1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Hiệp “gà” viết kịch bản cuộc đời mình trong trại giam

Sau mấy tháng ở trại, “danh hài lạc lối” có vẻ như thâm trầm hơn. Nhưng qua câu chuyện, Hiệp gà vẫn giữ được những tính cách “rổn rảng” ngày nào?

Trong chuyến công tác đến trại giam số 2 Công an Thành phố Hà Nội (trại Văn Hoà trên địa bàn huyện Thường Tín, Hà Tây), tình cờ phóng viên đã gặp phạm nhân Hiệp “gà”.

 

Hiệp “gà” bây giờ là... đầu bếp

 

Thượng tá Bùi Ngọc Bình - Phó giám thị trại giam số 2 nói: “Hiệp cải tạo rất tốt, có ý thức trách nhiệm với công việc, đặc biệt là gây được thiện cảm với những người xung quanh... nên chúng tôi đã cho cậu ấy vào cải tạo tại đội bếp. Nấu ăn cho hàng trăm phạm nhân là nhiệm vụ của Hiệp gà bây giờ”.

 

Vẫn điệu cười rất đặc trưng và lối nói chuyện hài hước, Hiệp làm rổn rảng cả khu vườn tĩnh mịch, cậu ấy dường như đã quên mất mình đang là  phạm...  Anh Bình nói: “Việc giữ Hiệp lại trại số 2, là anh định gây dựng phong trào văn nghệ, nhằm tăng cường tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa các can phạm ở đây”.

 

Hỏi Hiệp, thực hư chuyện này như thế nào, chuẩn bị đến đâu rồi? Hiệp cười bảo: “Tôi đang cố gắng để thành lập một đội văn nghệ để chuẩn bị cho lễ tổng kết cuối năm, phải đi tìm “tài năng” trong tù đây”. Việc này chắc là khó, tìm như thế nào được? Trại giam số 2 đặc thù chỉ là trại trung chuyển phạm nhân, số phạm nhân được ở lại trại cải tạo rất ít, Hiệp đi tìm những người có khả năng văn nghệ, bằng cách đi đến các đội trong phân trại, tìm ra một vài người có khả năng... nhưng việc này khó lắm đấy. Môi trường tù tội thì chắc bạn cũng biết, mỗi người 1 hoàn cảnh, nhìn chung là đều bi đát cả. Mình muốn tập hợp họ lại rất khó khăn. Hơn nữa mình lại là thằng tù, có nhiều khi thấy sường sượng thế nào ấy.

 

Nhiều đêm nằm nghĩ ngợi mãi, việc mình được giữ lại cải tạo ở trại giam Văn Hoà, chính là diễm phúc lớn cho mình trong hoàn cảnh này. Vợ dại, con thơ, đáng ra mình phải bị đưa đi cải tạo tận Nghệ An, hoặc Hà Tĩnh cơ. Vì thế nên phải làm gì để đền đáp công ơn của các “thầy” đã giữ mình ở lại, đặc biệt là “thầy” Bình.

 

Mình biết, vì “thầy” thương quý nên giữ lại thôi, chứ nhà mình chẳng có quen biết ai trong lĩnh vực này mà nhờ nhõi cả. Vào đây mới thấm thía, thì ra xưa nay người ngoài đồn đại về thế giới tù đã hơi quá lời. Hiệp cùng các phạm nhân khác được các thầy động viên, cố gắng cải tạo tốt để được về với gia đình sớm ngày nào hay ngày đó. Có nhiều hôm, đang đêm không tài nào ngủ được, Hiệp vùng dậy nghĩ cách, phải làm thế nào để gây dựng phong trào văn nghệ, đền đáp ân tình các thầy”?

 

Hiệp “gà” tuyển “nghệ sĩ” trong tù...

 

Hiệp kể về “hành trình” đi tìm những “nghệ sĩ bất đắc dĩ”, để thu nạp vào đội văn nghệ của mình bằng cách;  lân la đến với những tù nhân khác, cố gắng nói chuyện một cách hết sức tự nhiên với họ, rồi hát để họ hát theo mình, từ đó mình tinh ý nhận ra những người có khả năng, để sau đó thuyết phục họ tham gia phong trào.

 

Hiệp cười bảo: “Nếu mà được tuyển theo kiểu tập hợp các tù nhân lại, sau đó nói với họ  rằng: “Nào bây giờ các anh hát đi, biểu diễn đi, xem các anh có tài gì để tôi chọn... thì lại quá đơn giản”. Có những bạn tù khó tính lắm, mình không cẩn thận, làm “ngứa mắt” họ là mất đoàn kết ngay. Mà kể cũng buồn cười lắm cơ, có những bạn tù hát rất chi là ngộ nghĩnh, giọng hát ngang phè phè, nhưng lại biểu diễn thời trang rất khôi hài, làm cả bọn vừa biểu  diễn vừa cười sặc sụa... Sau những lúc như thế, buồng giam trở nên đầm ấm hơn”.

 

Cuộc trò chuyện đang vui bỗng trở nên buồn, khi Hiệp “gà” kể cho tôi nghe về 1 bài hát, mà Hiệp sáng tác dựa trên bản phối bài “Tình em đại dương” của nghệ sĩ Duy Mạnh. Bài hát này được Hiệp “gà” đặt tên là “Phút sám hối”. Hiệp bảo với tôi: “Trong bối cảnh này, tôi không thể hát cho bạn nghe được. Thôi thì Hiệp sẽ  đọc để bạn chép lại nhé!

 

Ngày xưa lúc tôi tự do, vì trót đam mê chất trắng, đã sa chân lỡ bước, tìm vui trong làn khói thuốc phiện. Chiều nay cũng như mọi khi, một mình tôi ra nơi ấy, chích hút, phê pha... Rồi công an ập đến bắt tôi giam cứu hoả lò. Ngày tôi bước vô buồng giam, cuộc sống quanh tôi thiếu thốn, sáng ăn cơm muối trắng, chiều ăn cơm lại có muối vừng. Giờ tôi xót thương đời trai, vì sao khi xưa trót lỡ, lạc bước lầm lỗi, để giờ đây tôi phải xa em, xa cả gia đình. Hà Nội mênh mông hỡi giờ em ở đâu? Hồ Gươm trong xanh hỡi có thấy bóng em? Giờ mang thân nhọc kiếp tù đầy, mong em sống yên vui, mẹ cha thân yêu hỡi xin hãy thứ tha! Và cho con tình thương bao la ấm nồng.

 

Hiệp bảo: “Trong những giây phút buồn tủi, ân hận đến cực cùng thì tôi đã vô thức mà hát lên những lời như thế. Và tôi đã vừa khóc tu tu, vừa hát lên. Rồi bài hát trở nên quen thuộc với các anh em tù nhân trong trại giam số 1, vì khi đó tôi vẫn đang bị giam trong quá trình chờ đưa ra toà xét xử. Mỗi khi sinh hoạt văn nghệ anh em tù yêu cầu tôi hát lại, thế mà vẫn bị khóc giống y như cảm giác ban đầu ấy”….

 

Theo Gia Đình & Xã Hội

Dòng sự kiện: Hiệp "gà"