gì, nếu có người ăn được là anh xơi tuốt.

 

Hành trình tìm món... nước ngô        

 

Lê Lựu cũng rất thích nước ngô luộc. Trần Đăng Khoa kể rằng, khi sang nước Nga, Lê Lựu đã cất công đem cho anh một cái gói to bự được chằng buộc cẩn thận bằng giấy bóng kính, bên ngoài còn lót thêm một lượt giấy bóng hồng điều... Trần Đăng Khoa nghĩ bụng cái hộp đẹp thế kia, lại được mang qua ba vòng trái đất chí ít cũng phải ký mứt sen hay cân chè Thái.

 

Khi Lê Lựu trịnh trong đặt lên bàn, Trần Đăng Khoa hồi hộp nhìn những ngón tay mập mạp, đen đúa của Lê Lựu lần mở từng nút lạt giang. Hoá ra mấy bắp ngô luộc to xù như mấy quả lựu đạn. Ngô để lâu ngày, bốc lên cái mùi rất đỗi xa xăm. Lê Lựu đưa lên mũi hít hít rồi quay lại cười rất tươi: “Ngon lắm. Cứ như ý cụ Nam Cao thì ta không nên hoãn sự sung sướng này lại”. Nói rồi Lê Lựu lấy phích nước sôi dội ào ào lên mấy bắp ngô vứt lỏng chỏng trong cái xô tôn... Ai nấy còn ngần ngại thì Lê Lựu đã túm lấy một bắp, cạp cạp rất ngon lành. Gương mặt hồn nhiên, tươi mởn...

 

Tôi nghĩ chuyện Khoa kể là có thật. Có lần Lê Lựu bắt tôi chở đi hết 36 phố phường Hà Nội. Trời nắng gay gắt, mặt hai anh em đỏ phừng phừng và nhễ nhại mồ hôi. “Đi đâu thế bác?” Tôi suốt ruột hỏi. “Thì cứ đi”. Lòng vòng mãi, chợt thấy Lê Lựu bấu vào sườn tôi “Đây rồi”.

 

Chiếc xe đỗ xịch trước một người đàn bà nhà quê gánh đôi quang gánh với lủng củng xô thùng. Tôi thoáng ngạc nhiên, người nhà anh hay một nguyên mẫu trong tiểu thuyết?  Thì đã thấy Lê Lựu hỏi “Còn nước ngô không bác”. “Hết rồi ông ạ”. Nghe câu trả lời của bà bán nước ngô, mặt Lê Lựu thọng xuống. Tôi không biết vẻ mặt của ông thượng nghĩ sĩ Kerry khi thất cử Tổng thống nước Mỹ khóa vừa rồi có buồn bã và thất vọng đến thế không. Có lẽ cũng chỉ đến thế là cùng!

 

Trên bàn Tổng giám đốc là một... khay trầu

 

Lê Lựu rất thích nhậu nhoẹt, bù khú nhưng anh không phải là kẻ phàm ăn, tục uống. Hình như việc ăn uống với anh chỉ có hai mục đích. Một là nói như Trần Đăng Khoa: “Nạp thêm nhiên liệu cho máy móc vận hành”. Và hai là để vui bè bạn. Có lần Lê Lựu đã ngồi vào mâm, cơm đã xới, canh đã múc, cả đĩa thịt gà béo ngậy đã được bê lên và một chai bia đã mở. Thế nhưng, thấy tôi đến rủ đi ăn cơm bụi, anh liền buông bát đũa, xách cái túi - đi. Hình như anh thèm cái không khí hàng quán, cái hơi thở của đời sống xã hội hơn là cái sự thèm ăn uống.

 

Gần đây, Lê Lựu quay sang ăn trầu. Trên bàn làm việc của Lê Lựu lúc nào cũng sẵn một khay trầu thuốc còn ông Tổng giám đấc Văn hoá doanh nhân thì luôn miệng vừa bỏm bẻm nhai trầu vừa... a lô di động.

 

Bùi Hoàng Tám