Hiện tượng Đức Tuấn

2005 có thể xem là năm của Đức Tuấn khi anh liên tục xuất hiện trong nhiều chương trình lớn. Ngẫu nhiên, Đức Tuấn trở thành một hiện tượng, tuy nhỏ thôi và không gây được sự chú ý tập trung, nhưng vẫn là một hiện tượng có tiềm năng tiến xa và dài hơi.

Cái tên Đức Tuấn đến nay đã khá quen thuộc với công chúng phía Nam sau 5 năm đi hát. Đoạt giải nhất Tiếng hát Truyền hình Tp.HCM năm 2000,chàng sinh viên ĐH Ngoại thương 20 tuổi bước lên sân khấu ca nhạc, từng bước khẳng định mình qua giọng hát ấm và đẹp, qua cách lựa chọn ca khúc có phần bản lĩnh: chỉ hát những gì mình thích. Có lẽ vì vậy mà Tuấn không sớm nổi lên thành sao như nhiều ca sĩ trẻ biết chiều lòng khán giả. Hơn nữa, anh chưa biết cách trau chuốt ngoại hình cho bắt mắt dù rất có lợi thế.

Album đầu tay Anh Yêu Em phát hành tháng 6 năm ngoái được đánh giá cao về chất lượng âm nhạc cũng không bán chạy do khâu PR yếu… Biết vậy, nhưng do bản tính bướng bỉnh, Tuấn cứ từ từ mà đi như thế.

Tuấn yêu thích thể loại nhạc tiền chiến từ hồi còn nhỏ, thẩm thấu những giai điệu hay, lời ca đẹp mà bố mẹ nghe hàng ngày. Khi mới đi hát, Tuấn tự biết tuổi đời, tuổi nghề chưa đủ độ chín để có thể truyền tải vẻ đẹp của những ca khúc ấy đến với khán giả nên chỉ chọn biểu diễn các bài hát trữ tình mới. Đến lúc cộng tác với phòng trà ATB của ca sĩ Ánh Tuyết, thể hiện nhiều và được người nghe, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng như bà chủ phòng trà khó tính đánh giá tốt với những ca khúc Phạm Đình Chương, Nguyễn Ánh 9, Tuấn mới bắt đầu tự tin hơn vào khả năng của mình.

Cho đến nay, trong dòng nhạc tiền chiến trữ tình, ngoài một “tượng đài” Tuấn Ngọc sừng sững, còn có các giọng nam Quang Dũng, Quang Minh, Đức Minh, Xuân Phú, Thụy Long… chia nhau thể hiện. Đức Tuấn không ngại, anh không sợ bị so sánh với ai mà tự tin rằng cách hát của mình không giống các anh chị đi trước. Tuấn hát nhạc cũ theo cảm nhận của một người trẻ thế kỷ 21, tất nhiên có người thích, người không thích, nhưng anh khẳng định: “Sẽ cố gắng trở thành giọng hát trẻ thành công với dòng nhạc cũ”.

 

Hiện tượng Đức Tuấn - 1
 

 

Với Đức Tuấn, ý nghĩ chỉ có người xưa/người lớn mới hát hay dòng nhạc tiền chiến trữ tình là không đúng. Các nhạc sĩ khi sáng tác những bài hát ấy cũng là những chàng trai ở tuổi thanh xuân mà, tại sao lại cho rằng đó là nhạc ... già? Vì vậy, Tuấn muốn đưa hơi thở thanh xuân vào dòng nhạc vốn đòi hỏi cao về người hát này. Tuấn cũng tự tin rằng mình ổn về kỹ thuật thanh nhạc sau nhiều năm luyện tạp với thầy là NSƯT Tạ Minh Tâm.

Đến nay, gần mười đêm nhạc riêng của Tuấn đã diễn ra thành công tại phòng trà Đồng Dao nhằm giới thiệu chính thức đến công chúng một nam ca sĩ trẻ Đức Tuấn chững chạc trong dòng nhạc tiền chiến trước khi hai album hát nhạc tiền chiến của anh lần lượt ra mắt (một là album nhạc Phạm Đình Chương vừa phát hành, kế tiếp đến album chủ đề mùa thu). Những ca khúc tưởng như đã già đi theo thời gian, nay lại trỗi lên nồng nàn, khao khát và tươi mới hơn qua giọng hát trẻ trung của Đức Tuấn.

2005 có thể xem là năm của Đức Tuấn khi anh liên tục xuất hiện trong nhiều chương trình lớn, từ đêm nhạc Thanh Tùng cho đến Đêm Thần Thoại nhạc Trịnh và trở nên… đắt show dù dòng nhạc anh hát chỉ tập trung vào một số đối tượng khán giả nhất định. Ngẫu nhiên, Đức Tuấn trở thành một hiện tượng, tuy nhỏ thôi và không gây được sự chú ý tập trung, nhưng vẫn là một hiện tượng có tiềm năng tiến xa và dài hơi trong thời buổi xuất hiện nhiều hiện tượng: “sao” - một ca khúc, “sao” - trong vài tháng... này.

Quyết tâm theo đuổi dòng nhạc trữ tình tiền chiến và bán cổ điển cũng biến Tuấn trở thành một hiện tượng hiếm hoi trong giới ca sĩ trẻ. Anh có thể bị chê là lạc hậu, là quê mùa, nhưng mặt khác, những gì hiếm hoi lại dễ trở nên quý báu, nhất là khi nó có giá trị nhất định. Tuy nhiên, để một hiện tượng (mang tính nhất thời) trở nên một cái tên có chỗ đứng vững chắc, Đức Tuấn cần phải nỗ lực nhiều. Trước mắt, hãy cùng đợi album chủ đề mùa thu của anh, rồi sau đó sẽ là album Phạm Đức Tuấn hát nhạc Phạm Duy do Phương Nam Film sản xuất, thêm một album Đức Tuấn hát nhạc Quốc Bảo nữa do chính anh thực hiện.

 Theo Giaidieuxanh