Được - Mất sau “vở bi hài kịch” Giọng hát Việt
(Dân trí) - “Kịch”, “diễn trò”... là những từ mà nhiều người đã dùng khi nói về buổi họp báo chiều 11/9 của chương trình Giọng hát Việt sau scandal thuộc về Phương Uyên.
“Kịch”, “diễn trò”... là những từ mà nhiều người đã dùng khi nói về buổi họp báo chiều 11/9 của chương trình Giọng hát Việt sau scandal thuộc về Phương Uyên. Buổi họp báo diễn ra trong thời gian dài kỷ lục của làng showbiz Việt (4h chiều tới 6h30) nhưng không những không giải quyết được khủng hoảng mà còn đổ thêm dầu vào lửa.
Thông tin Giám đốc âm nhạc Phương Uyên nhận lỗi về mình đã râm ran trên báo chí từ hôm trước nên trước buổi họp báo, cánh báo chí rất háo hức chờ đón xem đơn vị tổ chức là Cát tiên sa sẽ “xử lý” ra sao với clip, quyết định cuối cùng dành cho Phương Uyên như thế nào, đơn vị phát sóng VTV sẽ có những động thái gì, BTC sẽ làm thế nào (ít ra là một câu xin lỗi thật lòng) với khán giả và... nhiều, nhiều nữa.
Tuy nhiên, dường như tất cả thời gian của buổi họp báo chỉ được các nhân tố liên quan dùng để... “tung hứng” với nhau. Cùng diễn chung một “vở kịch” quá dở dù tất cả những người ngồi trên bàn chủ toạ đều đã, đang và sẽ tiếp tục là nghệ sĩ. Một vở kịch hay, có lớp có lang, có cao trào, kịch tính, có nước mắt, có kết thúc bất ngờ tới điếng lòng... nhưng lại làm cho khán giả (báo giới) chỉ thêm phẫn nộ.
Dưới một góc nhìn khác, người viết không muốn nói về “vở bi hài kịch họp báo The Voice” mà chỉ muốn nói về những cái được, mất mà nhiều khán giả sẽ phải đau đầu một thời gian dài nữa. “Xem The Voice thấy... thương ơi là thương” thương từ khán giả tới thí sinh, thương cả HLV lẫn báo chí nhưng thương nhất lại là các khán giả. Họ chính là người “mất nhiều nhất”.
Ai cũng biết ở Việt Nam, niềm tin của khán giả dàn cho những “game show” truyền hình thực tế vốn đã không còn bao nhiêu nay đã thực sự cạn kiệt với “cú đánh quyết định” từ clip mới được tung ra từ tối 9/9.
Khi hỏi ông Nguyễn Quang Minh, Giám đốc Cát Tiên Sa rằng: "BTC sẽ làm thế nào để lấy lại niềm tin từ phía khán giả, những người “mất” nhiều nhất sau scandal này?" Và ông lái câu chuyện sang một hướng khác sau khi đã gật gù đồng ý với việc mất mát của khán giả” rằng: “Một phần lỗi là do báo chí đã đưa thông tin một chiều, không kiểm chứng...”
Thật ra, nếu nhà báo muốn đưa thông tin một chiều thì chẳng ai đội mưa đến buổi họp báo này. Nhà báo đến vì trách nhiệm, vì yêu mến chương trình và yêu mến chính đơn vị tổ chức nhưng khi họ về, họ ấm ức vì điều mong muốn nhất của họ trong cuộc họp báo là “sự thật và chỉ sự thật mà thôi” đã không được thoả mãn. Buổi họp báo được cho là để Giọng hát Việt lấy lại niềm tin, sự ủng hộ của báo chí, khán giả. Tiếc thay, vì thiếu đi sự chân thành nên nhà tổ chức mất đi cơ hội để chứng tỏ mình có tinh thần cầu tiến.
Và cuối cùng, người ta mong chờ một "hành động" khôn ngoan hơn đến từ các thí sinh. Có lẽ không cần nhắc tới việc Quỳnh Trang giật mic phát biểu vì người ta đã nói quá nhiều. Thí sinh có quyền ủng hộ Giám đốc âm nhạc của họ, họ có quyền “diễn theo kịch bản”... Điều quan trọng hơn, họ cho khán giả thấy sự “đoàn kết” từ trên xuống dưới, biến một buổi họp báo xử lý khủng hoảng thành buổi “ca tụng” Phương Uyên như một “người hùng sa cơ bị hãm hại”. Vô tình, sự ủng hộ, đồng cảm dành cho Phương Uyên của một số người đã mất đi sau “màn kịch lộ liễu” đó.