1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Không thể ngồi đóng cửa tự… khen con mình nữa !

Các đạo diễn Việt Nam liên tục có những tuyên bố đầy quyết liệt. Phim thì phải hay, vừa đạt chất lượng cao, vừa cho doanh thu lớn. Thế nhưng, các dự án đình trệ, các bộ phim chỉ thấy mỗi cái tên, còn kế hoạch làm phim luôn là điều bí mật, thời gian phát hành còn bí mật hơn nhiều…

Không biết nên vui hay nên buồn khi bộ phim chào mừng 1.000 năm Thăng Long của UBND TP Hà Nội làm về cuộc đời Lý Công Uẩn lại buộc phải… thi đạo diễn. Vì bộ phim kỷ niệm, kịch bản đã được duyệt và kinh phí sẽ không dưới vài chục tỷ đồng. Nghĩa là mọi thứ đã sẵn sàng, nhưng đạo diễn thì buộc phải "đốt đuốc" để tìm.

 

Đến lúc này thì chúng ta thực sự thấy rõ thực tế, dường như không ít đạo diễn của chúng ta đã bị cách làm việc công chức bào mòn tài năng và tâm huyết, để đến khi có cơ hội lớn, có điều kiện để thể hiện tài năng thì đã hoặc là kiệt sức hoặc là không mấy tự tin. 

 

Vậy là có ý kiến, nếu các đạo diễn Việt Nam không đủ sức thì sẽ đi thuê đạo diễn nước ngoài. Điều này thì thực sự không thể vui. Nói như đạo diễn Lê Hoàng, nếu Thăng Long 1.000 năm không sản sinh ra được một đạo diễn đủ sức làm bộ phim về mảnh đất của mình thì có lẽ cũng không cần đưa nó lên phim làm gì… Có thể ý kiến của Lê Hoàng hơi cực đoan, nhưng cũng có những hạt nhân hợp lý, bởi chỉ có những người am tường lịch sử Việt Nam, lịch sử Hà Nội mới có thể thể hiện cho ra khí chất người Thăng Long trên phim…

 

Có lẽ chưa bao giờ các đạo diễn lại nhiều việc như bây giờ. Hết phim truyện nhựa đến phim truyền hình, hết phim Nhà nước đến phim tư nhân. Chính vì thế "mơ ước nhiều thế hệ" của giới đạo diễn là ra trường được làm phim nhựa ngay đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, dường như khi các đạo diễn nhiều việc thì để đánh giá họ một cách công bằng lại tương đối khó khăn.

 

Một nhà phê bình điện ảnh cho rằng, đạo diễn bây giờ có ba bảy loại, loại thứ nhất là ham tiền nên chỉ mong kiếm được nhiều tiền từ việc làm phim; loại thứ hai là ham quyền nên lợi dụng việc làm phim để tìm cơ hội tiến thân; loại thứ ba là ham làm phim nên họ sẽ đắm đuối với những dự án của mình đến cùng.

 

Có lẽ chỉ nên trông chờ vào những bộ phim của loại đạo diễn thứ ba mà thôi. Họ làm phim để hướng tới khán giả, dù còn nhiều khiếm khuyết nhưng vẫn có thể dễ dàng nhận ra những tâm huyết đó. Nhưng có vẻ như những đạo diễn như thế vẫn chưa phải là số đông ở Việt Nam, nên vẫn tồn tại những bộ phim làm xong không thể đem ra công chiếu vì quá yếu, hoặc đem chiếu mà không có khán giả lại đem vào cất kho.

 

Tuy thế, cũng cần xét lại, làm phim để kiếm được tiền, nhất là tiền từ túi khán giả là việc không hề dễ dàng. Nhưng kiếm tiền bằng mọi giá, giống như sản xuất hàng giả miễn sao bán được hàng, thì sẽ là một tai họa. Và những tuyên bố có phần… quảng cáo trên các phương tiện truyền thông của một vài đạo diễn trẻ, rất có thể sẽ ăn trái đắng của dư luận.

 

Một đạo diễn đang được coi là đại diện của thế hệ vàng điện ảnh Việt Nam sau khi mang phim của mình đi dự các liên hoan phim quốc tế và xem các phim cùng tranh giải của các đạo diễn trẻ trong khu vực châu Á trở về rất… "tâm phục khẩu phục". Bởi tất cả những gì anh nhìn nhận là các đạo diễn nước bạn đã vượt xa chúng ta quá nhiều, dù họ còn rất trẻ, thậm chí phim đầu tay của họ đã có thể len vào các giải thưởng lớn. Nghĩa là các đạo diễn tâm huyết với điện ảnh giờ đây không thể ngồi đóng cửa tự… khen con mình nữa.

 

Tuy nhiên, cái cuối cùng, có lẽ là làm sao các đạo diễn thoát khỏi được sức ì của chính mình và tạo được sức bật trong những bộ phim mới. Mà sức bật, như ai đó nói, là cái trời cho. Giỏi nghề mà không có sức bật tốt thì sẽ chỉ làm được những bộ phim lành lặn chứ không thể để lại những dấu ấn.

 

 

Theo Tâm Đăng

Công An Nhân Dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm