Điều đặc biệt về bức ảnh "Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập"
(Dân trí) - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III vừa tiếp nhận những hình ảnh quý về chiến dịch Hồ Chí Minh, trong đó có bức ảnh "Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập" của nhà báo Trần Mai Hưởng.
Chiều 29/4, tại Hà Nội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III tiếp nhận loạt tác phẩm nhiếp ảnh được ghi lại trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử cùng nhiều tác phẩm đặc biệt khác của các cựu phóng viên chiến trường là: Đinh Quang Thành, Trần Mai Hưởng, Ngô Minh Đạo gửi tặng.

Bức ảnh "Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập", trưa ngày 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hưởng (Ảnh: Chụp màn hình).
Đó là những bức ảnh phản ánh chân thực sự khốc liệt của bom đạn, của chiến tranh nhưng trên hết, đó là tinh thần yêu nước, anh dũng, ý chí quyết tâm giành thắng lợi của quân, dân Việt Nam từ hậu phương đến tiền tuyến.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, nhà báo Đinh Quang Thành và Trần Mai Hưởng nằm trong số những phóng viên đầu tiên có mặt tại Dinh Độc Lập để ghi lại những bức ảnh quý giá trong ngày 30/4/1975.
Trong số đó, bức ảnh Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975 của nhà báo Trần Mai Hưởng gây ấn tượng với người xem.
Ông Trần Mai Hưởng cho biết, đây là chiếc xe tăng thứ 4 trong đoàn mũi nhọn 6 chiếc đầu tiên chiếm lĩnh Dinh Độc Lập. Sau nửa thế kỷ, ông cho biết đã liên lạc được với kíp lái xe và cho đến nay có 2 chiến sĩ trên chiếc xe tăng đã mất.
"Khi tiến vào Sài Gòn, tôi chỉ còn 13 cuộn phim, tôi chụp khá nhiều nhưng khi về cơ quan, chỉ có 7 bức ảnh dùng được, trong đó có bức ảnh Xe tăng quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập vào trưa ngày 30/4/1975", ông Hưởng nói.

Nhà báo Trần Mai Hưởng chia sẻ tại sự kiện (Ảnh: Lạc Thành).
Nhà báo Trần Mai Hưởng cho biết, 50 năm trước việc gửi ảnh về tòa soạn rất gian nan. Có phóng viên ảnh đã phải về Tây Ninh tráng phim, sau đó phát telephoto (chế độ chụp xa) ra Hà Nội bằng những tín hiệu đen trắng. Nơi tiếp nhận lại biến tín hiệu thành màu đen trắng tương ứng và một bức ảnh phải chuyển mấy tiếng đồng hồ mới xong.
"Đi chiến trường, chụp được ảnh đã khó, gửi ảnh về còn khó hơn. Nhưng chúng tôi cũng đã vượt qua được gian khổ, thiếu thốn để làm nghề và lưu giữ nhiều bức ảnh quý", ông Hưởng nói.

Một số tác phẩm của nhà báo Đinh Quang Thành trao tặng Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III (Ảnh: Lạc Thành).
Đón nhận các tác phẩm, TS. Trần Việt Hoa - Giám đốc Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III - cho biết, Trung tâm là cơ quan có chức năng lưu trữ, bảo quản toàn bộ tài liệu được sản sinh và hình thành của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Cùng với các khối tài liệu, khối ảnh đang được bảo quản tại Trung tâm, các tác phẩm nhiếp ảnh được các nhà báo chiến trường trao tặng cho Trung tâm mang rất nhiều ý nghĩa, góp phần làm sáng rõ, đầy đủ hơn nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó có Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.