Đạo diễn Gala nhạc Việt Trần Thành Trung: "Tôi ưu tiên cảm xúc, câu chuyện"
(Dân trí) - Đạo diễn, nhà sản xuất Trần Thành Trung chia sẻ quan điểm làm nghề, tiềm năng của thị trường giải trí Việt Nam trong bối cảnh các gameshow trở nên ăn khách, nhiều concert cháy vé.
Đạo diễn, nhà sản xuất Trần Thành Trung có 17 năm hoạt động trong lĩnh vực giải trí. Năm 2023, Trần Thành Trung làm cố vấn The new mentor (Người mẫu toàn năng), giám khảo Chị đẹp đạp gió rẽ sóng.
Anh cũng là người đứng sau thành công của nhiều chương trình như Gala nhạc Việt, các liveshow của Hồ Ngọc Hà... Gần đây, chương trình Gala nhạc Việt gây sốt với sự trở lại của Minh Hằng sau nhiều năm vắng bóng.
Dịp này, Trần Thành Trung chia sẻ với phóng viên Dân trí về hành trình sự nghiệp, cách vượt qua áp lực sáng tạo trong thị trường nhiều thay đổi, biến động và dự định tương lai.
"Khi khởi nghiệp, tôi gặp vô vàn khó khăn"
17 năm về trước, khi mới bắt đầu làm việc ở một công ty nổi tiếng, Trần Thành Trung nhận thấy thị trường giải trí thời điểm đó có những tiềm năng nào để anh phát triển và gắn bó lâu dài với nghề?
- Thời điểm đó, thị trường giải trí Việt Nam đang bắt đầu cất cánh. Các công ty giải trí lớn nhỏ mọc lên liên tục, kéo theo sự xuất hiện của nhiều chương trình truyền hình, gameshow ăn khách như "Bước nhảy hoàn vũ", "Cặp đôi hoàn hảo" hay các liveshow ca nhạc hoành tráng.
Tôi nhận thấy đây là giai đoạn "vàng" với rất nhiều cơ hội và tôi tin chắc rằng giải trí sẽ luôn là một ngành nghề hấp dẫn. Dù mỗi giai đoạn có sự thay đổi về xu hướng hay định hướng sáng tạo, tiềm năng của nó vẫn không ngừng mở rộng.
Đâu là giai đoạn đáng nhớ nhất trong sự nghiệp đạo diễn Trần Thành Trung?
- Hành trình của tôi có nhiều mốc đáng nhớ. Giai đoạn đầu tiên khi tôi còn chập chững làm quen với nghề, tôi đã có cơ hội tham gia sản xuất những chương trình đình đám như Giọng hát Việt, Hòa âm ánh sáng, Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam...
Sau đó, khi bắt đầu xây dựng thương hiệu Gala Nhạc Việt, tôi thấy mình bước sang một trang mới. Đây không chỉ là chương trình âm nhạc mà còn là nơi hội tụ các nghệ sĩ tên tuổi, tạo dấu ấn riêng trong lòng khán giả. Ngoài ra, vai trò cố vấn cho các chương trình lớn cũng là bước ngoặt giúp tôi mở rộng tầm nhìn và hiểu rõ hơn về công việc.
Khi mở công ty riêng, Trần Thành Trung từng gặp những khó khăn gì?
- Bất kỳ ai khởi nghiệp cũng đều đối mặt với vô số khó khăn, từ chi phí vận hành, tuyển dụng nhân sự cho đến việc tìm kiếm khách hàng. Tôi không là ngoại lệ.
Nhưng tôi may mắn khi có một đội ngũ tận tâm, cùng chung tầm nhìn. Sau một thời gian ngắn, công ty dần đi vào ổn định và phát triển qua từng năm. Khó khăn ban đầu giúp tôi học được sự kiên nhẫn và cách tối ưu hóa mọi nguồn lực để đạt được hiệu quả cao nhất.
Tố chất làm nên một đạo diễn, nhà sản xuất thành công, theo anh là gì?
- Điều đầu tiên và cốt lõi là bạn phải thực sự giỏi trong lĩnh vực của mình, cần am hiểu công việc, không ngừng học hỏi và nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội.
Với trải nghiệm của anh, sự may mắn đóng góp bao nhiêu % để đạt được thành tựu?
- May mắn đóng vai trò không nhỏ trong sự nghiệp. Cá nhân tôi cảm thấy mình may mắn khi có cơ hội làm việc với những cộng sự tận tâm và các đối tác có cùng tầm nhìn. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào may mắn mà thiếu đi sự nỗ lực thì thành công cũng chỉ là nhất thời.
Các cộng sự từng nhận xét Trần Thành Trung là người cầu toàn. Khi quá trình làm việc không như ý, anh đối mặt, xử lý vấn đề ra sao?
- Tôi nghĩ không chỉ mình tôi là cầu toàn khi làm việc, đa số người thành công và đi lên bằng thực lực đều có những yêu cầu riêng cho công việc. Đối với họ, kỷ luật bản thân cũng như kỷ luật khi làm việc được đặt lên hàng đầu.
Tôi cho rằng sự cầu toàn là điều cần thiết nếu bạn muốn đạt đến sự hoàn thiện trong công việc. Khi gặp vấn đề, điều đầu tiên tôi làm là bình tĩnh phân tích nguyên nhân và tìm hướng khắc phục. Việc đặt ra các giải pháp thay thế giúp giảm thiểu rủi ro và duy trì chất lượng công việc. Đối với tôi, mỗi khó khăn đều là bài học quý giá để cải thiện bản thân.
Khi sản xuất một dự án, anh ưu tiên cảm xúc, câu chuyện hay doanh thu, hiệu suất kinh doanh?
- Tôi luôn ưu tiên cảm xúc và câu chuyện. Những ai làm việc với tôi đều biết rằng tôi không ngần ngại thực hiện các dự án cộng đồng, dù đôi khi không mang lại lợi nhuận. Nhưng đổi lại, các chương trình này đem lại giá trị ý nghĩa và lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.
"Doanh thu ít hay nhiều, chúng tôi đều tâm huyết"
Đứng sau thành công của thương hiệu "Gala Nhạc Việt", đêm nhạc "Love songs" của Hồ Ngọc Hà... và nhiều dự án khác của sao quốc tế, anh rút ra được những bài học, kinh nghiệm gì khi sản xuất chương trình?
- Mỗi chương trình là một bài học lớn và tôi luôn cố gắng làm tốt hơn ở lần sau. Chẳng hạn, việc tạo sự khác biệt và đổi mới trong từng chi tiết giúp chương trình không bị nhàm chán. Khán giả theo dõi các sản phẩm của tôi có thể thấy rằng mỗi chương trình đều có sự đầu tư lớn hơn cả về ý tưởng lẫn cách thức thực hiện.
Khi "cạn ý tưởng", Trần Thành Trung làm gì để khơi dậy cảm hứng, sự sáng tạo?
- Dù ban ngày bận đến đâu, tôi luôn dành khoảng thời gian ban đêm ở nhà để tiếp tục làm việc, suy nghĩ ý tưởng mới. Dường như mọi ý tưởng đã thành hình của tôi đều đến từ những lần thức thâu đêm đến sáng.
Tuy nhiên, mỗi lần như vậy, tôi không thấy mệt mà rất hào hứng mỗi khi nghĩ ra được một ý tưởng nào đó. Trong cuộc sống, tôi luôn sắp xếp thời gian để đi du lịch, nghỉ dưỡng một cách hợp lý, không để tinh thần của mình quá mệt mỏi rồi mới nghỉ ngơi.
Anh sắp xếp thời gian thế nào để điều hành 2 công ty với nhiều công việc, dự án bận rộn?
- Việc điều hành cùng lúc 2 công ty không hề đơn giản, nhất là với lượng công việc khổng lồ mỗi ngày. Tuy nhiên, may mắn là tôi có các cộng sự giỏi và có tâm. Với tôi, điều tự hào nhất trong suốt gần 20 năm đi làm chính là những cộng sự.
Nhiều công ty giải trí Việt Nam gặp khó khăn khi thị trường bão hòa, kinh tế suy giảm. Với Trần Thành Trung, anh có chiến lược gì để duy trì hoạt động 2 công ty?
- Thật ra đây là tình hình chung mà tất cả doanh nghiệp phải đối mặt, không riêng gì ngành giải trí.
Trong thời điểm không thuận lợi này, chúng tôi càng phải thận trọng và chăm chỉ hơn. Chúng tôi trân trọng từng cơ hội mình đang có để tối ưu hóa hiệu quả và chất lượng công việc. Song song đó phải tái cơ cấu để thích ứng với thị trường, đồng thời nâng cao chất lượng từng chương trình, sản phẩm mình làm ra.
Từng làm cố vấn "The new mentor" và "Chị đẹp đạp gió rẽ sóng", anh đánh giá ra sao về khó khăn, thuận lợi của mảng sản xuất gameshow trong nước, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy giảm, nhiều công ty phải cắt giảm chi phí, áp lực kêu gọi nhà tài trợ?
- Một chương trình truyền hình thực tế ngốn chi phí rất "khủng", nguồn nhân lực lớn cùng vô vàn những điều khó khăn không tên khác. Bất kỳ công ty nào từng làm show thực tế sẽ hiểu những điều tôi nói, vì người ngoại đạo khó mà hình dung được hết quá trình vận hành.
Còn điều thuận lợi là thời điểm này khán giả Việt Nam đã quen với hình thức chương trình thực tế và họ cũng cập nhật rất nhanh các xu hướng thế giới. Do vậy, đa số chương trình làm ra đều hút khách, liên tục vào bảng xếp hạng xu hướng.
Năm nay, 2 show "Anh trai say hi" và "Anh trai vượt ngàn chông gai" tạo tiếng vang lớn. Theo anh, gameshow truyền hình và ngành công nghiệp biểu diễn nội địa đã phục hồi ra sao?
- Như tôi đã nói ở trên, thị trường giải trí nói chung và ngành công nghiệp biểu diễn Việt Nam nói riêng sẽ luôn có tiềm năng phát triển, chỉ khác nhau ở từng thời điểm. Ngay lúc này, chúng ta có thể thấy là thị trường đang bùng nổ gameshow, chương trình nào cũng ăn khách.
Chưa kể, các liveshow cá nhân của các ca sĩ và chương trình thời trang của các nhà thiết kế cũng liên tục diễn ra, cùng với đó là rất đông khán giả đến xem trực tiếp. Tình trạng "cháy vé" của nhiều show đã và đang xảy ra là tín hiệu tốt.
Nếu nói các chương trình "Anh trai" chỉ là hiện tượng chứ chưa thể khẳng định thị trường âm nhạc, công nghiệp biểu diễn của Việt Nam đã có "chương mới", anh nghĩ sao?
- Theo tôi, các chương trình nói trên gần như tiệm cận tiêu chuẩn của những chương trình truyền hình quốc tế.
Sự thành công của Anh trai say hi và Anh trai vượt ngàn chông gai tạo ra bước ngoặt, giúp kéo nền giải trí của Việt Nam đi lên, giúp thị trường gameshow nội địa không còn loay hoay tìm hướng đi như trước đây nữa. Ngày nay, khán giả Việt cũng ủng hộ sao Việt không thua kém sự ủng hộ dành cho sao quốc tế.
Anh đánh giá ra sao về tiềm năng của nghệ sĩ Việt bước ra quốc tế?
- Nghệ sĩ Việt Nam kiếm tiền ở thị trường nước ngoài sẽ là câu chuyện ở tương lai. Hiện tại, chúng ta có một số bước đi đầu tiên từ Chi Pu, Quang Hùng Master D, Hồ Ngọc Hà...
Nhưng phải nhìn nhận Việt Nam vẫn là thị trường nhỏ so với quốc tế, các ca sĩ Việt chủ yếu hoạt động đơn lẻ. Để thương hiệu âm nhạc Việt Nam tiến xa hơn sẽ cần đến sự chung tay của cả một hệ thống.
Năm nay, dấu ấn lớn nhất khiến anh thỏa mãn, hài lòng trong công việc là gì?
- Điều tôi luôn tự hào và hài lòng nhất không chỉ riêng năm nay mà suốt hành trình làm nghề đó chính là uy tín và thương hiệu bản thân cũng như công ty có được trên thị trường.
Dù là chương trình gì, có doanh thu ít hay nhiều hoặc không có doanh thu, mỗi khi chúng tôi nhận lời đồng hành đều dành hết tâm sức vào dự án.
Dự định năm mới của đạo diễn Trần Thành Trung?
- Mỗi dịp đầu năm mới cũng là dịp chúng tôi tất bật nhất với những dự án về Tết. Những chương trình ca nhạc đón năm mới đã trở thành món ăn tinh thần gắn bó với một bộ phận khán giả nhất định. Chúng tôi sẽ đầu tư nhiều chất xám, nhân sự để thực hiện.
Sau Tết, chúng tôi sẽ làm một số dự án âm nhạc cộng đồng lớn quy tụ nhiều nghệ sĩ để kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước.
Cảm ơn anh vì những chia sẻ!