1. Dòng sự kiện:
  2. Thanh Thủy đăng quang Hoa hậu Quốc tế 2024
  3. Bê bối tình dục chấn động của "ông trùm" Diddy

Chân dung người phụ nữ quyền lực ngồi ghế VIP nhất tại tuần lễ thời trang

Vĩnh Ngọc

(Dân trí) - Ngồi vị trí quan trọng nhất trong các show thời trang danh tiếng hàng đầu không phải các minh tinh hay siêu mẫu gợi cảm mà là một nhà báo có tên Anna Wintour - tổng biên tập tạp chí Vogue.

Anna Wintour trả lời phỏng vấn

Tại các tuần lễ thời trang, một nhân vật luôn xuất hiện lạnh lùng, sang trọng và khiến mọi phóng viên và những người nổi tiếng phải đặc biệt quan tâm, đó là nữ nhà báo Anna Wintour - tổng biên tập tạp chí Vogue Mỹ, người phụ nữ được coi là "quyền lực" nhất làng thời trang. 

Anna Wintour mặc đồ hiệu cao cấp, thường đeo kính khi ngồi vị trí hàng đầu theo dõi các show thời trang. Sự có mặt của bà tại bất cứ show diễn nào là niềm vinh dự của các nhà thiết kế.

Wintour đã trở thành một nhân vật quan trọng trong thế giới thời trang, bà được ca ngợi bởi là người rất có khả năng tìm kiếm các xu hướng thời trang mới. Với mái tóc bob cá tính bao năm không thay đổi và cặp kính râm đen đặc trưng của mình, Anna Wintour xuất hiện ở đâu cũng gây xôn xao.

Chân dung người phụ nữ quyền lực ngồi ghế VIP nhất tại tuần lễ thời trang - 1

Anna Wintour - khách VIP tại các show thời trang lớn.

Anna Wintour sinh ra tại Hampstead, London, Anh với cha là biên tập viên của Evening Standard, và mẹ là người Mỹ, con gái của một giáo sư trường luật Harvard. Wintour là cháu gái của tiểu thuyết gia nổi tiếng Lady Elizabeth Foster - Nữ công tước xứ Devonshire. 

Năm 1970, khi tạp chí danh tiếng Harper's Bazaar của Anh hợp nhất với tạp chí Queen để trở thành Harper's & Queen, Wintour trở thành trợ lý biên tập đầu tiên của tạp chí và bắt đầu sự nghiệp của bà trong lĩnh vực báo chí thời trang.

Những năm sau đó, bà làm việc cho nhiều tạp chí khác như Viva, Savvy.... Bà đến làm việc tại Vogue vào năm 1983, trở thành giám đốc sáng tạo đầu tiên của Vogue, một vị trí rất quan trọng lúc đó. Những thay đổi của bà đối với tạp chí gây ra xích mích giữa các nhân viên. 

73 câu hỏi với Anna Wintour

Năm 1985, Wintour giành được vị trí chủ bút, tiếp quản ấn bản Vogue ở Anh sau khi Beatrix Miller nghỉ hưu. Khi trở thành người phụ trách, bà đã thay nhiều nhân viên và kiểm soát tạp chí nhiều hơn bất kỳ người phụ trách nào trước đó. Những thay đổi của bà đã chuyển tạp chí từ sự lập dị truyền thống sang một hướng phù hợp hơn với phong cách tạp chí Mỹ.

Dưới sự điều hành của bà, tạp chí Vogue đã đổi mới rất nhiều, tập trung vào thời trang và vô cùng nổi bật. Vogue giữ vị trí dẫn đầu trước ba đối thủ: Elle; Harper's Bazaar Mirabella. 

Tạp chí Vogue Mỹ có hơn 12 triệu độc giả trên báo in và trung bình 1,2 triệu người truy cập trực tuyến hàng tháng. Wintour được cho là chủ bút có đầu óc thương mại nhất từ trước đến nay.

Trong suốt 25 năm làm việc tại Vogue Mỹ, Wintour đã đưa hàng loạt người nổi tiếng lên trang bìa, thực hiện các buổi chụp hình thời trang cao cấp ngoài phố và sử dụng ảnh hưởng của các thương hiệu hàng đầu để ủng hộ các nhà thiết kế mới của Mỹ thông qua quỹ thời trang CFDA / Vogue. Wintour cũng ra mắt chương trình ăn khách Fashion's Night Out.

Chân dung người phụ nữ quyền lực ngồi ghế VIP nhất tại tuần lễ thời trang - 2

Anna Wintour (đeo kính) ngồi cạnh Nữ hoàng Anh (bên trái) tham dự tuần lễ thời trang London.

Nhà báo sinh ra ở Anh đã mô tả vai trò giám đốc giám đốc sáng tạo của bà đó là "mở rộng những công việc mà tôi đang làm". New York Times mô tả vai trò của Anna như một "nhà tư vấn nội bộ cho các tạp chí gặp khó khăn hoặc đã lỗi thời". 

Ngày nay, tạp chí Vogue Mỹ có rất nhiều nhiếp ảnh gia, biên tập viên và nhà thiết kế. Nhiều người trong số họ đã được Wintour đào tạo và trở nên vô cùng nổi tiếng, ví như Annie Leibovitz, Craig McDean, Steven Meisel và David Sims.

Wintour cũng đi tiên phong trong việc sử dụng những nhân vật bên ngoài ngành thời trang, bao gồm cầu thủ bóng rổ LeBron James và rapper Puff Daddy, để minh họa cho các thông điệp thời trang mới của bà.

Tháng 12 năm ngoái, trong cuộc "đại tu biên tập" của Conde Nast - công ty truyền thông đại chúng hàng đầu nước Mỹ sở hữu các ấn bản Vogue, The New Yorker, GQ, Glamour, Architectural Digest, Vanity Fair..., Wintour được bổ nhiệm làm giám đốc nội dung. Vai trò này liên quan đến việc giám sát tất cả nội dung tại công ty ngoại trừ The New Yorker. Bà cũng đặt ra chiến lược phát triển cho Vogue với tư cách là giám đốc biên tập toàn cầu.

Không chỉ nổi tiếng trong thời trang, Anna Wintour còn tạo cảm hứng cho nhiều cuốn sách và bộ phim. Năm 2003, một cựu trợ lý của bà có tên là Lauren Weisberger đã viết cuốn sách bán chạy nhất năm mang tên The Devil Wears Prada. Sau đó tác phẩm này được dựng thành một bộ phim vô cùng ăn khách trong năm 2006 với sự tham gia của Meryl Streep trong vai Miranda Priestly, một tổng biên tập tạp chí thời trang, nhân vật được cho là dựa trên nguyên mẫu Anna Wintour. Năm 2009, Wintour là tâm điểm của một bộ phim khác, bộ phim tài liệu của R. J. Cutler, The September Issue.

Về đời tư, người phụ nữ "quyền lực" của thời trang từng kết hôn hai lần. Người chồng đầu tiên của bà là David Shaffer, giáo sư tâm lý học trẻ em. Lần kết hôn thứ hai của bà là với John Shelby Bryan, một doanh nhân và nhà đầu tư mạo hiểm. Anna Wintour có hai người con và dù rất nổi tiếng nhưng bà vô cùng kín đáo về đời tư.

Anna Wintour nói về gia đình Kardashians