1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Khánh thành 2 bức tranh ghép gốm: “Trường Sa – Sức mạnh Việt Nam”

(Dân trí) - Hai bức tranh được xây dựng tại bến cập tàu trên đảo Trường Sa Lớn với nội dung “Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam” và “Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.

Ngày 9/5, tại đảo Trường Sa Lớn đã diễn ra lễ khánh thành 2 bức tranh cổ động ghép gốm hoành tráng mang tên Trường Sa – Sức mạnh Việt Nam với sự tham dự của gần 200 đại biểu đến thăm đảo Trường Sa trên tàu HQ 561 và đông đảo sỹ quan, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Trường Sa.

Trong hơn 5 tháng với sự ủng hộ của lãnh đạo Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh hải quân, nhóm hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ, Nguyễn Hoàng Tùng, Trịnh Bá Quát và Đỗ Như Điềm đã thiết kế và thực hiện bức tranh này. 

Cảnh khánh thành bức tranh gốm Trường Sa - Sức
mạnh Việt Nam

Cảnh khánh thành bức tranh gốm "Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam"

Phát biểu tại lễ khánh thành, Thượng tá Phạm Văn Hoà, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa nhấn mạnh: “Hai bức tranh tạo thêm nét văn hoá nghệ thuật mới cho đảo Trường Sa, đồng thời như một lời chào mừng đối với các đoàn đại biểu ra thăm đảo. Cán bộ, chiến sỹ và nhân dân thị trấn Trường Sa coi 2 bức tranh này là biểu tượng tinh thần của sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, hiện diện hiên ngang giữa quần đảo Trường Sa”.

Trong 2 bức tranh ghép gốm, bức bên phải cầu cảng mang tên Trường Sa – Sức mạnh Việt Nam (cao 4,8m dài 20m), gồm 9 nhân vật, đại diện cho các tầng lớp nhân dân với những ngành nghề khác nhau, những lực lượng vũ trang cùng kề vai sát cánh tạo nên một sức mạnh đoàn kết dân tộc, được hun đúc từ tình yêu Tổ quốc và niềm tự hào dân tộc, được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong suốt chiều dài lịch sử Việt Nam. Trung tâm bức tranh là em bé trai với nụ cười tươi, ôm chim bồ câu trắng tung cánh bay. Hình ảnh tượng trưng cho khát vọng hoà bình của dân tộc Việt Nam.

Một góc bức tranh Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam

Một góc bức tranh "Trường Sa - Sức mạnh Việt Nam"

Bức tranh phía bên trái cầu cảng là vốn một bức tranh cổ động cũ, được vẽ bằng sơn vôi, đã bị bong tróc do sóng gió biển Đông. Họa sỹ Nguyễn Thu Thuỷ và Nguyễn Hoàng Tùng đã chỉnh sửa gương mặt, tư thế và trang phục của các nhân vật trong tranh lại cho đẹp hơn, sắc nét hơn, đồng thời thay thế bằng chất liệu gốm sứ để bức tranh trường tồn với thời gian. Bức tranh cổ động với hàng chữ lớn Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Được đặt ở vị trí đối xứng hai bên cầu cảng đảo Trường Sa, hai bức tranh hiện lên thật đẹp và tươi sáng giữa biển trời xanh ngắt và màu xanh diệp lục đầy sức sống của những cây phong ba bão táp ven đảo.

Bức tranh cổ
động với hàng chữ lớn

Bức tranh cổ động với hàng chữ lớn "Quân dân huyện đảo Trường Sa quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc"

Đến với Trường Sa lần thứ 4, hoạ sỹ Thu Thuỷ tâm sự: “Mỗi lần trở lại Trường Sa, tôi lại được truyền thêm những cảm hứng sáng tạo mới. Càng yêu Trường Sa, tôi càng yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, càng cảm phục những người chiến sỹ đang thầm lặng bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc. Tôi vẫn luôn khát khao được mang những sáng tạo nghệ thuật góp phần vào công cuộc khẳng định và giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.”

Sau Con đường gốm sứ ven sông Hồng (năm 2010), hoạ sỹ Nguyễn Thu Thuỷ tiếp tục các ý tưởng nối dài Con đường gốm sứ  tới  Trường Sa với Lá cờ Tổ quốc bằng gốm lớn nhất Việt Nam và 4 bức tranh gốm ca ngợi hình tượng người chiến sỹ hải quân góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam.

Hà Thanh