Hội ngộ đàn tranh lần 3: Ba thế hệ chung một bản đàn

(Dân trí) - Tiết mục tạo ấn tượng nhất trong chương trình là bản hòa tấu của 3 thế hệ trong câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương từ những em nhỏ 8 tuổi cho đến các cụ ngoài 70 tuổi.

Màn biểu diễn 3 thế hệ đàn tranh của CLB Tiếng Hát Quê Hương
Màn biểu diễn 3 thế hệ đàn tranh của CLB Tiếng Hát Quê Hương

Tiếp nối thành công của hai lần hội ngộ trước, đêm qua 21/9 tại Cung văn hóa Lao động TPHCM đêm Hội ngộ đàn tranh lần 3 đã chính thức diễn ra với 12 tiết mục đặc sắc. Mỗi một tiệt mục đều mang những nét đặc trưng khác nhau, phản ánh sắc màu văn hóa của mỗi vùng miền: Lưu thủy kim tiền xuân phong long hổ (nhạc cung đình Huế), Luyện 5 cung (chèo cổ), Song phi hồ điệp (nhạc tài tử miền Nam)…

Màn biểu diễn 3 thế hệ đàn tranh của CLB Tiếng Hát Quê Hương
Đặc biệt là có sự tham gia của 2 vị khách mời đến từ xứ sở “Mặt trời mọc” là bà Toshiko Nasage (chơi đàn koto) và con trai Kenzan Nasage (biểu diễn sáo Nhật Bản)

Tiết mục tạo ấn tượng nhất là bản hòa tấu của 3 thế hệ trong câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương từ những em nhỏ 8 tuổi cho đến các cụ gần 70 tuổi, cùng diễn trình bản Lưu thủy kim tiền xuân phong long hổ với sự kết hợp nhuần nhuyễn và cách thể hiện lối chơi độc đáo, đã sớm chiếm được cảm tình của khán giả ngay trong những phút đầu tiên. Để có được tiết mục hội tụ được cả 3 thế hệ, công việc tập dợt phải bắt đầu từ nhiều tháng trước, mỗi thành viên tự tập bài của mình, sau đó, tất cả cùng ngồi lại tập luyện cả tháng trước khi biểu diễn.

Câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương thành lập từ năm 1981 với tên gọi ban đầu là “Ban nhạc dân tộc” sau đó chuyển về Cung văn hóa lao động TPHCM với mục đích bảo tồn và phổ biến và phát triển ca múa nhạc dân tộc.

Bé Hải Minh, 8 tuổi, mơ ước sau này trở thành nghệ sĩ đàn tranh
Bé Hải Minh, 8 tuổi, mơ ước sau này trở thành nghệ sĩ đàn tranh

Hiện nay số lượng học viên đang theo học tại câu lạc bộ lên đến gần 100 người đủ mọi lứa tuổi. Bé Nguyễn Hải Minh, 8 tuổi, là thành viên nhỏ tuổi nhất kể lại: “Con rất thích học đàn tranh. Mới đầu học thì rất khó nhưng khi đã tập luyện quen rồi thì càng say mê hơn, con có thuận lợi là thường được mẹ cho di xem mẹ biểu diễn và mơ ước sau này trở thành nghệ sĩ đàn tranh”.

Còn nghệ sĩ Hồng Hải, 74 tuổi, hiện là người lớn tuổi nhất trong CLB chia sẻ: “Khi bắt đầu học đàn tôi đã ngoài 50 tuổi nên cũng gặp khó khăn trong tập luyện, nhưng vì yêu thích nên mình phải cố gắng, và tôi đã gắn bó với cây đàn tranh hơn 20 năm”.

GS Trần Văn Khê, thầy đỡ đầu của câu lạc bộ cho biết: “Bảo tồn vốn cổ mà không nệ cổ, phát triển cái mới mà không vay mượn bừa bãi bên ngoài, trong khi phát triển làm thế nào vẫn giữ được bản sắc dân tộc Việt Nam. Việc đó được thể hiện qua những chương trình mà Tiếng Hát Quê Hương thực hiện trong những năm gần đây”.

Gần 400 khán giả đã đến chật kín Hội trường A trong đêm Hội ngộ đàn tranh lần 3 là minh chứng cho việc âm nhạc dân tộc vẫn còn nhiều sức hút trong lòng công chúng. Đây là một tín hiệu đáng mừng, trong khi các thế hệ trẻ đang chạy theo các dòng nhạc mới thì vẫn còn không ít khán giả yêu mến các nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Và câu lạc bộ Tiếng Hát Quê Hương là một trong những đội ngũ kế thừa, dù không ồn ào nhưng âm nhạc dân tộc vẫn được nuôi dưỡng bởi tình yêu của các thể hệ nhỏ hơn.

Hồng Nhung - Hoàng Linh