Khai mạc Liên hoan thơ Châu Á- TBD lần thứ nhất:
Cơ hội quảng bá nền thi ca Việt Nam
(Dân trí) - Liên hoan thơ châu Á - TBD lần I do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức khai mạc vào ngày hôm nay 2/2 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đây là sự kiện văn hóa lớn để quảng bá nền thi ca Việt Nam với bạn bè quốc tế.
Trước ngày khai mạc Liên hoan thơ Châu Á – TBD lần thứ nhất, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết sự kiện văn hóa này hội tụ nhiều thi nhân thế giới. Đây là nơi hội ngộ thi ca của các vùng di sản thế giới, mang đậm nét văn hóa truyền thống độc đáo của mỗi dân tộc trong nước và khu vực, là dịp để các nhà thơ, người yêu thơ gặp gỡ, trao đổi. Nơi đây cũng là nơi quần tụ là những nhà thơ danh giá trong khu vực, có đóng góp cho sự phát triển thơ ca Việt Nam.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều tiết lộ, số đại biểu chính thức là các nhà thơ, nhà văn trong nước chỉ gói gọn khoảng 40-50 người là các nhà thơ trong Hội đồng thơ, các nhà thơ trực tiếp tham gia sự kiện và các nhà thơ đã được Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Tuy nhiên, liên hoan là nơi mà mọi người được mời đến để cùng nhau chia sẻ với nhau vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Châu Á nói chung được bộc lộ và lan tỏa qua thi ca nên BTC kỳ vọng sẽ được nhận được sự góp mặt của và góp mặt nhiều của đông đảo các nhà thơ, những người yêu mến thi ca cả nước.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cũng cho biết, liên hoan thơ Châu Á- TBD là sáng kiến xuất phát từ ý tưởng mong muốn quảng bá nền thi ca Việt Nam với bạn bè quốc tế cũng như giới thiệu các tác phẩm, tác giả nổi tiếng ở nhiều nền thi ca trên thế giới tới công chúng Việt Nam.
Chia sẻ với báo chí trước thềm liên hoan, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều cho hay, nội dung của liên hoan chủ yếu sẽ là đọc thơ, giao lưu với công chúng. Tại cuộc hội thảo "Thơ ca vì một Châu Á- TBD hòa bình, hợp tác, hữu nghị và phát triển", các nhà thơ sẽ đọc tham luận của mình về vẻ đẹp của thiên nhiên, con người châu A, trong thơ ca và sứ mệnh của thơ ca nhằm gìn giữ, làm lan tỏa vẻ đẹp đó. Hội Nhà văn Việt Nam đã tiến hành tập hợp những tham luận, tác phẩm và tiểu sử của các nhà thơ và tiến hành công tác dịch thuật.
Nhà thơ nói, rút kinh nghiệm từ những liên hoan có yếu tố nước ngoài trước đây- các đại biểu lúng túng không hiểu tiếng nước bạn, BTC Hội Nhà văn Việt Nam cũng chuẩn bị một đội ngũ phiên dịch là sinh viên xuất sắc ở Học viện quan hệ quốc tế và Đại học Ngoại ngữ làm tình nguyện viên, để đảm bảo tất cả các đoàn của các nước đều có phiên dịch. Cùng đó, các nhà văn, nhà thơ có khả năng sử dụng ngoại ngữ tốt như Phan Triều Hải, Di Li, Nguyễn Phan Quế Mai... cũng tham gia vào công tác tổ chức, dịch thuật. Đặc biệt, những tham luận của các nhà thơ tại liên hoan lần này sẽ được tập hợp và có thể lập thành tập kỷ yếu để sức sống của thơ sẽ đến gần với công chúng và người yêu thơ hơn.
Ngoài giao lưu đọc thơ, ngay sau khi tham dự hội thảo tại Quảng Ninh, các nhà thơ trong nước cũng như quốc tế cùng tham gia nhiều hoạt động khác như tham quan các di sản, di tích văn hóa của Việt Nam như Hạ Long, chùa Tây Phương, thăm làng gốm Bát Tràng…
N.H