(Dân trí) - Mắm sò Lăng Cô (tỉnh TT-Huế) sẽ trở thành món nước chấm ngon tuyệt khi sử dụng với rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ; khi ăn sẽ có vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ.
Lăng Cô (Thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nổi tiếng với nhiều loại đặc sản tươi sống như tôm, cua, ghẹ, mực, sò lông, sò huyết, vẹm, hầu… nhờ sự ưu ái của thiên nhiên ban tặng điều kiện tự nhiên biển, đầm phá bao bọc.
Trong đó con Sò hay tiếng địa phương gọi là Sặc cũng là một loại đặc sản đầm Lăng Cô tuy không được ưa chuộng sử dụng tươi sống nhiều như các loại đặc sản khác nhưng lại nổi tiếng thơm ngon qua một công đoạn chế biến thành một loại mắm gọi là mắm sò.
Cào sò trên đầm Lăng Cô
Con sò dường như có mặt quanh năm, chỉ trừ những lúc thời tiết mưa gió tháng 9, tháng 10 nước dâng cao người dân không thể đi cào thì sò mới hiếm. Để cào được sò cũng không phức tạp lắm, chỉ một cái bàn cào nhỏ và một cái giỏ hoặc một cái gì bất kỳ để đựng sò cùng với thời điểm nước ròng thuận lợi (khoảng 14 - 18 giờ chiều). Để bắt được sò không khó nhưng để bắt được nhiều sò lại đòi hỏi người bắt phải bền bỉ, kiên trì, ngâm mình trong nước mặn cả ngày, thậm chí là nước nóng của buổi chiều hoặc nước dâng cao ngang cổ.
Bí quyết chế biến để có một loại mắm thơm ngon
Ở Lăng Cô hiện nay có rất nhiều hộ gia đình có thể tự làm mắm sò nhưng nổi tiếng làm mắm sò có tiếng thơm ngon là gia đình Mệ Cặn với 20 năm làm mắm sò ở ngay ngã ba đường vào chợ Lăng Cô. Theo Mệ Cặn, để làm được mắm sò thì không khó nhưng để có một chai mắm sò thơm ngon, để được lâu đòi hỏi người làm mắm phải hiểu rõ đặc tính của sò và phải có cái tâm.
Sò được mua về lấy mũi dao nhọn cậy vỏ lấy sò, rửa thật sạch cát và các tạp chất nhiều lần đến lúc nước trong. Không được ngâm nước quá lâu thì sò sẽ nở to lợi cho người làm mắm nhưng mắm sẽ mau hỏng; sau đó vớt ra rá (rổ), để khô nước chừng 50 phút, đổ sò đã khô nước vào thau sạch, bỏ muối hột (hay còn gọi là muối sống) được giã mịn với tỷ lệ 10 chén sò: 2 chén muối.
Gia đình mệ Cặn đang làm mắm sò
Tuyệt đối không được bỏ muối bột (hay muối chín) vì muối bột có độ mặn thấp dễ hư mắm, nhưng nếu bỏ nhiều muối quá mặn cũng không thể ăn; ớt bột và riềng sắc nhỏ bỏ tỷ lệ tùy thuộc nhu cầu người ăn cay nhiều hay ít; trộn thật đều sò, muối, ớt, riềng rồi bỏ liền vào chai hoặc thẩu nhựa đậy thật kín, không để ra ngoài quá lâu ruồi nhặng bám vào rất dễ sinh giòi và mắm cũng nhanh hỏng.
Mắm khi được đưa vào thẩu đậy kín trong vòng 8 - 10 ngày mắm sẽ chín và có thể ăn được, biểu hiện mắm chín rõ nhất là phần xác sò sẽ nổi lên trên, phần nước bên dưới có màu đục như màu nước mắm. Sò càng lên cao, nước mắm bên dưới thẩu càng nhiều chứng tỏ mắm ấy để đã lâu, khách hàng khi mua nhằm loại mắm này cần ăn liền không nên để thêm mắm sẽ nhanh hỏng.
Để có một chén mắm sò thơm ngon, đúng hương vị
Nhìn thấy nước bên dưới chai mắm là lúc mắm có thể ăn được, ta dùng đũa sạch vớt ra một lượng mắm vừa đủ dùng và đóng lại thật kín nhằm bảo quản lần sau; khi múc mắm ra chén, ta thấy có màu đỏ tươi rất bắt mắt, giã một ít tỏi trộn lẫn vào mắm để tăng thêm mùi thơm và hương vị của mắm. Nếu thấy mặn ta có thể cho thêm ít đường, bột ngọt tùy thuộc khẩu vị người thưởng thức để linh hoạt gia giảm gia vị.
Mắm sò sẽ rất thơm ngon khi ăn với cơm nóng hoặc có thể trở thành món nước chấm khi sử dụng thêm rau sống, dưa giá, khế chua kẹp thịt ba chỉ đảm bảo khi ăn sẽ có vị dai, thơm của sò, vị mặn của mắm, vị chua của khế và vị béo của thịt ba chỉ.
Món mắm sò Lăng Cô chắc hẳn du khách sẽ không còn xa lạ, nhưng để thưởng thức đúng thời điểm và hương vị của mắm thì có lẽ vẫn còn nhiều hạn chế. Qua bài viết này, chúng tôi muốn đưa đến cho du khách món mắm sò địa phương dân dã thơm ngon, ăn mãi không chán, có thể dùng trong các bữa ăn hàng ngày, các buổi tiệc hoặc dùng làm quà biếu cho bạn bè thì quả là rất quý.
Mắm sò kẹp thịt ba chỉ không quá bình dân nhưng cũng chẳng phải cao sang nhưng lại đọng vào lòng người tất cả những gì của các vị giác cay, chua, mặn, ngọt khi biết kết hợp hài hòa các yếu tố tạo nên hương vị mắm sò Lăng Cô.