1. Dòng sự kiện:
  2. Phim "Địa đạo"
  3. Bê bối của diễn viên Kim Soo Hyun

Châu Tinh Trì - thờ ơ với ánh hào quang Hollywood

Từng được người khổng lồ trong nghành công nghiệp điện ảnh là hãng Miramax Films ngỏ lời mời hợp tác, đồng thời vạch sẵn nhiều dự tính, kế hoạch sản xuất phim, thế nhưng ông vua không ngai của thể loại phim võ thuật hài hước Châu Tinh Trì vẫn một mực từ chối.

Lý do anh đưa ra khá giản dị: Sinh ra và lớn lên tại Hồng Kông, Châu Tinh Trì không muốn trở thành một ngôi sao vệ tinh của Hollywood mà chỉ muốn nhờ Hollywood giúp sức quảng bá nền điện ảnh Hồng Kông nói riêng, châu Á nói chung với khán giả thế giới...

Có lần, khi được đặt câu hỏi ngôi sao điện ảnh nào đã tạo nên tác động mạnh mẽ tới phong cách diễn xuất của mình, Châu Tinh Trì đã trả lời ngay là Lý Tiểu Long và Chaplin. Điều này lý giải cho sự xuất hiện đồng thời của cả yếu tố hài hước và võ thuật trong hầu hết những bộ phim mà anh làm đạo diễn hay tham gia diễn xuất.

Tuy nhiên, không rập khuôn theo phong cách của đàn anh Thành Long với những tình tiết, thế võ khiến người xem cười đó rồi quên đó, Châu Tinh Trì đã sử dụng thủ pháp trào lộng trong những bộ phim võ của mình một cách khá sáng tạo, phóng túng nhằm mục đích kể chuyện thế thái nhân tình, phản ánh thực trạng xã hội để buộc cả giới trí thức lẫn những người bình dân đều phải suy ngẫm.

Là con trai duy nhất trong một gia đình nghèo ở Hồng Kông, từ nhỏ Châu Tinh Trì đã ý thức được vai trò trụ cột của mình và quyết tâm tạo dựng sự nghiệp bằng con đường mà anh yêu thích: điện ảnh.

Châu Tinh Trì - thờ ơ với ánh hào quang Hollywood - 1

Châu Tinh Trì (áo đen)


Năm 1988, tên tuổi của Châu Tinh Trì bắt đầu được mọi người chú ý và yêu thích khi anh thế vai cho siêu sao Lương Triều Vỹ trong bộ phim truyền hình dài tập Cái thế hào hiệp của đài TVB. Lấy đó làm bàn đạp, họ Châu đã không phụ lòng đạo diễn Lý Tu Hiền khi anh được trao giải Kim Mã nam chính xuất sắc tại LHP Đài Loan lần thứ 25 với vai Ah Wai trong phim Phích lịch tiên phong (cùng năm 1988). Những phim góp phần khẳng định tài năng của anh còn có Trường học uy long, Thấm tử cung...

Còn nhớ cách đây bốn năm, ý tưởng kết hợp công phu Thiếu Lâm với môn thể thao vua của Châu Tinh Trì trong phim Thiếu Lâm túc cầu đã đạt thành công ngoài mong đợi với 7 giải Kim Tượng, đạt doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh Hồng Kông (60 triệu HKD) và được Miramax bỏ tiền mua quyền phát hành quốc tế.

Chưa dừng lại ở đó, Châu Tinh Trì tiếp tục thừa thắng xông lên với bộ phim đánh dấu lần thứ 7 ngồi ghế đạo diễn và lần thứ 61 tham gia diễn xuất của anh là Công phu tuyệt đỉnh (năm 2004). Ròng rã mất một năm viết kịch bản, một năm quay phim và thêm một năm chế tác, công sức của họ Châu lần nữa được tưởng thưởng xứng đáng với 6 giải thưởng tại LHP Kim Tượng, được Columbia Tristar đứng ra phát hành và tạo tiếng vang cực lớn trên trường điện ảnh quốc tế.

Vẫn với phong cách gây cười quen thuộc là sao lại hình ảnh của một số phim nổi tiếng (Gangs of New York, The Matrix Reloađe...), nhưng ẩn sâu bên trong Công phu tuyệt đỉnh còn là một chủ nghĩa anh hùng đang dần bị mai một trong xã hội ngày nay. Sẽ bất ngờ khi các cao thủ võ lâm gác kiếm ẩn náu ở khu phố Chuồng Lợn lại không hề trẻ đẹp hay lãng tử theo khuôn mẫu anh hùng trước đây, mà ngược lại còn có phần già nua và kỳ dị. Nhưng điều đó có hề chi khi mà những "chân nhân bất lộ tướng" này sẵn sàng hy sinh cả tính mạng để bảo vệ lẽ phải, chiến đấu chống lại cái xấu, cái ác vẫn còn tồn tại khắp nơi...

Với dự định tiếp tục thực hiện Công phu tuyệt đỉnh 2, có vẻ Châu Tinh Trì đang rất quyết tâm mở toang cánh cửa còn khép hờ của nền điện ảnh châu Á.


Theo Doanh Nhân Sài Gòn CT