Đến hẹn, Đào Anh Khánh lại lên...
(Dân trí) - Đến hẹn lại lên, chương trình đáo xuân lần thứ 4 của hoạ sĩ Đào Anh Khánh với tên gọi “Lập tràn” sẽ diễn ra vào ngày 17/2 tới, tại nhà riêng ở Gia Lâm, Hà Nội.
Anh có thể cho biết ý nghĩa cái tên: Lập tràn?
“Lập tràn” là từ ghép đa nghĩa, nó đến sau ý tưởng đưa những người dân tộc về trình diễn của tôi cho Đáo Xuân 4. Trong buổi tình cờ chơi với bạn bè nghệ sỹ, khi nhìn vào ngọn nến, múa trên tay ngọn nến thì tự nhiên cái tên đó nó bật ra.
Câu đầu đến với tôi là “Lập đàn”, mang nghĩa khác, ngay sau đó một chút tôi nghĩ từ đúng cho cảm nhận của mình là “Lập tràn”. “Tràn” nó bao gồm nhiều ý nghĩa với bản thân tôi, “lập” giống như sự xây dựng , sự tích tụ, sự xây đắp. Tôi đắp vào hay tích tụ lại, cho đến một ngưỡng nào đó, tới mức nào đó nó sẽ phải tràn ra, nó chuyển ra một thời điểm, một khoảnh khắc, một mức độ khác - nó dẫn đến sự biến đổi, có thể là biến đổi hình thức và biến đổi về chất.
So với đáo xuân 3 - “1 giờ, 1 giây”, đáo xuân 4 có “trò lạ” gì?
Buổi trình diễn năm nay sẽ là những sự tương tác phối hợp giữa những người dân tộc Mường với các nghệ sĩ đương đại. Chất hoang sơ, mạnh mẽ, vô tư của họ sẽ đem lại một cái nhìn, đánh giá mới về sự tiếp cận và phát triển văn hoá của người dân tộc sống trên đất Việt.
Với không gian biểu diễn và sân khấu tròn khoảng 3 nghìn m2, các tác phẩm sắp đặt hoành tráng được dựng bằng tre, luồng…Tất cả được phủ màu trắng điểm những màu tương phản mạnh, tạo nên cảm giác về những cánh rừng bạt ngàn, tinh khiết cùng những cảm giác về nghi lễ truyền thống đặc sắc, huyền bí.
Người xem sẽ được dẫn dắt về miền đất núi rừng mạnh mẽ và bí ẩn. 21 diễn viên người Mường tham gia trình diễn hoạt động cơ thể và biểu diễn âm thanh kết hợp cùng nhóm nghệ sĩ âm nhạc đương đại “VNĐỏ”: Đào Anh Khánh - Visual artist, Trí Minh- Electronic artist, Nguyễn Văn Cường - Painter, Sound artist và Nguyễn Xuân Sơn - Percussion artist.
Họa sĩ Đào Anh Khánh. |
Cách đây 3 tháng, tôi có lên Lương Sơn - Hoà Bình làm 2 cái tượng cao 25m cùng với người Mường. Người nông dân Mường khi nhàn rỗi họ đi làm xây dựng, họ đã làm cho tôi. Trong thời gian ăn ở cùng họ, tôi thấy họ thường trực có nhu cầu nhảy múa, hát hò. Họ không cần đầu đuôi tai nheo gì, đang lúc lao động họ cũng hát - những cái họ bộc lộ về văn hoá rất cũ và rất cổ, từ lâu lắm rồi.
Họ biết thổi sáo, có thể kéo đàn, gẩy đàn bầu, đánh trống ( dù không chuyên). Tôi yêu cầu họ muốn “chơi” nghệ thuật với tôi phải quên đi những gì họ biết về âm nhạc.15 phút đầu chỉ chơi những cái gì thật là nhỏ, thật là bé nhưng mọi người phải nghe nhau. 15 phút sau có thể chơi lớn lên, và 15 phút cuối cùng là các bạn muốn chơi gì thì chơi, đổ nhà đổ cửa cũng được, thoải mái, muốn làm gì thì làm và phải chơi, không được dừng trước 45 phút…
45 phút trôi qua, tất cả đều bàng hoàng. Sau những buổi như thế, tất cả số công nhân đó, tôi đưa họ về Hà Nội, cho họ thử những động tác chính qui hơn một chút, tôi hiểu một điều - họ cảm nhận được ngôn ngữ chuyển động hiện đại, không những thế họ còn yêu thích. Vì lẽ đó, tôi quyết định làm đáo Xuân 4 với những người dân tộc Mường.
Dự định làm đáo xuân đến lần thứ 30, anh không sợ công chúng sẽ nhàm chán dần với những màn Đào Anh Khánh đóng khố, vẽ mặt và lao từ trên cao xuống?
Chưa có người nào nói thẳng vào tai tôi như một sự phê phán hay điều gì điều xấu xa. Nếu có chỉ là những người thấy thích nhưng chưa hiểu gì. Đối với người nước ngoài, họ được tiếp cận nhiều hơn với perfomance (nghệ thuật biểu diễn đương đại đa ngôn ngữ), Visual Art (nghệ thuật thị giác)…hầu hết họ đều rất khâm phục và khen ngợi tôi một cách chân thành.
Nguyễn Hằng