1. Dòng sự kiện:
  2. Phim "Địa đạo"
  3. Bê bối của diễn viên Kim Soo Hyun

"Khát vọng Dam Săn" - tâm huyết 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường

Phạm Hồng Hạnh

(Dân trí) - Lấy cảm hứng từ sử thi Tây Nguyên, ca kịch "Khát vọng Dam Săn" là tâm huyết 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường với Tây Nguyên, nay được giới thiệu đến khán giả Thủ đô.

Ca kịch Khát vọng Dam Săn do nhạc sĩ Nguyễn Cường là tác giả, nhà biên kịch Hồng Hoa biên kịch và tổng đạo diễn, NSND Y San Alio tổng biên đạo, lấy cảm hứng từ Sử thi Dam Săn - một trong những tác phẩm tiêu biểu của đồng bào Ê Đê ở Tây Nguyên.

Chia sẻ tại buổi họp báo chiều 10/4 tại Hà Nội, ông Trần Hồng Tiến - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk - cho biết, Đắk Lắk, mảnh đất trung tâm vùng Tây Nguyên là nơi sinh sống của 49 dân tộc anh em.

Sự đa dạng trong cộng đồng dân cư đã mang đến cho Đắk Lắk những giá trị văn hóa truyền thống đa dạng và phong phú.

Khát vọng Dam Săn - tâm huyết 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường - 1

Các nghệ sĩ Đoàn ca múa Dân tộc Đắk Lắk trình diễn tại sự kiện họp báo (Ảnh: Hồng Anh).

Với mong muốn tạo không gian văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên tại Thủ đô, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk phối hợp với các đơn vị tổ chức 2 chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Hà Nội trong ngày 12-13/4. 

Điểm nhấn của chương trình là ca kịch Khát vọng Dam Săn phục dựng, bảo tồn văn hóa người Ê Đê qua âm nhạc và sân khấu hình ảnh.

Qua chương trình, Ban tổ chức sự kiện mong muốn đưa nghệ thuật Tây Nguyên đến gần hơn với công chúng Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, hướng tới bảo tồn, phát huy, giới thiệu vẻ đẹp của âm nhạc Ê Đê.

Ông Tiến cũng mong muốn, qua sự kiện này sẽ thu hút du khách đến với Đắk Lắk, giúp kích cầu du lịch, thực hiện các mục tiêu của địa phương và cả nước về phát triển kinh tế.

Là tác giả của ca kịch Khát vọng Dam Săn, nhạc sĩ Nguyễn Cường chia sẻ với phóng viên Dân trí, tác phẩm là tâm huyết âm nhạc 40 năm với mảnh đất Tây Nguyên của ông.

Khát vọng Dam Săn - tâm huyết 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường - 2

Nhạc sĩ Nguyễn Cường dành nhiều tâm huyết cho văn hóa, âm nhạc Tây Nguyên (Ảnh: Hồng Anh).

Dành nhiều tâm huyết cho nghệ thuật nơi đây, từ năm 1987, nhạc sĩ Nguyễn Cường đã luôn trăn trở về một tác phẩm lớn ca ngợi khát vọng và vẻ đẹp lãng mạn nhưng cũng kiêu hùng của người Ê Đê ở Tây Nguyên.

Đến khi gặp được kịch bản thú vị của nhà biên kịch Hồng Hoa, ông đã có thêm cảm hứng hoàn thành tác phẩm này. Tác phẩm thể hiện những tinh hoa của Sử thi Dam Săn, sử dụng các nhạc cụ truyền thống của người Ê Đê, kết hợp với phương thức biểu diễn quốc tế để tạo sự hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.   

Ông cho biết, đã nghĩ đến phiên bản âm nhạc thứ hai của vở diễn, được trình tấu hoàn toàn bằng nhạc cụ dân tộc.  

Trong nền văn học Việt Nam, Sử thi Dam Săn là một trong những tác phẩm tiêu biểu, là thể loại văn học được sáng tạo từ trí tưởng tượng phong phú, lãng mạn, bay bổng của đồng bào Ê Đê.

Qua đó, người đọc được đến với quá khứ hào hùng trong những buổi đầu của thời kỳ liên minh bộ tộc, được gặp gỡ những tù trưởng anh hùng, mà nổi bật nhất là người anh hùng Dam Săn, đã cùng buôn làng của mình chiến đấu, thu phục kẻ thù, chinh phục thiên nhiên.

Khát vọng Dam Săn - tâm huyết 40 năm của nhạc sĩ Nguyễn Cường - 3

Biên kịch Hồng Hoa, NSND Y San Alio cùng nhiều nghệ sĩ đã đóng góp cho sự thành công của "Khát vọng Dam Săn" (Ảnh: Hồng Anh).

Trên nền Sử thi Dam Săn, nhà biên kịch Hồng Hoa đã viết lên những tình tiết mới như: Sự khao khát của Nữ thần Mặt trời mong có Dam Săn, nguy cơ bị hủy diệt của buôn làng khi chìm trong đêm tối, khát vọng bảo vệ buôn làng của Dam Săn đã cảm hóa được Nữ thần Mặt trời...

Tác phẩm gồm 5 chương: Đam San và H'Nhi, Xử tội Mtao Msei, Buôn sang trông cậy, Nơi miền sáng, Mặt trời lên trên cao nguyên bao la.

Tổng biên đạo NSND Y San Alio cho hay, trước khi đến với công chúng Thủ đô, ca kịch Khát vọng Dam Săn đã được trình diễn tại Đắk Lắk và TPHCM. Riêng chương trình tại Đắk Lắk đã thu hút hơn 20.000 khán giả theo dõi.

Vở ca kịch là tâm huyết của tác giả cùng hàng trăm nghệ sĩ người Ê Đê đã được khán giả đón nhận và chia sẻ nhiều phản hồi tích cực.

"Vở diễn được dàn dựng trong suốt 6 tháng cuối năm 2021, giữa mùa dịch Covid-19. Các nghệ sĩ đã vượt qua những khó khăn ngoại cảnh để đem đến một tác phẩm đậm chất nghệ thuật, hoành tráng cho công chúng", NSND Y San Alio nói.

Chương trình âm nhạc, nghệ thuật dân gian Tiếng gọi Cao nguyên diễn ra lúc 19h30 ngày 12/4, tại khu vực vườn hoa đền Bà Kiệu, trong không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận (Hà Nội).

Chương trình sẽ mang đến những tiết mục diễn tấu cồng chiêng, hòa tấu nhạc cụ dân tộc đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên, các ca khúc nổi tiếng về Tây Nguyên.

Ca kịch Khát vọng Dam Săn sẽ diễn ra lúc 20h ngày 13/4, tại Nhà hát Kịch Hà Nội (42 Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội).