Cuốn sách mang đến sự thực trần trụi về tình dục, tình yêu và hôn nhân
(Dân trí) - Nhà hiền triết Jiddu Krishnamurti đã mang đến những soi chiếu về cái sự thật tâm lý trần trụi của tình dục, tình yêu và hôn nhân, dưới sự thống trị của tâm trí, của cái tôi nơi con người hiện đại với cuốn sách “Bạn đang nghịch gì với đời mình?”
Tình dục là… trốn chạy
Chuyện tình dục ở đây là một hành động, hay là một ý nghĩ về hành động?
Hành động tính dục thì chẳng gây phiền hà gì hơn so với chuyện ăn uống. Nhưng nếu bạn nghĩ về chuyện ăn uống hay bất cứ thứ gì suốt cả ngày, do trong đầu bạn chẳng còn gì khác, thì nó trở thành vấn đề.
Chúng ta ngụ ý gì khi nói đến tình dục? Đó là một hành động thể xác thuần túy hay là những ý nghĩ kích thích, lôi cuốn chúng ta hành động?
Đời sống ta thiếu cân bằng vì chúng ta đã biến tình dục thành một con đường thoát thân; và cái xã hội văn minh hiện đại này cũng hết mực ủng hộ điều đó, cứ thử nhìn vào các mẩu quảng cáo và ngành phim ảnh với những gợi ý về cử chỉ, tư thế và dáng vẻ bề ngoài mà xem.
Từ phim ảnh, tạp chí cho đến mấy mẩu chuyện và cách phụ nữ ăn vận, mọi thứ đều khiến bạn suy nghĩ về tình dục. Tại sao tâm trí cứ luôn nghĩ về tình dục? Tại sao nó trở thành vấn đề nan giải nhưng trọng yếu trong cuộc đời bạn? Trong khi có rất nhiều thứ đòi hỏi sự chú tâm của bạn, bạn lại dành trọn sự chú ý cho những suy nghĩ tình dục, tại sao tâm trí bạn lại quá bận tâm về điều đó vậy?
Bởi vì đó là phương cách chạy trốn, là phương cách tìm quên hoàn toàn, theo Krishnamurti:
1. Tất cả những gì bạn làm trong cuộc đời đều nhấn mạnh vào cái tôi, vào bản ngã: công việc của bạn, tôn giáo của bạn, thượng đế của bạn, cấp trên của bạn, hoạt động chính trị và kế hoạch kinh tế của bạn, sự trốn chạy của bạn, hoạt động xã hội của bạn, những bữa tiệc của bạn,… Hết thảy chúng đều đề cao và tiếp thêm sức mạnh cho cái tôi. Giờ đây, vì bạn còn một phương tiện trốn chạy cuối cùng giúp bạn quên đi chính mình, dù chỉ trong giây lát, bạn sẽ vồ lấy nó để được hưởng cái khoảnh khắc duy nhất mà bạn cảm thấy hạnh phúc.
2. Tình dục là một vấn đề, vì trong hành động đó vắng bóng cái tôi. Trong khoảnh khắc sự ý thức về bản thân tạm thời biến mất, chúng ta hạnh phúc hoàn toàn với sự hợp nhất, giao hòa trọn vẹn, không mảy may bận tâm về quá khứ hay tương lai.
3. Theo một cách tự nhiên, chúng ta mong muốn cảm giác hạnh phúc ấy được tái hiện, rồi dần dần việc đó trở nên hoàn toàn quan trọng với chúng ta; vì đó là thứ trao cho ta niềm vui thuần khiết và khoảnh khắc quên mình hoàn toàn.
Ở bất cứ nơi nào khác, chúng ta đều mắc kẹt trong trạng thái xung đột là vì ở tất cả các cấp độ hiện sinh khác nhau, cái tôi cũng như ý thức về bản thân đều phát triển mạnh mẽ, dù là trên phương diện kinh tế, xã hội, hay tôn giáo. Đó chính là sự xung đột. Vì ý thức về bản thân đến từ sự xung đột nên trong mọi mối tương quan giữa chúng ta với tài sản, con người và các ý tưởng đều ẩn chứa sự xung đột, tranh đấu, nỗi đau đớn, khốn khổ.
Chỉ riêng trong tình dục, ta mới chứng kiến tất cả những điều đó tan biến. Chỉ riêng trong tình dục ta cảm thấy hạnh phúc trong khi mọi điều khác dẫn ta đến nỗi khổ, sự rối loạn, xung khắc, hỗn độn, đối kháng, chiến tranh, hủy hoại. Thế thì tình dục nghiễm nhiên trở nên giàu ý nghĩa và hoàn toàn thiết yếu trong cuộc sống của chúng ta.
4. Vậy vấn đề không nằm ở tình dục mà là ở cái tôi. Cái bạn đang tìm kiếm là niềm hạnh phúc, khi cái tôi cùng với tất cả sự xung khắc do nó gây ra không còn tồn tại.
Tuy vậy, Krishnamurti nêu câu hỏi: Bạn muốn cảm nhận được niềm hạnh phúc đó trong thoáng chốc qua hành động tình dục; hay là bạn kiểm soát bản thân, vì tìm kiếm sự tự do khỏi xung đột cũng chính là niềm vui.
Theo ông, nếu ta có thể được tự do khỏi xung đột, ta sẽ luôn hạnh phúc ở mọi cấp độ hiện sinh của cuộc sống.
Ham muốn, chiếm hữu, hôn nhân và tình yêu
Theo Krishnamurti, tình yêu xuất hiện từ sự thấu hiểu về các mối quan hệ. Sự sùng bái, hiến dâng không phải là tình yêu mà là một hình thức mở rộng cho cái tôi.
Tình yêu là một trạng thái vắng mặt cái tôi và sự kết án, tình yêu không kết luận rằng tình dục là đúng hay sai. Khi tồn tại tình yêu thì tình dục không phải là một vấn đề, sự thiếu thốn tình yêu mới khiến nó trở thành một vấn đề.
Ham muốn không phải là tình yêu. Ham muốn dẫn đến sự thỏa mãn, hoặc ham muốn chính là sự thỏa mãn.
Khi bạn chiếm hữu một con người và từ đó tạo ra một xã hội ủng hộ việc chiếm hữu con người, thì đó đâu phải là tình yêu. Nơi nào đã chất chứa sự ghen tỵ, nỗi sợ hãi, thói chiếm hữu thì nơi đó không có tình yêu.
Cuộc sống của chúng ta bị cơ thể và tâm trí thống trị. Chúng ta không yêu thương, mà chúng ta thèm khát được yêu thương; chúng ta cho đi để được nhận lại, tức là tâm trí ta đang cho đi còn con tim ta thì không. Bản năng của tâm trí là tìm kiếm sự thỏa mãn. tình yêu không bao giờ xuất phát từ tâm trí.
Cái mà chúng ta gọi là tình yêu, hóa ra lại là tâm trí. Chúng ta lấp đầy con tim mình bằng những thứ thuộc về tâm trí và do đó trái tim ta thật ra trống rỗng và khô cằn, bởi tâm trí thì không khi nào thôi bám víu, đố kỵ, kìm giữ và hủy hoại.
“Khi bạn tận dụng tôi như một bậc thầy tâm linh và tôi tận dụng bạn như một môn đệ, đây chính là sự khai thác lẫn nhau.” - Krishnamurti phân tích – “Tương tự, việc bạn tận dụng vợ con bạn để trục lợi cho bản thân cũng là một sự khai thác, khi đó chắc chắn không tồn tại tình yêu. Sự tận dụng song hành cùng sự chiếm hữu, nuôi dưỡng nỗi sợ hãi và đưa đường dẫn lối cho sự đố kỵ, ghen tuông, hoài nghi”.
Nơi nào có sự chiếm hữu thì nơi đó không bao giờ tồn tại tình yêu thương. Nơi nào có sự ràng buộc, nơi đó có nỗi sợ hãi, không có tình yêu.
Khi không có tình yêu thì khuôn vàng thước ngọc của hôn nhân trở nên cần thiết. Không có tình yêu, sự hài lòng trong mối quan hệ nhanh chóng dẫn đến sự chán nản và lối mòn của thói quen, với tất cả những hệ quả của nó.
Hôn nhân mà không có tình yêu, chỉ vì sự thỏa mãn đơn thuần, thì thật đáng hổ thẹn.
Tình yêu chỉ xuất hiện và tồn tại khi cái tôi vắng mặt.
Khi biết cách yêu một người, bạn biết cách yêu mọi người và cả thế giới. Dù bạn không nói: “Tôi yêu cả thế giới” nhưng khi biết cách yêu một người, bạn cũng biết cách yêu mọi người và yêu thương thế giới.
Nhựt Minh
(Theo Firstnew)