TPHCM:
Cậu bé chăn trâu viết tự truyện
(Dân trí) - “Dù quá khứ của bạn như thế nào, nhưng cách thức bạn ứng xử và vượt lên hiện tại sẽ quyết định bạn là người như thế nào”, đó là câu nói của “cậu bé chăn trâu” Hồ Văn Trung, tác giả tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách”.
Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), ông Hồ Văn Trung, Chủ tịch một tập đoàn đa quốc gia đã cho ra mắt cuốn tự truyện “Gian truân chỉ là thử thách”. Tự truyện này là những câu chuyện về cuộc đời vượt qua bao bão giông, sóng gió nghiệt ngã, qua bao khó khăn gian truân để khẳng định mình, xây dựng tổ ấm và cống hiến cho xã hội của ông Hồ Văn Trung, từ một cậu bé chăn trâu trở thành doanh nhân thành đạt.
Tại buổi ra mắt tự truyện, ông Trung đã chia sẻ nhiều về mình và cuộc đời đầy những gian truân trước khi bước đến thành công trước nhiều bạn trẻ là sinh viên và những con người biết vượt qua nghiệt ngã, không đầu hàng số phận.
Hồ Văn Trung sinh ra và lớn lên ở làng quê La Khê, (Hương Vinh, Hương Trà, Thừa Thiên Huế). Chịu cảnh mồ côi cha ngay từ lúc lọt lòng mẹ nhưng cuộc đời không làm ông ngã gục; mà chính những khó khăn, mất mát đó đã tôi rèn ông trở thành một doanh nhân thành đạt như ngày hôm nay.
Qua những trang viết của mình, Hồ Văn Trung đưa người đọc về những ngày gian khó và đầy nhọc nhằn nơi vùng quê La Khê mênh mông ruộng đồng, sông nước. Ở đó, ông cùng người mẹ và người chị gái sống cùng nhau trong một túp lều dựng tạm, không có bất kỳ một tài sản nào, kể cả ruộng vườn và trâu bò. Điều quý giá nhất mà anh có, là tấm lòng bao la của người mẹ nghèo. Vì muốn các con có chữ nghĩa bằng bạn bằng bè, có cuộc sống tốt đẹp hơn, người mẹ đó đã không nề hà việc gì, từ dãi nắng dầm sương ngoài đồng ruộng đến làm thuê, ở đợ cho người ta.
Chính hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn đó đã tạo nên động lực để Hồ Văn Trung quyết tâm thoát ra khỏi nghịch cảnh mà số phận ngỡ tưởng đã an bài. Ông nhận ra chỉ có học vấn mới giúp ông thực hiện quyết tâm đó. Vốn là một cậu bé thông minh, sáng dạ công thêm quyết tâm thoát nghèo luôn sôi sục trong lòng, Hồ Văn Trung đã xuất sắc trải qua các kỳ thi như đệ thất, tú tài bán, tú tài toàn rồi vào trường đại học mà lúc bấy giờ không phải ai cũng làm được điều đó.
Học ở trường Đại học Huế được một năm, ông lại nung nấu ý định vào Sài Gòn với một niềm tin rằng “bầu trời không thể mãi tối đen, phải đến lúc ánh mặt trời hé dạng” và “phía cuối đường hầm sẽ có ánh sáng của hy vọng”.
Không “tươi đẹp” như hình dung, cuộc sống những ngày đầu ở Sài Gòn của Hồ Văn Trung lại là chuỗi ngày lang bạt với cái bụng lúc nào cũng trong tình trạng đói meo. Thậm chí có lần vì không chịu nổi, ông đã ngất xỉu trong nhà học trò mà mình đang dạy kèm. Chật vật xoay xở ở Sài Gòn, cùng với sự giúp đỡ của một gia đình cùng quê, Hồ Văn Trung đã ổn định được cuộc sống của mình và tiếp tục học ở trường Đại học Khoa học Sài Gòn. Đây cũng chính là bước ngoặt dẫn ông vào con đường mới, một định hướng mới với bao thăng trầm nổi trôi theo vận nước.
Những năm đầu thập niên 70, khi tình hình trong nước đầy hỗn loạn, tình trạng chiến tranh ngày càng khốc liệt, với tấm lòng yêu nước cũng như bao thanh niên trong thời loạn ấy, Hồ Văn Trung đã dấn thân vào đấu tranh để mong tìm một niềm hòa bình cho đất nước, nhưng không may cuộc đời trôi nổi lại đẩy ông vào tù tội của cả hai chế độ cũ và mới. Không cam phận, Hồ Văn Trung lại nung nấu ý định đi về miền đất hứa để có một tương lai tươi sáng. Vượt qua những gian nan và nguy hiểm, cuối cùng ông và người bạn đời của mình đã được đặt chân lên nước Úc. Hai vợ chồng lại tiếp tục chuỗi ngày vất vả mưu sinh với đầy rẫy thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần. Cũng có lúc, ông và người vợ của mình phải chịu cảnh tay trắng khi bị lừa hết tài sản.
Nơi xứ người với hai bàn tay trắng, Hồ Văn Trung đã tự kiến tạo cho mình một gia đình hạnh phúc cùng một sự nghiệp vững vàng và bề thế. Giờ đây, ông đã là chủ của tập đoàn đa quốc gia có trụ sở và chi nhánh khắp nơi trên thế giới như: Úc, Mỹ, Anh, Việt Nam, Africa… Một điều đáng quý ở Hồ Văn Trung, ấy là khi đã thành danh ở xứ người, thì ông vẫn không quên Việt Nam - nơi đã cho anh dáng vóc và hình hài. Ông trở về nước với lương tâm, với hoài bão để giúp cải thiện đất nước tốt hơn, nâng cao đời sống người dân và hy vọng họ sẽ tạo ra trên quê hương mình những thay đổi tích cực.
“Tôi tin rằng cuộc đời có hai chữ “số phận” và “cơ hội”. Nhưng số phận và cơ hội tốt chỉ mở ra với những người biết tự định đoạt cuộc sống của mình, biết phấn đấu, học hỏi không ngừng để vươn lên. Không ai có cuộc đời hoàn hảo, không ai có thể chọn nơi mình sinh ra, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể quyết định cuộc đời mình. Đừng bao giờ nản chí! Đừng bao giờ buông xuôi! Đừng bao giờ tuyệt vọng! Đừng bao giờ ngừng cố gắng và hy vọng vì chắc chắn thành công sẽ đến với những ai biết tạo ra cơ hội cho chính mình”, Hồ Văn Trung chia sẻ.
Suy cho cùng, đúng như tên của tự truyện - Gian truân cũng chỉ là thử thách. Thành công sẽ đến với những ai biết đứng dậy, tự tìm con đường đi cho mình.
Công Quang