Khi vợ chồng Jimmy Carter và Harris Hosen chọn cuộc đời theo lựa chọn tối ưu (kỳ 3)
(Dân trí) - Năm 1981, khi Tổng thống Jimmy Carter và Phu nhân Rosalynn trở về nhà của mình tại Plains, Georgia, họ thắc mắc: “Liệu cuộc sống có trở lại bình thường sau khi rời Nhà Trắng không?”.
Họ đã gắn bó với thượng viện liên bang, với chức thống đốc bang và cuối cùng là vị trí cao nhất của đất nước, giờ họ sẽ đi về đâu? Hụt hẫng và nghỉ hưu không do ý muốn, họ cảm thấy trống rỗng và e sợ rằng cuộc đời mình sẽ trở thành một bản nhạc tắt lịm dần.
Làm thế nào mà khi rời khỏi Nhà Trắng, Jimmy và Rosalynn Carter biết được rằng có lẽ sứ mệnh quan trọng nhất của họ vẫn ở phía trước?
Tất nhiên, họ đã tận hưởng khoảng thời gian lạ lẫm dành cho gia đình, bạn bè và nhà thờ. Dù vậy, cuộc sống của họ vẫn thiếu đi điều gì đó. Họ chắc chắn sẽ không vui đùa trên sân golf mãi mãi. Họ cũng không muốn sống cuộc đời an nhàn thường thấy của một cựu tổng thống Hoa Kỳ: viết hồi ký, xây thư viện tổng thống. Carter muốn không chỉ để lại cho thế hệ sau một cuốn sách và một tượng đài kỷ niệm. Thế rồi, vào một buổi tối, ông thức giấc với viễn cảnh về một cuộc sống theo Lựa chọn tối ưu thứ 3. Ông nhận ra giờ đây mình đã tự do để làm những việc ông không thể nào làm khi còn ở Nhà Trắng: ông vẫn có thể sử dụng chức danh cựu tổng thống Hoa Kỳ của mình để giúp giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất của thế giới.
Định hướng của ông là trở thành một chất xúc tác cho sự thay đổi, một đại sứ hòa bình và nhà trung gian hòa giải. Ông sốt sắng thực hiện dự án đầu tiên của mình - lập ra một diễn đàn để mọi người từ khắp nơi trên thế giới có thể gặp gỡ, trò chuyện và khám phá những Lựa chọn tối ưu thứ 3 đầy sáng tạo cho vấn đề của bản thân. Dự án này cuối cùng đã trở thành Trung tâm Carter, cũng khiến cho vợ ông hào hứng. Lúc đó họ đã nhận ra cuộc sống của mình đã thiếu đi điều gì: cơ hội để tạo ra những cống hiến to lớn và ý nghĩa chưa từng có.
Mặc dù trở thành tổng thống Hoa Kỳ là một thành tựu đỉnh cao của con người, vợ chồng Carter vẫn cảm thấy rằng họ có thể đạt được những điều tốt đẹp hơn. “Ai mà biết được cơ chứ?”, họ tự hỏi. “Nếu chúng tôi đặt mục tiêu cao, chúng tôi thậm chí có thể làm được nhiều hơn việc chiến thắng cuộc bầu cử năm 1980.” Cái nhìn sâu sắc mạnh mẽ đó đã thôi thúc cả hai. “Điều gì họ có thể đạt được tới ngoài Nhà Trắng?”, có thể chúng ta sẽ thắc mắc như vậy. Và vợ chồng Carter là đáp án cho câu hỏi đó.
Họ đang sống trong một khúc nhạc ngày càng hào hùng, âm vang. Họ đang bận rộn hơn bao giờ hết. Họ làm việc với Trung tâm Carter để giải quyết những cuộc xung đột, nâng cao nền dân chủ và quyền con người khắp mọi nơi. Là một phần của liên minh bảy mươi quốc gia, họ tài trợ cho những dự án y tế cộng đồng như diệt trừ bệnh giun guinea từng làm dị dạng đau đớn hàng triệu trẻ em châu Phi. Họ thúc đẩy chương trình Tổ chức Nhà ở Nhân đạo (Habitat for Humanity), xây dựng nhà ở từ thiện cho người nghèo; hình ảnh Jimmy Carter với búa và đinh trong tay, cùng làm việc với những người khác để xây nhà đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Ông gần như được toàn thế giới biết đến là cựu tổng thống năng động nhất trong lịch sử nước Mỹ.
"Lựa chọn tối ưu thứ 3" của Harris Rosen giúp trẻ em đi học đại học miễn phí
Một trong những người “dành thời gian và tâm sức với nó” là Harris Rosen, một chủ khách sạn đang sống tại Orlando, Florida. Lớn lên trong nghèo đói tại khu Hell’s Kitchen của thành phố New York, ông liên tục nghe bố mẹ mình nói rằng “có giáo dục tốt sẽ giúp con đổi đời”. Thực hiện lời khuyên này, Harris là người đầu tiên trong gia đình ông tốt nghiệp đại học. Ông đã trang trải kiếm sống từ vị trí thấp nhất trong ngành kinh doanh khách sạn, và cuối cùng đã sở hữu bảy khách sạn tại vùng Orlando náo nhiệt. Ông đã có thể ngồi xuống nghỉ ngơi và tận hưởng thành quả lao động của mình.
Tuy nhiên, ông không thể bỏ qua vùng Tangelo Park gần đó, một khu vực cách không xa những khách sạn xa hoa của ông trên Đại lộ International Drive, nhưng lại hoàn toàn khác biệt vì nó chìm trong sợ hãi, đói nghèo, tội phạm, ma túy, thất nghiệp và tỷ lệ 25% học sinh trung học bỏ học. Khao khát được đóng góp nền giáo dục tốt cho những đứa trẻ tại Tangelo Park, ông bất ngờ đứng lên tại một cuộc họp của trường và nói với đám đông đang kinh ngạc: “Tôi hứa sẽ làm cho mọi học sinh tốt nghiệp trung học tại Tangelo Park đi học đại học miễn phí!”.
Người ta hầu như không tin điều đó, nhưng sáng kiến của Rosen vẫn được thực hiện. Và ông còn làm nhiều hơn thế: Ông tài trợ cho các trường mầm non để các em nhỏ có thể đi học mà không phải đóng học phí, và thành lập Trung tâm Tài nguyên Gia đình để các bậc phụ huynh có thể nhận tư vấn và học thêm các kỹ năng nhằm xây dựng gia đình.
Rosen còn hơn cả được đền đáp khi một ngày kia, ông đang được kê đơn thuốc, một dược sĩ trẻ nhận ra ông. “Ngài Rosen, cháu đã tham gia chương trình Tangelo Park mà ngài sáng lập và đã tốt nghiệp đại học. Cháu trở thành một dược sĩ ngày hôm nay là nhờ có ngài!” Một cử nhân trẻ khác của chương trình này đã trở thành “Giáo viên của năm” tại Quận Cam (California). Vị giáo viên giỏi này có thể kiếm sống ở bất cứ nơi đâu, nhưng đã chọn sống tại Tangelo Park và chăm sóc con cái ngay cạnh những học sinh mà anh muốn tạo sức ảnh hưởng.
Ở tuổi bảy mươi, Harris Rosen có thể tận hưởng chuỗi ngày nghỉ hưu an nhàn tại Florida. Hoặc có thể tiếp tục làm việc, lo lắng cho việc kinh doanh của mình, ngoảnh đầu làm ngơ và lãng quên những nỗi đau xung quanh. Nhưng ông từ chối cả hai phương án này. Đam mê của ông là một Lựa chọn tối ưu thứ 3 - một sự đổi mới hoàn toàn dành cho khu dân cư nghèo khổ, gặp những vấn đề khó khăn đó. Ông thôi thúc những người giàu có khác đi theo mô hình của mình, tin rằng nó có thể thay đổi xã hội.
Bạn có thể nói rằng: “Nhưng tôi chẳng phải là một cựu tổng thống hay là một giám đốc giàu có như thế!”. Và đây là câu trả lời của tôi: điều đó không quan trọng. Trong phạm vi Vòng tròn Ảnh hưởng của chính bạn, bạn có sức tác động tương xứng giống như sức tác động của vợ chồng Carter và Harris Hosen.
Trích sách “Lựa chọn tối ưu thứ 3”
Sách do First News thực hiện