Diễn viên Trường Khanh: "Làm vịt, bán chân gà giúp tôi cầm cự qua mùa dịch"
(Dân trí) - Diễn viên Trường Khanh chia sẻ, anh có thể trang trải cuộc sống, cầm cự qua các đợt dịch Covid-19 nhờ bán hàng online.
Theo đuổi đam mê diễn xuất và là một diễn viên đến nay đã hơn 10 năm, Trường Khanh gây ấn tượng với khán giả qua nhiều vở kịch lớn nhỏ, đặc biệt là các tác phẩm được chiếu trên Đài truyền hình HTV.
Ngoài công việc diễn viên, Trường Khanh còn có nghề tay trái là bán hàng online nhưng trải qua 4 đợt dịch Covid-19 bùng phát, nghề tay trái giờ đã trở thành công việc chính của anh.
Trên trang cá nhân, Trường Khanh thường đăng bán những món ăn như bánh phục linh, trứng vịt muối, vịt nấu chao, chân gà sả tắc… Những món ăn này đều do nam diễn viên tự tay làm hoặc lấy hàng về bán nên nhận được nhiều sự ủng hộ từ bạn bè, khán giả.
Chia sẻ với Dân trí, Trường Khanh cho biết anh ít show hơn đồng nghiệp khác nên phải buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Trước đây, đi diễn và bán hàng online là hai công việc song song. Nam diễn viên chỉ làm đồ bán mỗi khi rảnh.
"Đùng một cái, dịch Covid-19 đến nên gần như tôi chỉ có thể ở nhà buôn bán nhưng cũng nhờ vậy mà cầm cự được" - nam diễn viên chia sẻ.
Anh tâm sự, khi gặp anh nhiều người hay nói, họ cảm thấy "tội", nhưng thật sự, anh rất sợ chữ tội đó.
"Không phải tôi nghĩ mọi người khinh thường, nhưng nghe chữ đó, tôi cảm giác mình đang là gánh nặng của họ. Khi tôi mới bắt đầu bán hàng, có nhiều người nói với tôi rằng "nghệ sĩ gì mà đi diễn xong về còn phải nhổ lông gà lông vịt làm đồ ăn để bán, cắt chân gà cực khổ".
Nhưng tôi nghĩ rằng sau những lúc đi diễn, nghỉ ngơi, tìm hiểu cuộc sống xung quanh, thời gian rảnh mình có thể ngồi làm, có tiền thêm thay vì tụ tập la cà nói xấu người khác. Nói chung, tôi thấy vui vì những gì mình đang làm nhưng mọi người lại thấy tội tôi, chung quy tôi sợ điều đó lắm".
Khi được hỏi, anh có sợ bán hàng online vừa là cái lợi nhưng cũng gây ảnh hưởng đến công việc diễn viên hay không, Trường Khanh thẳng thắn cho biết, ban đầu anh lo ngại bản thân sẽ xao nhãng, lo làm đồ ăn bán hàng mà không tập trung cho vai diễn. Nhưng anh cố gắng và có nguyên tắc "đi diễn sẽ không bao giờ mang hàng theo tiếp thị hay kêu gọi bạn bè mua".
"Ai thích có thể đặt trước, đi diễn tôi sẽ cầm theo còn khi đã đi diễn, tôi chỉ tập trung vào công việc. Giờ nào việc nấy", anh bộc bạch.
Trong số các món ăn mà Trường Khanh đang kinh doanh, có những món rất dân dã như thịt vịt thả đồng, trứng vịt… Nam diễn viên nói, do quê của anh cách thành phố chỉ khoảng một giờ đồng hồ chạy xe nên anh có thể chạy về lấy hàng rồi lên thành phố trong ngày, không tốn quá nhiều thời gian và sức lực.
"Sẽ có những món tôi tự tay làm nhưng cũng có những món tôi lấy từ vựa như mít, khoai lang… Trước khi lấy, tôi kiểm tra rất kỹ. Hay như cơm cháy, ở quê tôi có chỗ bán ngon và tôi từng ăn rồi nên lấy hàng về bán".
Anh kể thêm, nhiều anh chị em nghệ sĩ rất thích gà bó xôi anh bán. Món này anh đi ăn đám cưới, thấy ngon và còn đảm bảo chất lượng nên mang về bán.
"Đi quay ở đài truyền hình, mọi người sẽ ùa vào ăn cùng nhau sau khi kết thúc công việc, cũng vui lắm", nam diễn viên vui vẻ.
Không riêng gì Trường Khanh, thời gian qua rất nhiều nghệ sĩ phải tích cực phát triển nghề tay trái để kiếm thêm thu nhập trong mùa dịch. Do dịch Covid-19, các hoạt động giải trí như kịch, sân khấu, phim ảnh, ca hát… đều phải tạm ngừng. Các nghệ sĩ đã chuyển sang livestream bán hàng online, kinh doanh đồ ăn… để trang trải cuộc sống.
Dù vậy, ai cũng mong muốn rằng dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường và có thể tiếp tục cống hiến cho khán giả.
Nghệ sĩ Trịnh Kim Chi - Phó chủ tịch hội Sân khấu TPHCM chia sẻ, việc các diễn viên sân khấu phải làm thêm các công việc khác như bán hàng online, chạy xe công nghệ, nhân viên bán hàng, hay thậm chí phải về quê vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài trong suốt 2 năm nay là thực trạng đau lòng.
Diễn viên tại các sân khấu kịch xã hội hóa không có chế độ nào khác ngoài việc "đi diễn - nhận lương", nên khi sân khấu ngừng hoạt động mọi người phải bươn chải để kiếm sống, khó khăn về kinh tế là điều khó tránh khỏi.
Hội Sân khấu không có nguồn thu nào ngoài sự đóng góp, hỗ trợ của các mạnh thường quân hàng năm. Quỹ của hội dùng cho việc hỗ trợ hàng tháng các nghệ sĩ đang sống trong viện dưỡng lão. Một số trường hợp các nghệ sĩ đặc biệt khó khăn cũng sẽ được hỗ trợ.
"Còn riêng các diễn viên sân khấu thì không có chế độ hay phúc lợi xã hội nào", Trịnh Kim Chi cho biết.
Với vai trò là bà bầu của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi, bản thân chị cũng "bất lực" bởi khả năng của mình có hạn, không thể giúp hết các diễn viên của sân khấu trang trải cuộc sống trong khoảng thời gian dài. Đặc biệt là dịch kéo dài trong suốt 2 năm qua.