Ca sĩ Ánh Tuyết:

"Đừng trao tặng danh hiệu nghệ sĩ như sự an ủi"

Cứ năm năm một lần, nhà nước lại xét phong tặng danh hiệu cao quý nghệ sĩ nhân dân (NSND) - nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) cho các nghệ sĩ tiêu biểu có nhiều cống hiến. Năm 2005, lần đầu tiên các nghệ sĩ tự do được đưa vào diện xét tặng danh hiệu nghệ sĩ. Ca sĩ ánh Tuyết tâm sự về vấn đề này.

Vì không thuộc biên chế của đoàn nào, nên trước đây chị không nằm trong vòng ngắm của các đợt xét tặng danh hiệu nghệ sỹ. Khi nghe tin các nghệ sỹ tự do cũng có trong diện xét phong tặng danh hiệu NSND - NSƯT, chị có phấn khởi không?

Tôi hát phục vụ nhân dân và các phong trào quần chúng từ năm 1975 và được ăn lương nhà nước bắt đầu năm 1978. Tôi từng nhận năm huy chương vàng và một huy chương bạc trong các kỳ hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.

Năm 1990, tôi bỏ biên chế. Tôi từng hát ở đảo Trường Sa, hát phục vụ bộ đội tình nguyện Campuchia, vào bệnh viện hát cho thương binh nghe, và tham gia rất nhiều chương trình. Chức tước và danh hiệu không nằm trong suy nghĩ của tôi. Thú thật khi hay tin này, tôi thấy bình thường.

Nhưng việc xét tặng danh hiệu cho các nghệ sĩ tự do là một thay đổi quan trọng.

Tôi lại thấy sự thay đổi ấy hơi muộn. Xét đóng góp của nghệ sĩ cho nền nghệ thuật và những cống hiến với công chúng, tôi thấy không nên tính theo tiêu chí họ thuộc biên chế hay không. Sự muộn mằn còn nằm trong ý nghĩa của danh hiệu đối với cá nhân nghệ sỹ.

Đừng nên để việc trao tặng danh hiệu là một sự an ủi, ghi nhớ công lao. Được công nhận đúng lúc, nghệ sỹ sẽ có thêm động lực để cống hiến. Khi đó, danh hiệu có ý nghĩa hơn.

 

Người được xét tặng danh hiệu NSND phải đáp ứng các yêu cầu như có tài năng nghệ thuật xuất sắc, nhiều cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, được đồng nghiệp và công chúng mến mộ và công nhận về tài năng.

NSND phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 20 năm trở lên (riêng xiếc từ 15 năm trở lên), có ít nhất hai giải thưởng chính thức (huy chương vàng - huy chương bạc) tại các liên hoan nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế (tính từ sau kh nhận danh hiệu NSƯT).

Đối với danh hiệu NSƯT, các nghệ sĩ được xét phải có thời gian hoạt động nghệ thuật từ 15 năm trở lên (xiếc từ 10 trở lên), được tặng ít nhất hai giải thưởng chính thức về nghệ thuật cấp quốc gia, khu vực hoặc quốc tế, được giới chuyên môn và công chúng công nhận về tài năng của họ trong nghệ thuật.

Chị có làm đơn ứng cử xét tặng danh hiệu cho mình không?

Tự làm đơn ứng cử, tự xếp hạng cho mình, tôi không bao giờ làm. Làm như vậy, tôi thấy mình bị tổn thương và kỳ cục thế nào ấy.

Với tôi, được công chúng yêu tiếng hát và đồng nghiệp công nhận tài năng của mình còn quan trọng hơn danh hiệu.

Chị là một nghệ sỹ được công chúng yêu mến, báo chí ca ngợi là "Người giữ lửa tân nhạc"?

Khi thấy tôi gồng gánh "bầu đoàn thê tử" ATB để quyết chí với tân nhạc, nhiều người gọi đùa tôi là "Anh hùng Lao động ánh Tuyết".

Hơn 30 năm gắn bó với sân khấu, tôi kiêu hãnh vì mình làm nghệ thuật không vụ lợi và chinh phục được một bộ phận khán giả. Có một lời khen tôi nhớ mãi. Khán giả Hà Nội sau khi xem chương trình Hội Trùng Dương gọi tôi là "Nghệ sĩ của nhân dân".

 Theo Gia đình và Xã hội