Huy Tuấn: “Âm nhạc của Mùa len trâu mới xứng đáng được giải!”
(Dân trí) - “Phần âm nhạc Chuyện của Pao là sự ghép nối hai phần nhạc do hai nhạc sỹ viết. Âm nhạc của Dòng máu anh hùng chưa phải là một phần âm nhạc thống nhất. Âm nhạc của Mùa len trâu mới xứng đáng để trao giải”, nhạc sĩ Huy Tuấn chia sẻ sau LHP 15.
Được biết, anh Huy Tuấn có một vai diễn trong bộ phim Tết Em muốn làm người nổi tiếng (Hãng phim Hội Điện ảnh). Anh có thể kể một chút về vai diễn đầu tiên của mình?
Không có chuyện đấy! Chính xác hơn là tôi cũng được mời nhưng sau khi casting thì đoàn làm phim nói với tôi rằng, tôi hơi quá tuổi vì nhân vật trong phim khoảng 20 tuổi, mà tôi thì đã… 22 mất rồi nên những nhà làm phim đã… đuổi thẳng cổ tôi sau khi xem lại chứng minh thư nhân dân của tôi (cười). Rất may, nếu không thì chúng ta đã có một diễn viên đóng vai chính diện nhưng lại giống hệt một nhân vật phản diện đấy! (cười to).
Là một bộ phim đậm chất âm nhạc như Em muốn làm người nổi tiếng, hẳn âm nhạc trong phim phải đầu tư hơn, hoành tráng hơn những phim điện ảnh anh đã từng đảm nhận? Ấn tượng riêng của anh về phim?
Trước hết là phải khẳng định ngay rằng, không có chuyện hoành tráng gì hết, tôi chỉ hy vọng rằng, âm nhạc sẽ đúng tầm của bộ phim mà thôi, còn sự đầu tư thì đấy là trách nhiệm của tôi rồi. Phim nào cũng đầu tư như nhau, tôi luôn bắt đầu công việc của mình bằng thái độ như vậy. Em muốn làm người nổi tiếng là một bộ phim rất trẻ, đầy âm nhạc và quan trọng hơn là, nó được làm bởi những người có trách nhiệm và tâm huyết với điện ảnh.
Nhạc sỹ Huy Tuấn dường như ngày càng “bén duyên” hơn với Điện ảnh. Những bộ phim có phần âm nhạc do Huy Tuấn “xử lý”, ngày càng nhiều. Theo anh, đó là vì các nhà làm phim tin tưởng anh, hay do giá cát-sê anh đưa ra “mềm” hơn?
Thực ra, cát-sê dành cho âm nhạc trong phim ở ta (kể cả với các hãng phim tư nhân) vẫn còn rất “hẻo”, vẫn chỉ là lấy công làm lãi thôi. Điều đó chứng tỏ rằng, đối với điện ảnh Việt Nam, âm nhạc chưa được chú trọng đúng mức. Trong thành phần đoàn làm phim, nhạc sỹ bao giờ cũng là người cuối cùng được nghĩ tới, thậm chí có những phim đang làm hậu kỳ rồi mới bắt đầu đi mời nhạc sỹ. Phim có hình ảnh là tốt rồi, nhạc cũng chỉ gọi là có.
LHP 15 tại Nam Định vừa rồi, có khá nhiều phim tham gia đều do nhạc sỹ Huy Tuấn viết nhạc, như Sinh mệnh, 2 trong 1, Vũ điệu tử thần… Nhưng giải thưởng cho âm nhạc trong phim dường như vẫn là… “nốt nhạc” ngoài tầm tay với của anh?
Với những lý do như trên thì chắc chắn là tôi không sáng tác để dành giải thưởng rồi. Hơn nữa, ban giám khảo nào thì giải thưởng đấy. Phần lớn các bộ phim tôi tham gia là những bộ phim mang tính giải trí và hướng tới số đông khán giả. Bạn biết đấy, những bộ phim như vậy thường không bao giờ đúng “gu” với bất kỳ một ban giám khảo nào ở VN.
LHP 15 đã trao giải âm nhạc xuất sắc cho Chuyện của Pao và Dòng máu anh hùng, anh đã xem hai bộ phim này chưa? Theo anh, phần âm nhạc của hai bộ phim nhựa này có xứng đáng được vinh danh?
Tôi đã xem cả hai phim này. Phim Chuyện của Pao, phần âm nhạc hoàn toàn bị “động”, và không thể nói đó là một “gu” thống nhất được. Phần âm nhạc của Chuyện của Pao là sự ghép nối hai phần nhạc do hai nhạc sỹ khác nhau viết. Phần chỉnh sửa, ghép thêm vào lại được hơn phần chính.
Với Dòng máu anh hùng, thì quả thật là đúng tiêu chuẩn quốc tế. Âm thanh rất hay, âm nhạc nhiều chỗ đạt hiệu quả, những cũng chưa phải là một phần âm nhạc thống nhất vì sử dụng quá nhiều chất liệu khác nhau (có những chỗ có cả âm hưởng Tây Ban Nha). Âm nhạc của Mùa len trâu theo tôi, mới đáng để trao giải hơn cả. Âm nhạc của phim Áo lụa Hà Đông cũng rất tử tế!
Anh cũng biết, âm nhạc trong phim Việt chưa được chú trọng. Bởi thế, nhiều ý kiến cho rằng, trong cách xử lý âm nhạc trong phim cũng còn đơn giản, chưa nhiều sáng tạo và thiếu chuyên nghiệp. Anh Huy Tuấn là một đại diện của nhạc sỹ viết nhạc cho phim sẽ trả lời như thế nào về vấn đề này?
Trước hết, xin đính chính như sau, tôi là một trong những người viết nhạc phim thuộc thế hệ mới, cách nhìn và đánh giá về (âm nhạc) một bộ phim cũng hoàn toàn khác. Chúng ta cần phải hiểu rõ vấn đề này, đó là ở Việt Nam chưa có một ông nhạc sỹ nào được đào tạo bài bản về cách viết nhạc cho một bộ phim, nên không thể ăn to nói lớn được.
Nhạc phim đâu phải chỉ đơn thuần là thạo nghề khí nhạc và hay viết vài ca khúc. Khái niệm về một sounddesigner (đạo diễn âm thanh), là người sẽ lên kịch bản âm thanh và âm nhạc cho bộ phim, người ấy hoàn toàn chưa xuất hiện ở VN. Chúng tôi mới chỉ dừng lại ở mức tập tành thôi, còn phải học nhiều lắm, nếu như không muốn nói là phải học từ A- Z, nên cũng không thể đòi hòi quá nhiều vào lúc này. Khi chúng ta hiểu thực sự về công việc ấy mới có thể nói thêm về thế nào là nhạc phim hay, và thế nào là nhạc phim dở.
Gần đây, công chúng yêu nhạc có thể thấy, Huy Tuấn và Đức Trí góp sức lăng-xê cho sự nghiệp ca nhạc của “chân dài” Hồ Ngọc Hà. Có ý kiến cho rằng, dù được những nhạc sỹ tên tuổi như vậy giúp sức, nhưng cả Đức Trí và Huy Tuấn đều không… cứu vãn được chất giọng yếu, hơi yếu của Hồ Ngọc Hà. Anh nghĩ sao về ý kiến này?
Năm trước Hà đi hát và trở thành một trong những ca sỹ có thu nhập cao nhất. Điều đó cho thấy rằng, giọng hát hay chưa phải là tất cả, cái quan trọng là cách hát và thể loại âm nhạc gì, sức lôi cuốn sân khấu ra sao.
Với cá nhân anh, Hồ Ngọc Hà là một người đẹp hát, hay là một ca sỹ đẹp?
Vâng, chỉ là công việc, không có gì hơn.
Với lý do công việc, anh thường làm việc nhiều với các người đẹp, “chân dài”- vợ anh có ghen?
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình, nhưng vợ tôi hiểu công việc của tôi.
Bận rộn nhiều với công việc làm nhạc cho phim, anh có những dự định gì mới cho mình trong năm 2008?
Đúng là cả năm nay tôi chỉ loanh quanh với việc nhạc phim nên năm sau chắc tôi sẽ quay trở lại với các ca khúc, CD và những dự án âm nhạc khác. Hiện giờ thì tôi cũng chưa có thời gian để nghĩ đến năm mới nữa, vì còn phải hoàn thành hậu kỳ của phim Em muốn làm người nổi tiếng.
Hiền Hương