Đại sứ các nước trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt

Hà Thanh

(Dân trí) - Sự kiện "Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt" đã diễn ra ngày 7/2 tại đền Mẫu Phố Cò, TP Sông Công, Thái Nguyên với sự tham gia của 6 đại sứ các nước.

Ngày 7/2 (mùng 10 tháng Giêng năm Ất Tỵ), tại Phổ Quang linh từ (Đền Mẫu Phố Cò), TP Sông Công, Thái Nguyên đã diễn ra chương trình Giao lưu văn hóa chào Xuân 2025, tìm hiểu về "Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt".

Tham dự chương trình có ngài Gaman Oleksandr, Đại sứ Ukraine; ngài Keijo Novarto, Đại sứ Phần Lan; bà Joanna Skoczek, Trưởng phái đoàn Đại sứ quán Ba Lan; ngài Hynek Kmoniček, Đại sứ CH Séc; ngài Jamale Chouaibi, Đại sứ Maroc; bà Carmen Cano de Lasala, Đại sứ Tây Ban Nha.

Tại chương trình, đại sứ các nước đã được tham quan, tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt thông qua giới thiệu về Tam Tòa Thánh Mẫu; trải nghiệm thực hành nghi lễ hầu đồng...

Đại sứ các nước trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - 1

Đại sứ 6 nước tìm hiểu, trải nghiệm về thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (Ảnh: H.G).

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Đạo mẫu Việt Nam chia sẻ tại sự kiện rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ không chỉ là một yếu tố văn hóa đặc sắc của người Việt, mà còn là một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của cộng đồng.

Tín ngưỡng này tập trung vào việc thờ cúng các vị thần linh, trong đó có Mẫu - một biểu tượng của sự che chở, bảo vệ và mang lại may mắn cho con người. Trong tín ngưỡng thờ Mẫu, mỗi một vị Thánh Mẫu đều có những đặc trưng riêng và được thờ cúng để cầu mong sức khỏe, tài lộc và bình an cho gia đình, cho dân tộc.

Đạo Mẫu là tín ngưỡng bản địa có nguồn gốc từ lâu đời, đã từng tồn tại trong thời kỳ lâu dài của lịch sử chế độ phong kiến, nhất là từ thế kỷ 15 đến 19. Đạo Mẫu phát triển mạnh mẽ trong xã hội hiện nay, ở cả đồng bằng, đô thị và miền núi, đã góp phần tạo nên bức tranh đa dạng và phong phú của tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam.

Tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ đơn thuần là một hình thức tôn giáo, mà còn là một nét văn hóa đặc trưng thể hiện sự kết nối giữa con người với thiên nhiên, đất trời và các thế lực siêu nhiên. Nó phản ánh tâm hồn và tình cảm của người Việt đối với mẹ, với đất, với trời, và với những giá trị văn hóa truyền thống.

Thông qua các truyền thuyết, sự kiện lịch sử, nghi lễ phong phú và các lễ hội đặc sắc, Đạo Mẫu đã trở thành một bảo tàng sống, phản ánh đa dạng các khía cạnh văn hóa truyền thống cần được gìn giữ và phát huy cho các thế hệ mai sau. Đồng thời tín ngưỡng thờ Mẫu luôn thích ứng với những thay đổi của hoàn cảnh lịch sử, hòa quyện cùng nhiều tôn giáo khác, góp phần tô điểm cho bức tranh văn hóa đa chiều của văn hóa dân tộc.

Đại sứ các nước trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - 2

Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh chia sẻ về di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu (Ảnh: H.G).

Hầu đồng là nghi lễ quan trọng nhất trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt. Trong nghi lễ hầu đồng đã hội tụ một hệ thống tri thức và văn hóa phong phú, bao gồm các hoạt động tích hợp những giá trị văn hóa nghệ thuật được dân gian đúc kết từ bao đời nay với một hệ thống kho tàng các di sản như lễ hội, lên đồng, hát văn, cầu cúng và những yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc và múa.

Sự kết hợp nghệ thuật của những yếu tố này đã tạo nên một "bảo tàng sống" trong việc gìn giữ những giá trị lịch sử và bản sắc văn hóa của người Việt về văn học, âm nhạc, vũ đạo, mỹ thuật, kiến trúc, lễ hội dân gian và nghệ thuật trình diễn…

Tháng 12/2016, UNESCO đã công nhận thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

"Sự kiện lần này là dịp để các đại sứ nói riêng và bạn bè quốc tế nói chung hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu và văn hóa Việt Nam. Tôi mong rằng tín ngưỡng thờ Mẫu được lan tỏa tới các nước để kiều bào Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài và nhân dân các nước hiểu về những giá trị đặc sắc của văn hóa Việt Nam nói chung và tín ngưỡng thờ Mẫu nói riêng", Nghệ nhân Ưu tú Đặng Ngọc Anh nói.

Đại sứ các nước trải nghiệm thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt - 3

Đại sứ Phần Lan Keijo Novarto chia sẻ tại chương trình (Ảnh: Ban tổ chức).

Đã làm việc tại Việt Nam 4 năm, đây là lần đầu tiên Đại sứ Phần Lan Keijo Novarto được tìm hiểu và trải nghiệm với di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt.

"Tôi không thể nói hết được cảm giác thích thú của bản thân. Đất nước chúng tôi cũng có những tôn giáo riêng và những niềm tin riêng, nhưng với tín ngưỡng thờ Mẫu, tôi cảm nhận được một giá trị cao cả, đó là sự ban tặng, cho đi, che chở của người Mẹ.

Tôi thực sự đã tiếp nhận được những kiến thức mới, những cảm nhận mới, một nét đẹp văn hóa tâm linh tuyệt vời. Các bạn đang gìn giữ rất tốt giá trị văn hóa, di sản mà UNESCO đã ghi danh", ông nói.

Chia sẻ cảm nhận về tín ngưỡng thờ Mẫu, bà Iryna Gaman, phu nhân Đại sứ Ukraine cho biết: "Tôi rất vui khi có dịp trải nghiệm một tín ngưỡng rất đặc biệt, một công trình văn hóa công phu của Việt Nam. Trong quá trình thực hành, nghệ nhân đã hóa thân vào các nhân vật lịch sử. Qua đó, tôi cũng hiểu hơn về văn hóa Việt Nam, thấy gần gũi và thêm yêu đất nước của các bạn".