Hội thảo ICHCHAA 2022: Liên kết văn hóa - lịch sử và cải biên nghệ thuật
(Dân trí) - Hơn 47 nhà nghiên cứu khoa học, nhà làm phim, nhà thực hành nghệ thuật Việt Nam và quốc tế đã tham gia các phiên tham luận, phản biện trong khuôn khổ Hội thảo quốc tế ICHCHAA 2022.
Diễn ra từ ngày 26-27/11/2022 tại Trung tâm Quốc tế khoa học và giáo dục liên ngành (ICISE), Quy Nhơn, Bình Định, Hội thảo Quốc tế với chủ đề "Di sản văn hóa - lịch sử và cải biên nghệ thuật" ICHCHAA 2022 đã thu hút sự tham gia của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà làm phim, nhà thực hành nghệ thuật trong và ngoài nước.
Trong phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Tuấn Cường - Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm (VASS), Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, trưởng Ban nội dung Hội thảo, nhận định: "Thời gian qua, phim ảnh, nghệ thuật Việt Nam có xu hướng tiếp thu, cải biên chất liệu lịch sử - văn hóa đang được xã hội quan tâm. Tuy nhiên, các ngành nghệ thuật, văn hóa và lịch sử ở Việt Nam hiện vẫn hoạt động tương đối phân tách, việc xây dựng sản phẩm và kiến thức liên ngành còn nhiều khó khăn, thường được coi là trách nhiệm của các nhà nghiên cứu, không phải của các đơn vị làm nghệ thuật. Việc này đã tạo ra một khoảng trống cần được khỏa lấp. Hội thảo ICHCHAA 2022 được tổ chức nhằm thu hẹp khoảng trống này".
Với định hướng tiếp cận cả từ góc độ lý thuyết lẫn thực tiễn, tăng cường nhận thức về mối liên hệ giữa văn hóa, lịch sử với nghệ thuật, hội thảo đã nhận được 82 đề xuất ý tưởng và bài viết toàn văn đến từ các học giả thuộc các cơ sở nghiên cứu/đào tạo trong nước và quốc tế như GS Earl Jackson (Asia University, Đài Loan, Trung Quốc), GS Sun Laichen (California State University, Fullerton, USA), GS John Hutnyk (ĐH Tôn Đức Thắng), nghiên cứu sinh Nguyễn Vi Thủy (Umeå University, Thụy Điển), đạo diễn Phạm Nhuệ Giang…
Nội dung chính của hội thảo tập trung vào 32 tham luận được sắp xếp theo các nhóm chủ đề ở 3 Tiểu ban: "Tự sự (vi) lịch sử như là chất liệu điện ảnh - truyền hình", "Tiếp nhận, phê bình phim cải biên lịch sử và những kinh nghiệm thẩm mỹ" và "Sản xuất phim từ chất liệu lịch sử văn hóa trung đại: Những tiềm năng và thách thức".
Các diễn giả cũng đề xuất những chất liệu khả thi, hấp dẫn, đóng góp vào sự phát triển chung của điện ảnh, văn hóa, nghệ thuật qua các tham luận như "Hồi ký chiến trận của các nho tướng: Những tự sự (vi) lịch sử tiềm năng cho kịch bản phim chiến sử trung đại Việt Nam" (PGS.TS Nguyễn Thanh Tùng - ĐH Sư phạm Hà Nội), "Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua một số thư tịch và truyền thuyết" (TS Phạm Văn Ánh, Viện Văn học)… Bên cạnh đó, hội thảo ICHCHAA 2022 cũng cung cấp một không gian trưng bày những sản phẩm văn hóa, những sáng tạo trong quá trình thực hành và cải biên nghệ thuật từ chất liệu lịch sử - văn hóa truyền thống.
Bà Janet Ngo - Producer của dự án She-Kings, Giám đốc hội thảo ICHCHAA 2022 chia sẻ: "Tôi hy vọng hội thảo lần này là cơ hội để chúng ta cùng đặt ra những vấn đề, chất liệu còn mâu thuẫn, khó nắm bắt trong lịch sử, văn hóa; cùng khai phá, thảo luận và đưa ra những nhận định tường minh, định hướng về nghệ thuật, lịch sử và văn hóa cho các tác phẩm cải biên".
Từ ý tưởng về một không gian toàn diện cho các nhà chuyên môn và nhà thực hành nghệ thuật cùng thảo luận và trao đổi về chủ đề "Di sản văn hóa - lịch sử và cải biên nghệ thuật", hội thảo quốc tế ICHCHAA 2022 đã đặt nền móng cho việc tái sinh, ứng dụng các chất liệu truyền thống vào thực hành nghệ thuật, qua đó xúc tiến nhiều dự định hợp tác toàn diện nhằm phát triển văn hóa - nghệ thuật lành mạnh.