Chàng trai gốc Việt làm nhân viên lau dọn vệ sinh để nuôi giấc mơ âm nhạc

(Dân trí) - Lê Khoa sang Mỹ đã được hơn 3 năm. Thời điểm lên kế hoạch về nước làm một album với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Lê Khoa chọn công việc lau dọn vệ sinh ở một trại dưỡng lão.

Từ “nhân tố bí ẩn” đến nghệ sĩ thể nghiệm

Tháng 3 năm ngoái, một gương mặt mới toanh với một thứ âm nhạc cũng mới toanh ra mắt khán giả: “Lê Khoa hát Lê Minh Sơn”. Sau Hoàng Quyên, đây là lần thứ hai Lê Minh Sơn làm album riêng cho một nghệ sĩ 9x.

Lê Khoa, thoạt tiên không ai biết anh là ai. Một nghệ sĩ sinh năm 1995, đang sinh sống và học tập tại Mỹ, người Sài Gòn, mái tóc dài và thân hình hoàn toàn không theo chuẩn idol. Có chút dị lập như một nghệ sĩ dòng country rock.

_25A2934.JPG

Lê Khoa từng gây chú ý khi tham gia Nhân tố bí ẩn mùa đầu tiên.

Nhưng rồi người ta cũng nhận ra chàng trai ấy là “gương mặt thân quen”: Lê Việt Đăng Khoa, người đã từng làm bộ tứ HLV Nhân tố bí ẩn mùa đầu tiên sốc vì một giọng hát nội lực và vì thái độ ngông nghênh thiếu khuôn phép ở tuổi 18.

Thay vì giữ nguyên cái tên đã có chút “tai tiếng” ấy để dễ bề đặt chân vào làng giải trí nước nhà, hay chí ít để truyền thông khỏi ngơ ngác, thì Lê Khoa dùng nghệ danh mới, và giấu nhẹm đi việc từng khuấy động sân khấu Nhân tố bí ẩn 2014 ra sao.

Và thay vì cực đoan chỉ hát nhạc Âu Mỹ như 4 năm trước, Lê Khoa giờ hát nhạc Việt, với cái cảm giác mà anh dùng từ là “được lấp đầy”.

Sau sự trình diện đầu tiên với “Lê Khoa hát Lê Minh Sơn”, Lê Khoa trở về quê nhà với một album mới “War” hay “Cuộc chiến”. “War” có hai ca khúc tiếng Anh và 1 ca khúc tiếng Việt, nhưng không có chút lai căng nào, cũng không có chút Âu Mỹ nào. Bởi đó là tất cả những ẩn ức cào xé về dòng máu Lạc Hồng chảy trong huyết quản được Khoa viết nên, giãi ra trên từng nốt nhạc, trong tiếng trống và trumpet của người bạn Mexico Josua Estrada – người cũng mang đầy phức cảm về mật mã Maya cổ đại cài đặt trong mỗi tế bào.

Lê Khoa gặp gỡ ở Josua Estrada sự đồng điệu của tâm hồn, của tình yêu máu thịt về nguồn gốc, và quyết định cùng nhau cất lên tiếng nói ngạo nghễ của bản thể giữa một thế giới của những món ăn nhanh và nước uống hòa tan, tôn sùng thứ gia vị công nghiệp đoạn tuyệt với cốt lõi thiên nhiên của mọi thứ cỏ cây nguyên thủy.

le-minh-son1-1520592741806148502297.jpg

Lê Khoa từng ra album hát nhạc Lê Minh Sơn.

Cả hai thực hiện một hành trình mạo hiểm. Mạo hiểm từ việc tự tổ chức một đêm nhạc miễn phí để quyên góp tiền làm album và may sao lại được đón nhận sự ủng hộ nồng hậu của 500 khán giả với 3.000 USD. Mạo hiểm từ việc lựa chọn một thông điệp dễ gây hiểu lầm về chủ nghĩa dân tộc cực đoan và một dòng nhạc kén chọn người nghe.

Mạo hiểm đến cả việc quyết định thu âm trực tiếp rồi mang album tới đặt hàng phù thủy phòng thu Bob Olhsson chỉnh sửa. Vị kỹ sư phòng thu từng giành tới 4 giải Grammy bị thuyết phục bởi album tới mức ông quyết định chỉ lấy của Lê Khoa một mức giá hết sức “sinh viên” cho một chất lượng đẳng cấp hàn lâm.

Đi làm nhân viên lau dọn vệ sinh để nuôi giấc mơ âm nhạc

Lê Khoa sang Mỹ đã được hơn 3 năm. Thời điểm lên kế hoạch về nước làm một album với nhạc sĩ Lê Minh Sơn, Lê Khoa chọn công việc lau dọn vệ sinh ở một trại dưỡng lão.

Ban đầu anh không quen, cảm thấy rất nhục nhã vì phải động vào những thứ kém vệ sinh nhất. Nhưng dần dần, Lê Khoa nhận ra công việc chân tay nào dù bị xem thấp kém đến đâu cũng cần một sự linh hoạt của khối óc và sự tận tâm của con tim.

khoa3.jpg

Tại Mỹ, Lê Khoa làm thêm nhiều công việc để kiếm sống...

“Nếu người lao công không làm việc bằng sự tận tụy và bàn tay khéo léo thì không có sự sạch sẽ của nước Mỹ. Họ cũng là một nghệ sĩ bởi giá trị họ tạo ra cho cộng đồng rất lớn lao”, Lê Khoa chia sẻ.

Ngày ngày, chàng trai trẻ thức dậy lúc 5 giờ sáng, đi làm lúc 6 giờ sáng, buổi trưa nghỉ một lát rồi làm tiếp đến 8 giờ tối. Hai ngày cuối tuần thì Lê Khoa học kín. Tất cả mọi cuộc vui chơi với bạn bè, những bữa tiệc cuối tuần, những chuyến du lịch xa Lê Khoa đều từ chối. Vòng quay của anh chỉ quay quanh hai việc đi học và đi làm, cốt sao có đủ để nuôi giấc mơ với âm nhạc.

Nhìn con trai vì đam mê mà lao lực, mẹ của Lê Khoa  - người cùng làm ở viện dưỡng lão với công việc y tá - đã nhiều lần rơi nước mắt thương con.

Sau khi làm xong album Lê Minh Sơn, trở về nước thì Lê Khoa cũng mất việc. Nhưng người chủ cũ vì cảm mến chàng công nhân vệ sinh chăm chỉ đã giới thiệu tới làm ở một bộ phận khác, đòi hỏi kiến thức cao hơn. Nói như Lê Khoa thì: “Giờ đang có một chỗ ổn định để kiếm tiền trả nợ”.

_25A2753-Edit2.jpg

...và nuôi giấc mơ âm nhạc.

Nếu không vì những tham vọng này, có lẽ Lê Khoa đã an nhàn ở trường Butler Community với gói học bổng toàn phần rồi. Nhưng sau “War” sẽ là nhiều album khác, mà anh biết trước, mỗi một lần thỏa mãn cuộc chơi thể nghiệm với âm nhạc là một lần anh bán mạng cho những công việc lao lực nhất để có thể kiếm ra tiền ở nước Mỹ phù hoa.

Tuổi 24 của Khoa, ở Việt Nam những Hương Tràm, Sơn Tùng đã có trong tay cả gia tài. Nhưng vốn dĩ nghệ thuật đích thực không nhìn thấy tiền. Lê Khoa chọn con đường trở thành một nghệ sĩ – theo định nghĩa là người dẫn đầu, người tạo ra xu hướng – nên dưới bàn chân của anh tất nhiên sẽ không lót bạc vàng.

Nguyễn Hằng