Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần I chuẩn bị khai mạc
(Dân trí)- Ngày 13/11, Ban tổ chức Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL lần thứ nhất- cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị cho lễ hội đã hoàn tất, chỉ còn chờ đợi đến giờ khai mạc.
Theo ghi nhận của PV Dân trí, công tác trang trí đón chào lễ hội đã hoàn thành với nhiều màu sắc đẹp mắt phong phú. Do các hoạt động của lễ hội diễn ra chủ yếu trong nội ô TP Sóc Trăng (tỉnh Sóc Trăng) nên không khí Festival trong trung tâm TP mấy ngày nay rất sôi nổi.
Tiếp xúc với PV Dân trí, nhiều người dân Sóc Trăng chia sẻ, dù năm nào đến ngày lễ Óc-om-bok (lễ cúng trăng) của đồng bào Khmer ở Sóc Trăng cũng diễn ra đua ghe ngo nhưng năm nay không khí có phần náo nhiệt hơn bởi lễ hội được nâng lên tầm quốc gia nên bà con ai cũng vui mừng chờ đón.
Tại 2 điểm vào nội ô TP Sóc Trăng, ban tổ chức cho trang trí hai bảng chữ to tướng “Fesvtival Đua ghe ngo…” hết sức ấn tượng để chào đón khách đến với lễ hội. Trong khi đó, nhiều hoạt động của lễ hội cũng được ban tổ chức cho treo ở khắp các tuyến đường để người dân tiện theo dõi, tham gia.
Festival Đua ghe ngo đồng bào Khmer ĐBSCL- Sóc Trăng lần thứ nhất sẽ diễn ra từ ngày 14-17/11/2013. Lễ khai mạc sẽ diễn ra vào tối 15/11 và được truyền hình trực tiếp trên VTV. Lễ bế mạc diễn ra vào tối 17/11.
Từ ngày 14- 17/11, diễn ra các hoạt động như Hội chợ thương mại; Liên hoan ẩm thực 3 dân tộc Kinh- Khmer- Hoa; Trò chơi dân gian, hội thao dân tộc; Trển lãm ảnh Sóc Trăng xưa; Liên hoan nghệ thuật sân khấu dù kê Khmer Nam Bộ; Hội thi trang phục 3 dân tộc Kinh- Hoa- Khmer; Lễ cúng trăng, Hội thi thả đèn nước.
Điểm nhấn của lễ hội là cuộc đua ghe ngo giữa các đội Nam và Nữ diễn ra trong hai ngày 16 và 17/11. Với hơn 60 đội tham gia, dự kiến màn đua sẽ mang lại những cuộc tranh tài hấp dẫn giữa các đội ghe của các địa phương trong khu vực.
Việc tổ chức Festival Đua ghe Ngo đồng bào Khmer ĐBSCL – Sóc Trăng lần thứ nhất vừa tạo ra sản phẩm văn hóa đặc trưng trực tiếp phục vụ phát triển du lịch, vừa gắn liền với việc thực hiện mục tiêu bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống, vốn quý văn hóa độc đáo của địa phương; góp phần khai thác tiềm năng du lịch của tỉnh, một ngành kinh tế tổng hợp, mang nội dung văn hóa sâu sắc, đáp ứng xu thế hội nhập, liên kết phát triển vùng, phù hợp định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Huỳnh Hải