Bố mẹ Hiệp "gà" mong con trai cố gắng cai nghiện
(Dân trí) - “Nếu nó vượt qua được khó khăn này, gia đình sẽ rất mừng. Cô nói với nó hộ tôi, cả nhà mong nó cai nghiện. Cũng qua đây, gia đình tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền, và mong khán giả hãy tha thứ cho thằng Hiệp con trai của chúng tôi”…
Chỉ cần đến giáp địa phận huyện Kim Động (tỉnh Hưng Yên) hỏi thăm tới nhà Hiệp “gà” ai cũng biết. Theo lời chỉ dẫn của chị bán thịt lợn thôn Tiên Cầu - xã Hiệp Cường, tôi vòng qua những con đường làng quanh co, rẽ vào ngôi nhà của bố mẹ diễn viên Dương Đức Hiệp.
Căn nhà cấp bốn mới sửa lại. Đôi vợ chồng đã có tuổi ngồi trầm uất trên chiếc ghế sờn rách phía bóng tối căn phòng, lặng lẽ. Có đứa trẻ khoảng một tuổi ngủ say trên tay bà. Nghe tiếng tôi hỏi, người vợ thảng thốt chạy ra, đưa tay sửa cổ áo nhàu nhĩ, giọng u buồn “Vâng, tôi là mẹ cháu Hiệp…”.
Hai vợ chồng nhìn tôi dò hỏi: “Cháu ở chỗ vợ thằng Hiệp phải không? Bao giờ nó về? Thấy nó bảo vẫn quanh quẩn trên đấy xem thằng Hiệp thế nào để thăm nom…”.
Khi tôi giới thiệu mình là phóng viên, hai vợ chồng già ngồi lặng trên ghế, mắt đã rớm lệ. Và khi tôi mới chỉ kịp cất lời nói về Hiệp thì đôi vợ chồng nghèo đã bật lên khóc nức nở…
Ông Dương Đức Hiền (bố của Hiệp) xưa là một người lính từng xông pha chiến trận B2 tại miền Nam từ năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang vào giai đoạn ác liệt. Năm 1975, hòa bình lập lại, ông Hiệp là thương binh bị mất 60% sức khỏe. Ông trở về quê hương tham gia làm cán bộ xã. Ông cưới bà Trịnh Thị Mơ- một cô gái thôn quê đảm đang làm vợ. Và năm 1977, hai ông bà sinh con trai đầu lòng, đó là Dương Đức Hiệp.
Gia cảnh nghèo khổ, hai ông bà lam lũ nuôi con. Bà Mơ kể, hai ông bà sinh ra là con nhà nghèo, cho đến bây giờ vẫn nghèo, nợ lãi ngân hàng còn hàng trăm triệu mà không biết làm cách nào trả nổi.
Ba anh em Dương Đức Hiệp từ nhỏ đã sống trong nghèo khó, nhọc nhằn. Gia đình làm đủ mọi việc để chạy ăn từng bữa. Ba anh em Hiệp thay nhau đánh dậm, chăn bò, thả trâu, nuôi tằm, cày cấy… Hai vợ chồng ông Hiền trồng đu đủ, trồng rau mang ra chợ bán. Sáng sớm đến đêm khuya cả nhà tối mặt tối mũi với ruộng vườn rau cỏ.
Cho đến năm, ba anh em Hiệp đi học. Thương các con, hai ông bà rau cháo qua ngày dành dụm cho các con học hành đầy đủ, bằng bạn bằng bè. Nhưng, số tiền có được ngày càng ít ỏi, ông Hiền quyết định vay lãi ngân hàng lấy tiền cho con ăn học.
Năm 1993, xã mua lại ruộng để làm đường. Cả nhà có mười sào ruộng, được xã đền bù 70 triệu, trả được ngân hàng một ít, xây lại căn nhà một chút là hết sạch. Từ đây, ruộng không còn để làm. Cuộc sống càng khó khăn hơn. Mấy năm sau, ông Hiền do một lần đi can ngăn đánh nhau giữa hai làng tranh chấp nước, ông bị trai làng bên đánh đến thương tật.
Ngồi tiếp chúng tôi, ông Hiền cứ ngơ ngẩn, nhắc đến tên Hiệp là ông chảy nước mắt, nói câu trước ông lại quên câu sau. Có một câu chuyện về Hiệp khi hai tuổi bị ốm nặng suýt mất mà ông cứ ngồi kể đi kể lại mãi…
Bà Mơ kể, khi Hiệp hai tuổi, có ông thầy bói nói, lớn lên Hiệp sẽ mắc một căn bệnh nặng, không khéo mà mất cả sinh mạng. Năm 13 tuổi, tự nhiên Hiệp mắc bệnh lạ. Người làng gọi là bệnh ma làm. Cứ bảy giờ tối, là chân tay Hiệp lạnh toát, sùi bọt mép kêu la. Cứ đúng bảy giờ tối là Hiệp lại… lên cơn. Đưa tay, đưa chân chỉ ma đứng khắp nhà… Bà Mơ khẳng định: “Gia đình tôi không mê tín dị đoan. Cả làng hồi ấy còn đến tận nhà tôi xem, về nhà ai cũng đóng cửa không dám ra ngoài buổi tối. Chuyện thằng Hiệp bị ma làm, cả làng ai cũng còn nhớ, nếu không tin cô cứ hỏi!”. Sau đó, có người về chữa được bệnh cho Hiệp, và người ta bảo, Hiệp phải đi làm ăn xa nhà bố mẹ mới đỡ khổ!
“Con mới chả cái, đường quang không đi lại đâm quàng vào bụi rậm. Không hiểu nó nghĩ thế nào mà làm thế. Thấy con vẫn gửi tiền, tháng thì 500 ngàn, tháng thì một triệu, thấy nó vẫn nuôi em ăn học, tôi có ngờ đâu…”.
"Tết vừa rồi, tôi thấy thằng Hiệp về nhà dáng vẻ mệt mỏi, bơ phờ. Tôi có tra hỏi, nó cũng thú thật là nó dính nghiện mất rồi. Nhưng nó khẳng định với tôi là nó chỉ nghiện nhẹ. Rồi nó sẽ thu xếp đi cai...". “Đã có lần, gia đình tôi lên Hà Nội, anh em trói tay trói chân nó vào không cho hút hít nữa. Nhưng nó có chừa được đâu! Tôi bắt nó về nhà, nó bảo, về nhà thì con chết đói!”, bà Mơ ngập ngừng kể.
“Hôm nhận tin thằng Hiệp bị bắt mà vợ chồng tôi rụng rời, đau đớn lắm chứ cô!”. Lấy vạt áo lau nước mắt, bà Mơ đưa tay chỉ chồng, giọng nghèn nghẹn.
“Mấy hôm nay, ông nhà tôi lại tái phát bệnh cũ, chứng tâm thần để lại từ sau trận bị đánh. Ông ấy thường xuyên mất trí không nhớ được gì. Còn tôi thì không tài nào ngủ nổi. Cứ mong ngóng muốn lên thăm con, mà sợ không được vào gặp. Vợ thằng Hiệp gọi điện về nhắn, nó sẽ quanh quẩn ở trên ấy chăm chồng. Nó cũng khóc ghê lắm. Tội nghiệp, bây giờ một mình nó vừa nuôi con nhỏ, vừa thăm chồng”.
Đứa trẻ nằm trong lòng bà thức dậy quấy khóc khiến câu chuyện của người mẹ già bị đứt quãng. Bà Mơ vừa ru cháu vừa nói với chúng tôi đó là con người em thứ hai của Hiệp. “Hồi thằng Hiệp đóng Gặp nhau cuối tuần, cả nhà tôi đúng là nở mày nở mặt bao nhiêu bây giờ cay đắng vì con bấy nhiêu”...
Nghĩ không nên phiền ông bà thêm, tôi đứng dậy xin phép ra về. Chia tay tôi, bố mẹ Hiệp nhắn đi nhắn lại: “Nhờ cô, cô nói với thằng Hiệp nhà tôi, bây giờ nhất định phải cai nghiện. Bị bắt như thế cũng có cái may, chính quyền sẽ bắt nó cai được nghiện. Nếu nó vượt qua được khó khăn này, gia đình sẽ rất mừng. Cô nói với nó hộ tôi, cả nhà mong nó cai nghiện. Cũng qua đây, gia đình tôi xin cảm ơn các cấp chính quyền, và mong khán giả tha thứ cho thằng Hiệp”.
Ngày mai, tôi sẽ đến trại giam xin được gặp Hiệp để chuyển những lời này…
Hiền Hương - Thục Nhi