1. Dòng sự kiện:
  2. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Đức Trí: “Sáng tạo phải là của bản thân...”

“Đã sai thì nên sửa, cái gì từ sai mà họ có thể cải thiện tốt hơn thì chúng ta nên ủng hộ. Sự sáng tạo là điều đáng hoan nghênh ủng hộ, nhưng đó phải là sáng tạo của bản thân chứ không phải cái lấy của người khác”, nhạc sĩ – nhà sản xuất âm nhạc chia sẻ về thị hiếu cũng như các tác phẩm âm nhạc đình đám gần đây của các tác giả trẻ.


Anh ấn tượng với những tác giả trẻ và tác phẩm nào trong thời gian gần đây?

Tôi không dám nhận định vì nghe không toàn diện, mà chỉ có thể chia sẻ về những tác giả mà tôi được biết. Theo cảm nhận cá nhân, tôi thấy đa số tác phẩm của các bạn trẻ đã bắt kịp xu hướng của khu vực. Điều đó tốt nhưng sẽ tốt hơn nếu ngôn ngữ bản địa được tôn vinh hơn.

Nói như thế không có nghĩa không có những sáng tác làm được điều này như gần đây có một vài ca khúc mới nổi lên như Bốn chữ lắm của Phạm Toàn Thắng là ca khúc có yếu tố bản địa rất cao, do đó khi đưa ra thị trường dĩ nhiên nó thành công nhanh hơn các tác phẩm khác mang nặng yếu tố ngoại lai.
Đức Trí: “Sáng tạo phải là của bản thân chứ không phải lấy từ người khác”


Là một người làm công tác liên quan đến âm nhạc, anh nghĩ sao khi giới trẻ ngày nay tiếp nhận quá dễ dãi các tác phẩm âm nhạc nước ngoài trong khi đó lại hay lên án, phán xét các tác phẩm, ca sĩ trong nước?

Không có gì sai khi khán giả quá tôn thờ những nền âm nhạc nước ngoài. Điều đó càng khiến những người làm nhạc như chúng tôi hiểu rằng sự cạnh tranh ngày hôm nay là công bằng, vì không có bất cứ đặc ân nào cho âm nhạc trong nước. Đây là sân chơi cạnh tranh công bằng để phải nỗ lực hơn. Đây là sự thật mà chúng ta phải đối mặt, từ đó nhìn ra trong bao lâu nữa mới có thể bắt kịp các nền âm nhạc tân tiến khác.

Việc nghệ sĩ và khán giả đi tìm lại những sáng tác cũ để nghe và tôn vinh có phải là dấu hiệu của nền âm nhạc không phát triển?

Tôi cũng công nhận rằng nhạc của thời trước rất hay, hay hơn cả nhạc bây giờ, tuy nhiên ít ai ngẫm ra một điều rằng những gì mà chúng ta đang nghe ngày nay là những tác phẩm tinh hoa nhất được chắt lọc lại từ hàng ngàn bài của ngày xưa, nên chắc chắn nó phải hay. Còn nhưng bài không hay dĩ nhiên đã bị lãng quên từ lâu lắm rồi. Nếu lấy những thứ hay nhất của ngày xưa để so sánh với những gì đang diễn ra ở hiện tại rõ ràng là một điều quá khập khiễng.  Nhưng phải nói rằng, ngày xưa mọi thứ thật hơn, những cuộc gặp gỡ trong đời cũng khó khăn do đó nhạc của họ cũng nồng nàn và đặc biệt hơn, trong khi đó con người sau này họ không cảm thấy quý những xa cách như trước nên không có được sự đặc biệt này.

Ngày nay, nhiều người bảo cả ngàn bài nhưng chỉ có một vài bài nghe được thì ngày xưa cũng như thế. Chưa kể tâm lý đón nhận của khán giả dành cho những giá trị cũ cũng cởi mở và nhiệt tình. Khi người ta đã nghe ở đâu đó thì khi nghe lại họ cảm thấy thân thuộc và dễ cảm nhận hơn.

Là thành viên hội đồng nghệ thuật của Zing Music Awards (ZMA) từ những ngày đầu, anh đánh giá thế nào về vai trò của âm nhạc trực tuyến trong làng nhạc Việt?

Nhạc Việt có nhiều điều tự phát hoặc đi theo những mô hình mà những người làm chuyên môn phải đau đầu. Bản thân giải thưởng ZMA chính là là thay đổi lớn nhất để người nghe có thể nhìn thấy được định hướng rằng chúng tôi không phải là người đề ra chủ trương cho người viết nhạc, mà công việc chính là biểu dương những gì xứng đáng. Từ đó, khán giả sẽ dần dần nhận ra đâu là giá trị thật sự của âm nhạc, ngay cả với những thứ mà người ta vẫn thường nói là thị trường hay giải trí vẫn có giá trị chuyên môn của nó chứ không phải muốn làm gì thì làm.
Với trường hợp những ca khúc “đạo” hoặc nghi “đạo”, Zing Music Awards sẽ ứng xử ra sao?


Với trường hợp những ca khúc “đạo” hoặc nghi “đạo”, ZMA sẽ ứng xử ra sao?

Những điều này vẫn còn tranh cãi, có thể những lời tôi nói ra lúc này cũng sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi. Cá nhân tôi ủng hộ quyết định loại trừ các ca khúc có vay mượn dù ít hay nhiều ra khỏi các giải thưởng bởi với những người làm chuyên môn như chúng tôi, sự sáng tạo là điều đáng hoan nghênh ủng hộ, nhưng đó phải là sáng tạo của bản thân chứ không phải cái lấy của người khác. Tất nhiên đây chỉ là quan điểm cá nhân, còn để đưa ra quyết định cuối cùng vẫn phải chờ sự thống nhất của cả hội đồng nghệ thuật.

Nhưng tôi vẫn giữ ý kiến rằng, đã sai thì nên sửa, cái gì từ sai mà họ có thể cải thiện tốt hơn thì chúng ta nên ủng hộ.

G.H