Đừng để rơi vào cảnh “gà trống nuôi con” !

Là những người thành đạt và nổi tiếng của sân khấu. Nhưng phía sau “hậu trường” của sự nghiệp ấy là cuộc sống gia đình không suôn sẻ. Hé lộ góc khuất của mình có lẽ là sự phá lệ của nghệ sĩ Trần Nhượng và Duy Thanh.

Rất dễ mang tiếng tò mò khi hỏi chuyện “gà trống nuôi con” nhưng quả thực là rất muốn biết các anh bắt đầu phải “độc lập tác chiến” từ khi cháu mấy tuổi?

 

Trần Nhượng: Các con theo tôi đi làm nghệ thuật từ khi chúng mới lên 1, lên 3. Vì thiếu tình cảm của mẹ nên ngay từ bé chúng đã biết tự lập. Tôi không phải vướng bận chuyện gia đình nhưng nhiều lúc nhìn các con, tôi thấy mình thực sự có lỗi vì chưa làm tròn bổn phận của người cha.

 

Duy Thanh: Vợ tôi chia tay khi các con tôi đều chưa đến 20 tuổi. Trước kia tôi chỉ làm nghệ thuật, kinh tế và quản lý gia đình vợ tôi lo hết. Khi cô ấy ra đi, tôi chỉ có thể diễn tả là rất trống vắng. Tôi chỉ biết bù đắp cho chúng bằng cách dành nhiều thời gian và tình yêu của mình cho các con.

 

Một mình nuôi con chắc có rất nhiều việc vốn không phải là thiên chức của người đàn ông?

 

Duy Thanh: Có một người bạn thân nói với tôi rằng: Anh phải mất khá nhiều thời gian thì mới có thể thay được chỗ chị nhà. Tôi thấy điều đó quá đúng! Ðang từ vị trí của người giữ kỷ cương, răn đe con cái, tôi phải đóng vai trò người mẹ với sự gần gũi thương yêu. Từ chỗ dựa tình cảm đến vấn đề nội bộ, từ miếng cơm manh áo đến công ăn việc làm... tôi phải đảm đương hết. Ðó là giai đoạn cực kỳ khó khăn đối với tôi nhưng cũng giúp tôi hiểu rằng: sự gần gũi, tâm tình chính là cách giáo dục con hiệu quả nhất.

 

Trần Nhượng: Tôi nhớ khi mới đưa các con lên Hà Nội, chỗ ở còn chẳng có, mấy bố con bữa rau bữa cháo. Nhìn các con gầy gò ốm yếu tôi rất sợ, may nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè đồng nghiệp, những tháng ngày đó qua đi. Bây giờ mấy cha con ngồi nhớ lại chuyện vui buồn, nhiều khi tôi thấy xót xa cho cái nghề của mình.

 

Hình ảnh “gà trống nuôi con” thường làm các cô gái cảm động, chắc không ít phụ nữ chìa tay về phía các anh?

 

Duy Thanh: Tôi lúc nào cũng có bạn gái và chưa bao giờ có một đối tượng trong tình yêu. Không yêu thì không thể làm nghệ thuật được nhưng để kết hôn ư, thì không ai có thể thay người vợ của tôi.

 

Trần Nhượng: Những vẻ đẹp đơn thuần về hình thức không làm tôi động lòng chút nào. Chỉ những người phụ nữ có bản chất tốt đẹp mới thực sự làm tôi xúc động.

 

Từ cảnh ngộ của mình các anh có thể nói một điều gì đó?

 

Duy Thanh: Gia đình là gốc rễ cơ bản của đời người. Nếu được chọn giữa sự thành đạt mà không có hạnh phúc gia đình và một công việc bình thường không nổi tiếng thì tôi sẽ chọn kiểu thứ hai.

 

Trần Nhượng: Tốt nhất là đừng để rơi vào cảnh “gà trống nuôi con”. Còn nếu chẳng may có rơi vào thì hãy chấp nhận. Có một câu ngạn ngữ của người Trung Quốc mà tôi rất thích: “Ở đời không có gì thú bằng đọc sách và không có gì cần bằng nuôi con”. Tôi đang có cả hai và tôi thấy vững tâm.

 

 

Theo Thuý Hằng

Kinh Tế & Đô Thị