“Giáo sư Xoay” kể về “tuổi thơ dữ dội”
(Dân trí) - “Mình chỉ có một… tá tài lẻ: vẽ vời, chơi ghi ta và đặc biệt là tài… bẻ khóa.” Đó là những lời mở đầu cho một tuổi thơ thực sự “dữ dội” của “Giáo sư Xoay”. Gần như mọi “chiến tích” nghịch ngợm tuổi học trò “giáo sư” đều đã trải qua hết.
Học Kỹ sư nông nghiệp, làm Phó ban đoàn thể của một tập đoàn lớn, chuyên môn và công việc của “Giáo sư Xoay” hầu như không liên quan gì đến nhau và càng không liên quan gì đến showbiz nhưng anh vẫn bước vào cuộc chơi với tâm thế rất hiên ngang của một người ‘không được ăn học gì về nghệ thuật’. Khán giả truyền hình nhớ đến anh như một vị “giáo sư” hóm hỉnh nhưng thâm thúy. Nhân viên tập đoàn nhớ đến anh như một Bí thư Đoàn thanh niên sôi nổi và đầy nhiệt huyết. Thế nhưng bạn bè và thầy cô ở cả 3 cấp học thì chỉ nhớ đến một cậu học trò nổi… tai tiếng với những trò đùa nghịch đủ cả 12 năm!
Với phương châm “Làm như chơi, chơi như làm”, ngoài công việc chính được anh diễn tả trên trang cá nhân là “(Họp - Uống trà - Đi vệ sinh) x n lần”, việc làm thêm của “giáo sư Xoay” chính là viết kịch bản cho rất các chương trình hài kịch và mới đây nhất là tham gia Cặp đôi hoàn hảo.
Nói về cuộc thi đang rất được dư luận chú ý này, anh vẫn hay thắc mắc “Sao mình hát dở thế mà vẫn còn trụ được tới tận bây giờ nhỉ?” Có lẽ, đó là nhờ nét duyên và sự bình dân không dễ mấy nghệ sĩ có được. Các cụ mê “bác Xoay” vì “bác” đối đáp quá ư hài hước và thâm thúy, còn các em 9X khoái “bác” vì cái vẻ hiền hiền, khờ khờ và nói theo giám khảo Lê Hoàng là “thích gì hát nấy”.
Sau mấy vòng bay đi bay về giữa Hà Nội – Sài Gòn, “giáo sư” đã có thêm những người bạn mới từ mảnh đất miền Nam quanh năm nắng gió. Những người bạn nghệ sĩ trong Cặp đôi hoàn hảo ngày nào cũng gọi điện hối “giáo sư” bay vào Nam tập sớm, còn các sếp ngoài Bắc thì lại hối đồng chí Bùi Tiến Dũng bay về sớm để đi làm.
Thời gian gần đây lịch trình của Đinh Tiến Dũng khá bận rộn, đêm thứ Bảy làm “giáo sư”, Chủ Nhật làm ca sĩ, đến sáng thứ Hai lại là cán bộ Đoàn thể. Cuộc sống của Cù Trọng Xoay – Đinh Tiến Dũng luôn đầy ắp thú vị với những vòng xoay này.
Không muốn xoáy vào Cặp đôi hoàn hảo vì sợ nói một hồi sẽ làm ban giám khảo hối hận vì… chưa cho mình rớt, “giáo sư” bèn dụ Dân Trí đổi đề tài. Hỏi “giáo sư” ngoài viết lách và diễn xuất còn tài lẻ gì đặc biệt không, Cù Trọng Xoay hí hửng khoe:
“Mình chỉ có một, mà là một… tá tài lẻ: vẽ vời, chơi ghi ta và đặc biệt là tài… bẻ khóa.” Toàn bộ tài lẻ này được phát hiện và phát huy từ thời đi học. Hồi bé bố anh nghĩ anh có khiếu hội hoạ vì thấy con hay... vẽ bậy nên cho anh đi học vẽ. Lên đại học, anh đi tìm người chơi ghi ta để học lóm, đến nay gia tài đàn của anh đã có đến 5 chiếc, tính cả những chiếc đã đem cho trong cơn say!
Còn về tài bẻ khóa là cả một câu chuyện khá ly kỳ. Hồi lớp 7 lớp 8, chớm bước sang cái tuổi ẩm ương, lũ trẻ ranh xóm anh Xoay bắt đầu nổi máu yên hùng. Mỗi chú phải “phò” một đại ca có máu mặt nào đó để “lấy số lấy má”. Cậu bé Đinh Tiến Dũng thì theo băng của Thạch Đại nhân - chuyên phá khóa, thế nên từ đại ca cho đến đàn em đều có niềm đam mê phá khóa, từ khóa cửa, khóa dây cho đến khóa quần khóa áo, thấy là phá tất.
Thời thơ ấu nông nổi đi qua, nhưng cái “nghề” này vẫn theo anh lên đại học và cũng có ích lắm. Giáo sư vuốt râu nhớ lại: “Đang đêm, sinh viên ốm đau đi cấp cứu, chả cần phải đi gọi cán bộ cho lâu, mình rút khóa hòm ra mở cái một. Cần chỗ nhậu nhẹt kín đáo, thoáng mát, lên ngay nóc ký túc mở cái cạch…”
Nghe đến đây, chắc hẳn bạn đọc sẽ phát hoảng vì “tuổi thơ dữ dội” của vị giáo sư khả kính này. Vâng, Cù Trọng Xoay để râu, mặc vest khi lên sóng trông bác học là thế, nhưng Đinh Tiến Dũng của 12 năm đi học thì “nổi loạn” đủ cả 12 năm. Thành tích nghịch ngợm của “bác Xoay” thì nhiều vô số kể.
Có thể kể ra một số “chiến tích” thuở học trò của “giáo sư Xoay” như sau: Năm lớp 2 cậu học trò Dũng bị ngã lao đầu vào bậc thềm, đầu vỡ toác một miếng, phải khâu đến 8 mũi. Năm lớp 5, cậu chàng đập vỡ nguyên cả cái cửa kính lớp, bị áp giải lên văn phòng và lãnh mấy roi vào mông. Năm cấp 3 thì hoành tráng thôi rồi. Mang tiếng là Bí thư lớp nhưng Đinh Tiến Dũng chuyên môn rủ lớp cúp học chơi đá bóng. Bị thầy Đình triệu tập phụ huynh tới, anh chàng đi thuê một bác bán rau đóng giả phụ huynh lên gặp thầy. Run rủi thế nào, mẹ anh chính là con nuôi của mẹ vợ thầy. Thầy vẫn tỉnh bơ gặp “phụ huynh” của anh. Rồi về lớp bảo đúng một câu: “Mai ông bảo mẹ... thật của ông lên đây”. Đó chỉ là vài câu chuyện trong số rất nhiều “tai nạn nghề nghiệp” của cậu học sinh Đinh Tiến Dũng thời bé.
Nhưng sự thật về “tuổi thơ dữ dội” ấy vẫn chưa “gây sốc” bằng sự thật này: ông “giáo sư” khả kính thật ra chỉ mới… 31 tuổi và vẫn còn đang hẹn hò! “Giáo sư” vẫn được các đồng nghiệp trong công ty đánh giá cao vì trông lù đù nhưng vớ được cô người yêu rõ xinh.
Trong tuần thi trước, giáo sư khiến khán giả cười ngất khi hóa thân thành một tay chơi nông dân cầm ghi ta điện đi tán gái. Trước đó, anh từng chia sẻ bí kíp cưa cẩm: “Ánh mắt tán gái nguy hiểm nhất là ánh mắt chân thành nhất.” Cứ ngỡ “giáo sư” nhà ta thời trai trẻ cũng thuộc hàng cao thủ sát gái, thế nhưng Cù Trọng Xoay lại lắc đầu nguầy nguậy: “Tôi tán gái dở lắm!”.
Chả là thời cấp 3, anh có đem lòng yêu một cô bạn cùng lớp. Thế nhưng không rõ tán tỉnh kiểu gì, nàng không đổ anh mà lại đi đổ… thằng bạn thân của anh. Đến giờ cặp này đã thành vợ chồng. Thỉnh thoảng đi họp lớp gặp lại nhau, bạn bè anh lôi chuyện này ra trêu chọc mãi.
Đến nay, mặc dù ít có dịp gặp lại bạn bè cũ, Cù Trọng Xoay vẫn giữ thói quen vào xài mạng xã hội để cập nhận tin tức bạn bè, có khi còn rủ bạn vào ôn lại kỉ niệm trường xưa lớp cũ ở một “hot topic” nào đó do anh viết. Thời đại số đã xích lại gần hơn những khoảng cách, nhưng Cù Trọng Xoay tự hào vì tình bạn không có khoảng cách của lớp mình.
Nghĩ lại, giáo sư Cù Trọng Xoay vẫn thấy mình may mắn. “Vì nếu không được các thầy cô giơ cao đánh khẽ, và được bạn bè dung thứ (bao gồm cả dung túng và tha thứ) cho những trò nghịch của mình thì có lẽ tôi đã khó lòng rời khỏi trường một cách êm đẹp thế này. Và biết đâu khi ấy sẽ không có một Cù Trọng Xoay chọc khán giả cười mỗi cuối tuần, mà thay vào đó là sự xuất hiện của một đại ca khét tiếng nào đó thì sao?” Vị “giáo sư bình dân của ĐH Bôn ba” cười lớn.
Hà Phan