Hà Nội:
Đào tạo nghiệp vụ dành cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả
Trong các ngày từ 8 đến 10/07/2009, tại khách sạn Sheraton, Hà Nội sẽ diễn ra khóa đào tạo nghiệp vụ lưu trữ và phân phối dành cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Khóa đào tạo nghiệp vụ lưu trữ và phân phối dành cho các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, diễn ra từ ngày 8-10/7/2009, tại khách sạn Sheraton, Hà Nội
Nội dung chính của khóa đào tạo tập trung vào giới thiệu và hướng dẫn cách sử dụng hệ thống thông tin về tác giả/tác phẩm theo chuẩn của CISAC. Hệ thống thông tin của CISAC được xem như một “ngôn ngữ chung”, giúp các tổ chức thành viên thống nhất được cách quản lý và lưu trữ dữ liệu về tác giả, tác phẩm sử dụng trong hoạt động cấp phép, khai thác tác phẩm và phân phối tiền bản quyền thu được tới các tác giả và chủ sở hữu quyền. Việc tuân thủ theo các quy chuẩn của hệ thống thông tin này là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức thành viên CISAC bởi nó giúp hoạt động cấp phép cũng như công tác phân phối được triển khai nhanh chóng, chính xác và hiệu quả. Hệ thống này đặc biệt hữu ích trong công tác cấp phép sử dụng và phân phối tiền bản quyền cho các tác phẩm âm nhạc quốc tế tại Việt Nam hiện nay.
Với tư cách là thành viên chính thức của CISAC, VCPMC đã cử các cán bộ tham gia khóa đào tạo. Ngoài ra, khóa đào tạo còn có các chuyên viên đến từ những tổ chức quản lý tập thể thành viên CISAC/BIEM thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương như COMPASS (Singapore), MCSC (Trung Quốc), MCT (Thái Lan), IPRS (Ấn Độ), MUST (Đài Loan)…
Học viên tham gia khóa đào tạo được trực tiếp hướng dẫn bởi các chuyên gia của CISAC và BIEM. Cán bộ cấp cao của ASCAP (Hiệp hội Nhạc sĩ, Tác giả và Nhà xuất bản Hoa Kỳ) - một tổ chức giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực này - cũng được mời làm giảng viên tham gia đào tạo.
Việc khóa đào tạo của CISAC/BIEM được tổ chức tại Hà Nội cho thấy sự tham gia tích cực của VCPMC trong hoạt động chung của cộng đồng các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả trên thế giới. Đây là cơ hội rất tốt để VCPCM tiếp tục củng cố, tăng cường quan hệ với các tổ chức bạn bè trong khu vực và cũng là dịp thuận lợi để các tổ chức trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm với nhau nhằm nâng cao năng lực hoạt động, giúp công tác bảo vệ quyền tác giả được thực hiện hiệu quả hơn nữa.