Khánh Linh: Đôi khi tôi thích hát hơi "phô" một tí
"Đôi khi tôi thích hát hơi “phô” một tí, sai một tí, lôi thôi một tí, thế mới ra tôi dù được học bài bản. Nghệ thuật lắm lúc cũng kỳ thật: không chuẩn, không kỹ thì là không chuyên nghiệp, nhưng hoàn hảo quá thì lại dễ bị hiểu thành giả. Tốt nhất là cứ rèn luyện kỹ thuật, nhưng lúc hát thì quên hết đi, để cho mọi thứ thật tự nhiên", Khánh Linh tâm sự về phong cách biểu diễn của mình.
Một đêm mùa hè, mùa bóng đá của bảy năm về trước (France 1998), trong sự căng thẳng chờ đợi đến tức thở giữa hai trận đấu, thay vì việc phát đại một băng ca nhạc quốc tế cũ rích bất kỳ nào - như VTV vẫn làm hồi ấy, tự nhiên “nhà đài” ngẫu hứng chiêu đãi một bộ phim truyện hài VN mới toanh với cái tên “quê một cục”: Chuyện nhà Mộc.
Vậy mà đó là một phim hay mới lạ chứ! Lạ hơn nữa là phim hài nhưng bài hát trong phim quá sức dễ thương: giữa đêm chong mắt thức chờ bóng đá, chợt nghe giọng oanh vàng thánh thót “Quê hương chốn thanh bình - có bầu trời xanh thắm xanh - đồng lúa thẳng cánh cò bay lấp lánh cánh diều mơ ước tuổi thơ…” – hết phim mới biết là bài Cô Tấm ngày nay của Ngọc Châu.
Sáng tinh mơ hôm sau không kìm được, gọi điện hỏi han ông nhạc sĩ trẻ thì bị từ chối phũ phàng: “Em gái mình đấy nhưng mà nó còn bé lắm, đang đi học. Để cho nó yên đi. Bố mẹ mình cũng mong như thế đấy”.
Đấy là chuyện ngày xưa, phải kể lể dài dòng thế để thấy Khánh Linh bây giờ mới nổi đình nổi đám không phải do khả năng, cũng không phải cô nhát hay kém duyên với thị trường, chẳng qua vì… cả nhà không muốn.
Bây giờ Linh đã 23 tuổi, là sinh viên năm 3 khoa thanh nhạc của Nhạc viện Hà Nội (trung cấp cũng học thanh nhạc, còn sơ cấp thì cô học piano). Rất xinh xắn, tự nhiên và giản dị (tuy nhìn thật kỹ cũng phát hiện cô có trang điểm… một tí), Linh bé nhỏ khác hẳn vẻ “khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang” mỗi lần lên sân khấu và nhất là khi lên tivi.
Cô đang tập tiết mục mới cho chương trình “Nhật thực toàn phần” của Ngọc Đại vào hai tối 3 và 4-6 tại Nhà hát lớn Hà Nội. Khánh Linh phải hát 6/15 bài của chương trình, một khối lượng công việc không nhỏ. Nếu ai từng nghe, hiểu và thích nhạc Ngọc Đại mới hình dung hết lao động và niềm đam mê của Khánh Linh.
Giọng em là soprano, nhưng là soparno nhẹ và bay, hợp nhất và em cũng yêu thích nhất là hát nhạc cổ điển thính phòng, những bài như Ave Maria, nhưng chỉ thính phòng thôi, giọng em không đủ để hát opera chuẩn”- Linh nói giản dị và chính xác.
Tại sao chị lại “duyên nợ” với nhạc sĩ Ngọc Đại như vậy?
Vì thích, vì còn trẻ thì phải thử nhiều thứ, lao vào nhiều việc. Nói thật là nếu không được hát thính phòng thì tôi chỉ thích hát những gì thật cá tính, thật đặc biệt như nhạc của chú Đại. Mỗi lần tập, hát và biểu diễn, không chỉ tôi mà cả dàn nhạc và Tùng Dương đều có cảm xúc kỳ lạ, mãnh liệt. Tôi không biết diễn tả thế nào cho chính xác nhưng nó gần giống như hồi mới lớn, lần đầu tiên được anh Châu cho nghe Enigma vậy.
Khi tôi biểu diễn Nhật thực 2 ở TP HCM, có vị khán giả nước ngoài bày tỏ: “Tôi rất thích cô hát bài Tắm đêm, đó đích thực là âm nhạc không gian, nhưng cô theo đuổi loại nhạc này thì sẽ thiệt thòi lắm, vì theo tôi ở VN ít nhất 5, 6 năm nữa người ta mới hiểu và nghe nổi nhạc Ngọc Đại". Tôi chỉ cười thôi vì lúc nhận lời hát cho chú Đại, tôi biết chắc là mình hát để được hát, được chia sẻ không gian âm nhạc với nhạc sĩ và được làm cái mình thích, chứ vừa hát vừa tính toán thì ai hát nhạc Ngọc Đại làm gì.
Vậy nhưng chị cũng rất ngọt ngào và nữ tính qua những ca khúc của nhạc sĩ Dương Thụ. Yếu tố nào khiến chị hợp tác ăn ý với nhạc sĩ của những bản tình ca?
Vì nhạc của chú Thụ rất ngọt ngào và có nhiều quãng có thể làm giọng hát của tôi “bay” nhẹ nhàng và tự nhiên. Tôi sắp hát hai bài Để tôi lắng nghe và Hát ru cho anh (bài sau hát cùng Mỹ Linh và Lê Hiếu) trong chương trình Con đường âm nhạc thứ 2. Thú thật là tính tôi hơi tham, việc gì cũng muốn làm, nhưng tôi cũng có “gạch đầu dòng” từng việc rồi và việc nọ sẽ bổ sung cho việc kia.
Đôi khi tôi thích hát hơi “phô” một tí, sai một tí, lôi thôi một tí, thế mới ra tôi dù được học bài bản. Cái này chỉ có anh Châu hiểu, trong phòng thu đôi khi tôi cố tình hát sai, anh ấy vừa chỉnh nhưng lại vừa cười: "Linh hát thế này nghe lại hay hay". Nghệ thuật lắm lúc cũng kỳ thật: không chuẩn, không kỹ thì là không chuyên nghiệp, nhưng hoàn hảo quá thì lại dễ bị hiểu thành giả. Tốt nhất là cứ rèn luyện kỹ thuật, nhưng lúc hát thì quên hết đi, để cho mọi thứ thật tự nhiên.
Vậy album chung giữa Lê Minh Sơn và chị sao vẫn chưa được ra mắt?
Tôi mới hát nhạc anh Sơn có hai bài thôi: Chuồn chuồn ớt, hát thử và Mẹ mong đặt anh ấy viết. Dự định ra album chưa thành vì cả hai bận nhiều việc quá, chắc sau này tôi hiểu nhạc anh Sơn hơn thì thể nào cũng làm một album. Tôi thích ca sĩ tự tìm đến nhạc sĩ hơn là để nhạc sĩ đi tìm mình.
Vậy thì đến bao giờ, chị mới khai thác người nhà - nhạc sĩ Ngọc Châu?
Mấy năm nay anh Châu chuyên tâm làm phòng thu và làm nhạc phim nên ít xuất hiện và cũng ít tung ra bài mới, nhưng anh ấy vẫn viết và sẽ chỉ viết cho tôi hát thôi. Hai bài mới nhất là Điều không thể mất và Tạm biệt anh ấy dàn dựng cũng đã có hiệu ứng tích cực từ người nghe. Ở tuổi của anh Châu (Ngọc Châu sinh năm 1967) không thể sôi sùng sục vì cái mới được nữa, cần có thời gian nhìn lại mình để đi tiếp.
Theo Tuổi Trẻ