Đêm nhạc “Hôn mãi ngàn năm” – mừng nhạc sĩ Tạ Đắc tròn 80

(Dân trí) - Tối 15 và 16/1, tại sân khấu ATB của nghệ sỹ Ánh Tuyết (TPHCM) diễn ra đêm tiệc âm nhạc “Hôn mãi ngàn năm” mừng nhạc sĩ Tạ Đắc 80 tuổi bằng chính những ca khúc của ông - một nhạc sĩ người Hà Nội sống xa quê hương hơn 30 năm.

Tiếp bước người anh trai - nhạc sĩ guitar tài hoa Tạ Tấn, Tạ Đắc theo con đường âm nhạc, từng là hiệu phó trường Âm nhạc quần chúng ở Hà Nội và cũng là người góp phần sáng lập dàn nhạc điện tử đầu tiên ở Hà Nội - ban nhạc Nắng mới - mà những người yêu thích guitar ngày ấy chắc chưa quên.
 
Vào thời đó, ông cùng vợ - một giáo viên dạy Toán nhưng chung niềm đam mê âm nhạc  đã luôn sát cánh bên ông thực hiện các chương trình ca nhạc để lại dấu ấn khó phai trong lòng người Hà Nội.
 
Năm 1980, gia đình ông ra nước ngoài định cư. Xa quê hương, vất vả với việc mưu sinh nhưng nhạc sĩ Tạ Đắc vẫn không rời xa cây đàn và những nốt nhạc. Nỗi nhớ Hà Nội với những kỷ niệm, người thân, bạn bè… da diết trong lòng được ông âm thầm gửi vào các ca khúc trong suốt 30 năm. Ông ước được là cánh chim hải âu bay về quê hương, để những buổi chiều dạo được bước bên Hồ Tây, được ra Hồ Gươm ngắm hàng liễu trong sương sớm. 
  
Ca sĩ Thụy Long đã thể hiện nỗi nhớ ấy qua ca khúc: “Dấu chân quê hương” và “Hà Nội nhớ”. Cũng như tất cả những người cha, khi con lên xe hoa luôn mong con mãi hạnh phúc, ông dành suy nghĩ khá riêng của mình vào ca khúc viết tặng con gái ngày cưới “Hôn mãi ngàn năm” mà ca sĩ Minh Quân thể hiện và cũng là chủ đề đêm nhạc.
 
Đặc biệt, khán giả được thưởng thức một thể loại nhạc mới - ca kịch - (music call) qua những ca khúc mà ông đã dành phần lớn thời gian nghiên cứu văn học để chuyển nội dung các tác phẩm: Truyện Kiều, Hồn bướm mơ tiên, Mỵ Châu - Trọng Thủy... thành những ca khúc dành tặng người nghe, nhất là lớp người trẻ để qua âm nhạc, họ hiểu hơn và trân trọng thêm giá trị văn hóa dân tộc Viêt Nam.
 
Kỷ lục gia Việt Nam Phạm Đan Quế - người đã có trên 40 năm tìm hiểu, sưu tầm nghiên cứu về Truyện Kiều rất cảm động khi gặp được một nhạc sĩ say mê Truyện Kiều đáng quý như Tạ Đắc. Ông thực sự cảm thấy thú vị với những ca khúc này, nhất là “Mầu tình”, “Vầng trăng ai xẻ làm đôi” mà nghệ sĩ Ánh Tuyết thể hiện trong tiếng đàn dương cầm 
 
Thú vị hơn nữa khi biết được người ấp ủ, tạo ra kịch bản, người đạo diễn chương trình lại là bà Kim Chi - người vợ, cái bóng sự thành công của nhạc sĩ Tạ Đắc. Là người được dự đêm sinh nhật bằng âm nhạc này, tôi ước mong trên sân khấu ca nhạc Việt nam sẽ có nhiều chương trình ca nhạc có ý nghĩa như thế.
 
“Cây đại thụ” âm nhạc Nguyễn Văn Tý, nhà lão thành cách mạng Phan Văn Xoàn, nghệ sĩ opera nổi tiếng Ngọc Dậu, nhiều người nước ngoài và kiều bào lớn tuổi về Việt Nam đón Xuân Tân Mão và nhiều khách từ Hà Nội vào tham dự đêm nhạc có lẽ cũng chung cảm nhận như tôi. Thế nên, tôi xin ghi lại những dòng này thay lời cảm ơn đến gia đình nhạc sĩ Tạ Đắc, nghệ sĩ Ánh Tuyết và sân khấu ATB đã làm nên chương trình âm nhạc thật ý nghĩa và cảm động.
 
 Lê Tuấn

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm