Đêm nay, chung kết Bài hát Việt 2005: Cần những người "chơi" thực sự !

Trong 2 chương trình âm nhạc truyền hình được để ý nhất trong năm - Con đường âm nhạc và Bài hát Việt- thì Bài hát Việt ổn định hơn và có những sự tiến bộ rõ rệt, trong khi Con đường âm nhạc ngày càng thiếu sáng tạo.

Với mục đích tốt đẹp là tìm kiếm những bài hát Việt, sân chơi dành cho nhạc sĩ này chọn một con đường đi khó. Con đường đó không thu hút được những người viết và người hát ngôi sao. Với tâm lý của người nổi tiếng, họ không muốn đem tên tuổi và sự nghiệp của mình ra "đánh đổi". Sự thiếu vắng của nhiều ca sĩ sao đã thể hiện điều đó. Tuy vậy, sau thành công của Bài hát Việt 2005, những ngôi sao hẳn cũng nhận thấy họ cũng có thể "được" rất nhiều từ mảnh đất này. Ví như năm nay, Ngọc Khuê đã tìm thấy một Nguyễn Vĩnh Tiến có khả năng thay thế được Lê Minh Sơn viết nhạc cho cô. Một Tùng Dương cũng hư ảo với nhạc Trần Tiến, Đoan Trang có thể làm quen được với nhạc jazz của Jazzy Dạ Lam...

Từ một sân chơi "xã hội hóa"

Nếu như năm qua bạn đồng hành của Bài hát Việt là Con đường âm nhạc dành sân cho các nhạc sĩ tên tuổi thì Bài hát Việt là sân chơi xã hội hóa để các nhạc sĩ khởi nghiệp có đất thể hiện mình. Bằng chứng là nhiều nhạc sĩ trẻ đã chọn chương trình này để ra mắt như Dương Cầm, Nguyễn Mạnh Hùng, Nguyễn Vĩnh Tiến, Như Huy... Sân chơi truyền hình với lợi thế người xem, dù tác phẩm của các nhạc sĩ được trình bày không như ý muốn tuyệt đối của họ thì cũng có tác dụng "nhấn" vào tai khán giả cái danh nhạc sĩ cho bất kỳ ai gửi bài đến "cuộc thi quy mô và hoành tráng" này.

Như Huy, Nguyễn Vĩnh Tiến có lẽ chẳng cần thêm một giải thưởng nữa (cho dù được thì cũng hay) bởi cho đến nay cái tên của họ không còn nằm trong "khuôn" Bài hát Việt nữa rồi. Huy đã có album Chạm vào và bài Hát ru em trong Bài hát Việt được chuyển qua cho giọng nam có tiếng Tùng Dương. Nguyễn Vĩnh Tiến rục rịch làm album riêng, không cần thiết phải có thêm Bà tôi và Giọt sương bay lên mà hoàn toàn là một concept album với những tác phẩm mới...

Cũng vì mục đích tìm khán giả và tìm cơ hội tiếp thị bài hát từ Bài hát Việt nên đã có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ sắp phát hành album mới tìm đến cuộc thi này. Cả 2 bài mới Chuyện người con gái (Mạnh Quân) và Hoa nắng (Vũ Văn Hà) do ca sĩ Mỹ Dung tự gửi dự thi trước khi album Chuyện người con gái phát hành sau khi biểu diễn tại Bài hát Việt 1; Những khi ta buồn (Võ Thiện Thanh) do Đoan Trang tự gửi tiếp thị album Socola; Giấc mơ của tôi (Anh Quân) mang trọng trách tiếp thị album Giấc mơ của Phương Anh. Cả 2 bài Lê Minh Sơn là Hát một ngày mới và À í a đều để quảng bá album Em và đêm cùng album Thanh Lam - Trọng Tấn phát hành sau đó...

Ngay cả sự xuất hiện của những ca khúc tự sáng tác của "nhạc sĩ" Minh Quân, Y Jang Tuyn, Minh Thư cũng để tiếp thị album riêng của họ trong vai trò ca sĩ mà thôi. Quá ít người sáng tác và chinh phục một cuộc thi với những tiêu chí thắng thua, nghĩa là Bài hát Việt chưa tạo sức hút thực sự với giới sáng tác. Dường như với họ, giải thưởng và sự công nhận của Hội đồng nghệ thuật là một chuyện nhưng không quan trọng bằng sự đón nhận của chính người xem. Lẽ ra, cần công khai có một cuộc vận động sáng tác thêm cho cuộc thi này, vận động ca sĩ ngôi sao thể hiện để tạo sức hút cho khán giả trẻ.

Bài hát Việt và ca khúc đương đại

Một nhạc sĩ nổi tiếng (giấu tên) nhận xét về ca khúc "cổ động" của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý Về Pleiku rằng phong cách và cảm xúc quá cổ điển của những năm 70. Dù đó là một ca khúc mới sáng tác nhưng không thể nói là nhạc đương đại. Theo ông, nhạc Việt đương đại phải là cái hồn hơi thở của người Việt Nam trong âm nhạc hiện đại mà người đương đại đang nghe, đang viết và đang đào sâu nghiên cứu sáng tạo.

Những tác phẩm của Trần Tiến, Lê Minh Sơn, Nguyễn Vĩnh Tiến, Như Huy... trong khuôn khổ chương trình có thể coi là nhạc đương đại với lối hành văn hiện đại và rất Việt cùng những tìm tòi chất liệu dân gian trong ca khúc hiện đại. Đó là bài hát Việt đương đại còn phần lớn những ca khúc nghiệp dư của các tác giả địa phương chưa được đầu tư nhiều để thấy rõ màu sắc đương đại ấy.

Bước vào năm thứ 2, Bài hát Việt có nhiều khả năng và uy tín để tiếp tục nâng tầm cuộc thi hơn nữa. Trong số gần 100 bài hát mà có thể kiếm được 5 bài giá trị, 10 bài ăn khách thị trường thì cũng có thể coi là thành công lớn của năm 2005 rồi. Nhiều người nói, Bài hát Việt đang mở ra những điều mới mẻ. Đầy hy vọng để tin rằng, nếu duy trì được sân chơi này, Bài hát Việt sẽ tìm ra bài hát Việt thực sự, cạnh tranh và che bớt những mảng tối của âm nhạc giải trí hiện nay. Điều quan trọng nhất, nhạc sĩ, ca sĩ phải đồng lòng "chơi" với nhà tổ chức, bớt đi những mục đích cá nhân nhất thời mới có thể tạo được những làn sóng lớn.

 Theo Thanh Niên