"Gia đình có bốn chị em gái" bật mí về khủng hoảng trong gia đình hiện đại
(Dân trí) - Với hơn 600 trang và 24 chương, "Gia đình có bốn chị em gái" của Phạm Thị Bích Thủy gây bất ngờ bởi phơi bày tật xấu trong gia đình người Việt.
Mới đây, tọa đàm về tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái được tổ chức tại Hà Nội. Cuốn sách xoay quanh bốn chị em gái Thương, Ái, An, Yên - tứ nữ của vợ chồng ông giáo Bình.
Trong tiểu thuyết, Phạm Thị Bích Thủy đã kể về quá trình bi kịch hóa của một gia đình, vốn vô cùng tốt đẹp từ cái tên của mỗi thành viên, nhưng sâu thẳm cũng có những thói xấu, tệ nạn và cả sự ghen ghét, mâu thuẫn nhau.
Chia sẻ về cuốn sách, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói, cuốn sách dày hơn 600 trang đặt ra vấn đề lớn trong gia đình hiện đại. Ở đó có những điều tốt đẹp, nhưng cũng có nhiều sự ích kỷ, hủ lậu, mưu mô...
"Bốn chị em gái đại diện cho bốn cách nhìn khác nhau về thế giới. Càng đọc càng thấy sự kinh hoàng trong đời sống. Là một độc giả, tôi thấy chính mình từng đi qua những cung bậc cảm xúc đó. Tác phẩm như vừa đe dọa, vừa cảnh báo chúng ta sống tốt hơn...", Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam nhận xét.
Trong khi đó, PGS.TS. Phạm Xuân Thạch (Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội) gọi Gia đình có bốn chị em gái là tiểu thuyết về sự tan rã của một gia đình.
Trong đó, 4 thành viên cùng trải qua sự khốn cùng và nghèo khó và cuối cùng, giấc mơ về sự phồn vinh được xây dựng theo những cách khác nhau nhưng cách nào cũng không kém phần cay đắng.
"Phạm Thị Bích Thủy dựng một bản giao hưởng nối tiếp nhau của sự tha hóa. Người ta sẽ tìm thấy mọi vấn đề căn cốt của xã hội Việt Nam trong cuốn sách. Nhưng tiểu thuyết sẽ hay hơn nếu được lượt bỏ một số trang để bớt rườm rà. Theo tôi, đoạn kết tác phẩm vẫn còn... non tay", PGS.TS. Phạm Xuân Thạch thẳng thắn.
Tuy nhiên, ông Thạch bật mí, cuốn tiểu thuyết này vẫn được ông đề cử trao Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay.
Còn nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho rằng, Gia đình có bốn chị em gái là cuốn tiểu thuyết mà tác giả đã vượt lên số phận cá nhân, để đặt mình vào sự quan tâm đến số đông cộng đồng.
Ông Hoài Nam cũng cho rằng, tác giả có cách viết chân phương và có sự quan sát tinh tế về đời sống.
"Bích Thủy viết không phải đi tìm câu trả lời mà là liên tục tra vấn cái thế giới đầy những đổ vỡ và khủng hoảng này để thỏa mãn mình", nhà phê bình Nguyễn Hoài Nam cho biết.
Nhà văn Phạm Thị Bích Thủy (SN 1964), từng là giảng viên Văn học Nga tại Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) giai đoạn 1986-2000.
Từ năm 2000 đến nay, bà làm việc cho các tổ chức quốc tế và tập đoàn đa quốc gia, từng đoạt Giải nhì cuộc thi viết truyện ngắn 2016-2017 (không có giải nhất) do quỹ Nhà văn Lê Lựu tổ chức.
Các tác phẩm đã xuất bản của Phạm Thị Bích Thủy gồm: Tập truyện ngắn Chạy trốn (2013), tiểu thuyết Đồi cát bay (2014), tiểu thuyết Tiếng sáo lạc (2015), tiểu thuyết Đáy giếng (2015), tập truyện ngắn Zero (2017) và tiểu thuyết Gia đình có bốn chị em gái (2024).