1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Khám phá cách uống rượu cần của người Ê-đê

(Dân trí) - Với người đồng bào Ê-đê, rượu cần có vai trò quan trọng trong sinh hoạt hàng ngày. Ở đâu có lễ hội, cưới hỏi, mừng thọ, tang ma, khách khứa, bầu bạn… ở đó có rượu cần.

Theo các già làng người Ê-đê, từ xa xưa trong các Trường ca, Anh hùng ca (Sử thi) như: Đam San, Xinh Nhã… rượu cần đã từng được nhắc đến khi tổ chức hội hè để mừng chiến công. Người Ê-đê hiện vẫn còn lưu truyền 2 câu thơ: “Có rượu cần mới biết được việc/ Có thuốc lá mới hỏi được câu” để nói lên tầm quan trọng của rượu cần trong cuộc sống hằng ngày. Ông Ama H’Nguôn - trưởng buôn Ako Dhong (TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) - bộc bạch: “Buôn tôi hầu như nhà nào cũng có rượu cần, rượu cần mà ngon là chôn dưới đất cả năm trời, ít nhất cũng khoảng 2 đến 3 tháng thì mới dùng được! Rượu cần đối với người đồng bào Ê-đê chúng tôi quan trọng lắm! Không thể thiếu được!”.

Khám phá cách uống rượu cần của người Ê-đê

Người đồng bào Ê-đê tại buôn Ea Anur (xã Pơng Drang, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk) khi sinh hoạt uống rượu cần.

Trong một năm người đồng bào Ê-đê có khá nhiều lễ hội: Lễ ăn cơm mới, lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ thổi tai em bé, lễ mừng thọ… Nhằm chuẩn bị cho mùa lễ hội, từ trước đó rất lâu người Ê-đê đã làm rượu cần chưng cất trong nhà, chỉ chờ đến mùa lễ hội là mang ra sử dụng. Ở các buôn người đồng bào Ê-đê hầu như gia đình nào cũng có rượu cần. Ít nhất cũng vài ché, vài hũ, thậm chí nhiều gia đình có hàng chục ché, hàng chục hũ là chuyện bình thường.

Điều đặc biệt ở người đồng bào Ê-đê là họ chỉ dùng duy nhất một ống trúc thông ruột, chiều dài khoảng một mét để uống. Rượu cần được uống trong không gian của ngôi nhà dài, cột bên một cây cọc ở trong nhà nhô lên khỏi sàn nhà khoảng một mét, trên đầu cây được trang trí hoa văn. Khi uống rượu, gia chủ mở nắp bỏ lớp lá đậy trên miệng, đổ đầy nước, để chừng một giờ đồng hồ cho rượu ngấm. Nước đổ vào ché là thứ nước suối trong veo, ngọt sắc, cực kỳ mát lành được lấy từ dòng nước đầu nguồn của buôn làng. Sau khi đọc lời cầu khấnthần (Yàng) mong muốn thần sẽ mang đến sức khỏe, may mắn, tốt lành. Nữ gia chủ là người uống đầu tiên, sau đó đưa cần trao cho khách. Thường thường khách đỡ lấy cần rượu bằng hai tay, một tay cầm đầu cần, một tay cầm phần thân cần sát miệng ché, từ từ vuốt dọc lên rồi uống. Cần rượu cứ thế được chuyền từ tay người này đến người khác, cho đến khi tàn cuộc vui.

Trong khi uống rượu cần, một người dùng sừng trâu có đục lỗ (hoặc dùng cái ca) rót nước vào ché, còn phía bên kia là người uống. Có điều người đồng bào Ê-đê không bao giờ uống rượu cần một mình. Nếu gia đình nào quý khách thì gia chủ sắp xếp một người nữ rót nước, còn bình thường mọi người đã quen biết nhau từ trước thì không bắt buộc người nữ là người rót nước. Điều đặc biệt khi uống rượu cần người uống không được phép từ chối và phải mời mọi người xung quanh như là cách để thể hiện phép lịch sự. Có một số buôn làng người Ê-đê, trước khi uống rượu cần, người uống phải rót ra các ống tre nhỏ (hoặc ly) để sẵn giữa nhà để mời mọi người xung quanh. Bao nhiêu rượu được rót vào ống tre (hoặc ly) nghĩa là người đó có bao nhiêu con cái. Điều này cũng có nghĩa là thay cho lời giới thiệu về gia đình, con cái của người uống.

Theo già làng Ama Bích (buôn Tring, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk), không gian uống rượu cần khi tiếp khách của người Ê-đê cũng tùy thuộc vào hoàn cảnh. Nếu là khách quý, khách là quan chức, có vai vế thì chủ nhà chọn nơi uống rượu là chỗ sang trọng nhất trong nhà, thường là chỗ rộng nhất trong ngôi nhà dài. Khi uống rượu cần không đơn giản chỉ có chủ nhà với người khách đến chơi, mà chủ nhà thường mời thêm hàng xóm, anh em, bà con láng giềng đến nhà cùng chung vui, uống rượu. Những người được mời đến bao giờ cũng mang theo nhiều ché rượu cần của gia đình mình để góp vui, chứ ít ai đi tay không…

“Rượu cần ngon là khi uống vào lưỡi có mùi cay, vị ngọt nồng nàn, nóng ấm râm ran! Có khi rượu cần ngon là uống vào trong miệng có vị lạt, một chút đắng….”, già làng Ama Bích tấm tắc nói.

Nói về cách uống rượu cần của người Ê-đê, ông Y Kô Niê - Phó phòng nghiệp vụ văn hóa - Sở Văn hóa - Thể Thao - Du lịch tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: “Sở dĩ người Ê-đê chỉ dùng một cần trúc khi uống là thể hiện sự thân mật, gần gũi. Điều đó cho thấy không hề có nghi vấn về bùa ngải, thuốc độc có trong rượu, tạo sự tin tưởng tuyệt đối cho mọi người khi uống rượu. Người Ê-đê rất kiêng cữ khi uống rượu cần mà thả cần giữa chừng, điều đó là mất lịch sự”.

Ông Y Kô Niê cho biết thêm, trong buôn làng người Ê-đê, rượu cần ở mỗi gia đình có một mùi vị đặc trưng riêng, có tác dụng khác nhau. Có gia đình rượu cần làm ra có vị chua, vị ngọt, vị đắng hoặc vị nhạt. Khi người đồng bào Ê-đê xếp từng ché rượu cần uống đại trà thì xếp theo từng vị của rượu theo thứ tự ngọt, chua, đắng, nhạt… các vị rượu này sẽ giải vị cho nhau, nên mọi người có thể vui chơi, uống rượu thâu đêm mà không say, sáng dậy không hề bị đau đầu.

Viết Hảo