"Dòng máu anh hùng" là phim… kiếm hiệp?
(Dân trí) - Nếu như dán thêm mác "kiếm hiệp" thì có lẽ "Dòng máu anh hùng" sẽ dễ được “tha thứ” hơn bởi những tình tiết thiếu thuyết phục đến mức hoang tưởng. Sau lớp xiêm y võ thuật hoành tráng, bộ phim còn đọng lại gì?
Trước khi Dòng máu anh hùng công chiếu, hãng phim Chánh Phương đã lên tiếng quảng cáo cho bộ phim đầu tay của mình, rằng đó là bộ phim không thua kém gì Hollywood! Có lẽ, hãng Chánh Phương muốn “khuếch trương thanh thế” với những màn biểu diễn võ thuật được dàn dựng khá công phu và chuyên nghiệp.
Ai cũng có thể nhận ra, Dòng máu anh hùng lấy võ thuật, hành động làm điểm mạnh. Cũng có lẽ, vì quá chú tâm trau chuốt và sử dụng triệt để tài năng võ thuật của hai nam diễn viên Johnny Trí Nguyễn và Dustin Nguyễn mà Dòng máu anh hùng đã sơ hở để lọt nhiều tình tiết thiếu logic trong kịch bản.
Hai diễn viên võ thuật từ Hollywood trở về, một Johny Trí Nguyễn từng đóng thế cho Người nhện, từng sánh vai với ngôi sao Lý Liên Kiệt; một Dustin Nguyễn không ít lần “tung chưởng” với các hào kiệt Hollywood. Với bấy nhiêu thông tin đủ khiến nhiều khán giả phải “choáng váng”.
Không phủ nhận, Dòng máu anh hùng đã thành công khi mang đến cho khán giả những màn võ thuật công phu, đẳng cấp, đã dàn dựng những cảnh đánh đấm… giống như phim ngoại.
Tuy nhiên, nếu thử gạt bỏ lớp xiêm y “hoành tráng” này sang một bên, sẽ thấy Dòng máu anh hùng chỉ còn lại một cốt truyện phim đơn giản, và khá sơ sài. Lấy mô-típ muôn thuở - anh hùng cứu mỹ nhân, Dòng máu anh hùng xoay quanh hai nhân vật chính Cường (Johny Trí Nguyễn) và Thúy (Ngô Thanh Vân).
Thúy lớn lên trong một gia đình nghèo vùng nông thôn cùng cha và anh trai. Cha cô là người cầm đầu của một nghĩa quân chủ trương chống Pháp. Trong một vụ mưu sát không thành, Thúy bị giặc Pháp bắt giữ và tống tù. Trước những đòn roi tàn ác của kẻ thù, Thúy không hé răng khai một lời về cha mình và nghĩa quân. Cảm phục trước sự kiên cường của cô gái, Cường - một tay sai của thực dân đã đem lòng yêu mến Thúy.
Được sự giúp đỡ của Cường, Thúy vượt ngục thành công. Từ đây, hai người cùng nhau đối mặt với sự rượt đuổi ráo riết của Sỹ (Dustin Nguyễn) - một tay sai năng nổ của thực dân hòng có được quyền chức cao hơn trong thế lực cuộc chiến.
Xuyên suốt bộ phim, bộ đôi người hùng - mỹ nhân có cả thảy ba cuộc đào tẩu, cuộc đào tẩu nào cũng đơn giản và dễ dàng đến… bất ngờ.
Nếu những cảnh tra tấn Thúy dã man, tàn bạo đầu phim đã tạo được ấn tượng với khán giả, thì cuộc vượt ngục thứ nhất quá đơn giản của nhân vật đã “tống khứ” toàn bộ ấn tượng của khán giả. Những cú ra đòn nhanh lẹ, leo tường vèo vèo của Thúy trong xà-lim dù đã bị tra tấn dã man mấy ngày qua khiến khán giả ngỡ ngàng!
Còn trong lần đào tẩu thứ hai, trên chiếc xe ô tô chở công nhân ra mỏ sắt của Cường và Thúy khiến khán giả… cười bò vì vô lý. Chàng và nàng nằm bò trên nóc xe hòng trốn thoát, song, xe thấp quá, nhìn hai nhân vật nằm “chềnh ềnh” mà vẫn che mắt được lính Pháp lái xe đi sau. Nếu chiếc xe đạo cụ được đầu tư hơn, hẳn hiệu quả của cảnh đã tốt hơn.
Lần đào tẩu thứ ba của người hùng - mỹ nhân thì thực sự bị biến thành trò cười. Đội ngũ lính Pháp đông đảo, đầy đủ vũ khí, mặt mày hung ác, dữ tợn, nhưng một mình Thúy đã nhanh chóng hạ gục. Cường - không chịu nổi cảnh người yêu bị đánh, bỏ đi, một lúc sau anh quay lại đã thấy vù vù trên một chiếc xe máy. Cuộc tẩu thóat đơn giản đến vậy mà hàng nghìn công nhân đã phải nhẫn nhục chịu đựng đòn roi suốt thời gian dài! Sự dàn dựng đơn giản vô tình khiến cho tình tiết phim bị phản tác dụng.
Ba lần đào tẩu của Cường - Thúy là những tình tiết mang tính “thắt nút” gay cấn nhưng được xây dựng “nghèo” về mặt tình tiết đã đẩy nội dung phim rơi vào dàn trải.
Đêm hôm đó, vì cảm mến trước tâm chân thành của Cường, Thúy gật đầu đồng ý “sống một đêm quên mình là ai” cùng chàng. Cảnh “hot” của đôi tình nhân diễn ra ngọt ngào, lãng mạn, tuy nhiên những vết bầm tím (đáng lẽ ra nên có) trên lưng Thúy đã bị các nhà làm phim quên khuấy!
Dẫu biết, không thể có một bộ phim hoàn hảo, nhiều nhà làm phim còn cho rằng: “chỉ cần người ta muốn bắt lỗi, muốn “bới lông tìm vết” thì phim nào cũng sẽ có lỗi!”. Thế nhưng, với Dòng máu anh hùng, khán giả dễ tính nhất cũng có thể nhận thấy kịch bản phim làm chưa kỹ.
Một cô thôn nữ nghèo như Thúy mà có tầm nhìn chiến lược ngang với một chính trị gia: “Em biết, người Pháp không phải làm gì cũng xấu. Người Pháp sang nước ta làm đường, xây bệnh viện… Điều ấy tốt”.
Giữa cuộc chiến khốc liệt, máu dân tộc đổ từng ngày, lẽ thường một cô thôn nữ chỉ có thể nghĩ đến lòng căm thù giết giặc, chứ khó có thể triết lý sâu xa như vậy. Ít ra, điều ấy cũng hợp lý hơn!
Chi tiết về người mẹ của Thúy - người phụ nữ nông thôn tần tảo đã cắn răng chấp nhận bị quân đội Pháp thay nhau hãm hiếp để cứu chồng ra khỏi lao tù lại hiện lên khá mờ nhạt trong tâm trí Thúy. Những hình ảnh khắc họa chân dung người mẹ có phần cẩu thả. Người mẹ cao thượng, giàu đức hy sinh hiện lên trong tâm trí Thúy lại là một phụ nữ quần áo tinh tươm, sạch sẽ dắt tay con ra đồng “lượn” vài vòng rồi về.
Chính vì kịch bản phim chưa được đầu tư kỹ nên phim còn sơ sài về mặt tình tiết, có nhiều tình tiết đưa ra nhưng xử lý chưa tới, tâm lý nhân vật còn “nông”.
Ví dụ chi tiết, Sỹ ép Cường phải đưa Thúy lên tàu, nếu không sẽ giết bố của Cường, vậy mà khuôn mặt của Cường vẫn lạnh tanh. Đặt nhân vật đứng giữa sự lựa chọn đau đớn “bên tình, bên hiếu” nhưng các nhà làm phim lại quên mất việc khai thác phần tâm lý phức tạp này của Cường.
Không phủ nhận, Dòng máu anh hùng có sự tìm tòi, chăm chút của những người làm phim về bối cảnh, đạo cụ, phục trang, góc máy, âm nhạc… Nhưng chỉ thế thôi thì chưa đủ để có một bộ phim hay!
Dịu Hiền